VIỆT NAM XÁC ĐỊNH ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, CẤP BÁCH
Chiều ngày 8/12, tại Tp.Cần Thơ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (MCRP-GIZ) tiếp tục tổ chức Hội thảo về “Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới”.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và các thành viên của Ủy ban; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cùng một số đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số Bộ ngành liên quan.
Về phía Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (MCRP-GIZ) có ông Oemar Idoe-Phó Giám đốc Tổ chức GIZ tại Việt Nam; ông Christoph Klinnert, Giám đốc Dự án MCRP- GIZ.
Đề cập việc thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Vĩnh Phong - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 với phạm vi thực hiện trên toàn quốc. Đến nay, Chương trình đã kết thúc, đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Ông Phạm Vĩnh Phong - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Chương trình đã góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh; Nâng cao nhận thức các cấp quản lý, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tôn giáo và cộng đồng dân cư về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh; Tạo lập được hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu, tạo tiền đề cho chuyển đổi số lĩnh vực biến đổi khí hậu; làm cơ sở giám sát, quản lý thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Cải tạo cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng Nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số dự án của Chương trình phải thi công trong điều kiện khó khăn dẫn đến chậm tiến độ như: Dự án thi công dưới lòng hồ thuỷ điện, nước lên xuống theo thời gian tích nước của lòng hồ; Dự án có khu vực triển khai liên quan đến phân bố dị thường phóng xạ Uranium nên phải có ý kiến của các cơ quan thẩm quyền; Dự án phát triển rừngcó cao trình bãi không đáp ứng do chồng lấn với địa bàn khai thác khoáng sản nên việc trồng cây dễ bị chết; Dự án khó khăn do phải vận chuyển vật tư từ đất liền…
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Để khắc phục các hạn chế vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng, phê duyệt và triển khai các chương trình về biến đổi khí hậu thời gian tới, ông Phạm Vĩnh Phong kiến nghị một số nội dung như: Xem xét, phê duyệt và bố trí nguồn lực kịp thời (ngay từ năm đầu kỳ Kế hoạch 5 năm 2026 - 2030) để triển khai các chương trình đầu tư công có quy mô quốc gia, có tính chất trọng điểm về biến đổi khí hậu giai đoạn 2026 - 2030, nhằm huy động hệ thống chính trị chủ động tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, góp thần thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, bao gồm cam kết tại COP26 về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo ông Phạm Vĩnh Phong, chỉ đạo hoàn thiện, đồng bộ hóa chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bao gồm phát triển rừng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Tăng cường ngoại giao nghị viện nhằm huy động nguồn lực tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ từ các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đề xuất về việc thực thi chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH, ông Nguyễn Văn Tuệ - nguyên Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục định hướng hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả ứng phó với BĐKH trong bối cảnh quốc tế mới, tiến tới ban hành Luật riêng về BĐKH. Bên cạnh đó là xem xét ưu tiên nguồn lực cho ứng phó với BĐKH nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng với BĐKH của hệ thống kinh tế, xã hội, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, phát triển nền kinh tế xanh, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ông Nguyễn Văn Tuệ - nguyên Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá về việc thực thi chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH ở một số Bộ, ngành.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về BĐKH; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 bảo đảm phù hợp với mục tiêu thích ứng với BĐKH, giảm phát thải KNK, thực hiện các cam kết của Việt Nam và các điều ước quốc tế về BĐKH; Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH trên cơ sở Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 mới ban hành, thống nhất các hành động ứng phó trong các Kế hoạch, Chương trình hành động trước đây và bổ sung các hành động ứng phó mới nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược.
Về phía Chính phủ cũng cần chỉ đạo xây dựng triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về ứng phó với BĐKH trong dài hạn (giai đoạn 10 năm) để đảm bảo các nghiên cứu liên tục, có tính kế thừa, quy mô phù hợp với Chiến lược, kế hoạch của các Bộ, ngành và địa phương; Chỉ đạo việc sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH, cơ sở dữ liệu về quy hoạch các cấp; Cơ chế khai thác cơ sở dữ liệu theo hướng số hóa để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng theo nhu cầu trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành.
Đối với Bộ, ngành Trung ương, cần rà soát, xây dựng trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thực hiện các quy định về ứng phó với BĐKH theo Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật có liên quan; Rà soát, bổ sung các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức kỹ thuật liên quan đến thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH giai đoạn đến 2030 nhằm tập trung, thống nhất các nhiệm vụ, dự án và huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH và các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Sẽ nghiên cứu, bổ sung các căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để hoàn thiện báo cáo giám sát về BĐKH
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến vào việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực nông nghiệp; kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; Tình hình triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030” và giải pháp cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Giải pháp ứng phó với BĐKH trong quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và kiến nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để thực thi hiệu quả...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định: Qua các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất khẳng định rằng, trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã luôn chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra góp phần thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước và cam kết quốc tế về BĐKH.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo.
Về cơ bản, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng phó với BĐKH ở cấp trung ương đến nay đã được ban hành tương đối đầy đủ; Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ứng phó với BĐKH khá kịp thời, phù hợp với bối cảnh, quan điểm mới về BĐKH, đặc biệt là từ sau kết quả tại Hội nghị COP26. Việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH khá nghiêm túc. Các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH mang lại hiệu quả nhất định, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của cộng đồng. Đầu tư công cho BĐKH đã cung cấp nguồn lực đáng kể cho ứng phó với BĐKH, nhất là củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH…
Tuy nhiên, các ý kiến tại Hội thảo cũng cho thấy còn một số tồn tại hạn chế như: Nhiều địa phương còn lúng túng trong xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH của địa phương. Một số địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo về ứng phó BĐKH cấp tỉnh nhưng hoạt động còn hạn chế do thiếu nguồn lực. Cấp tỉnh, cấp Bộ, ngành và doanh nghiệp còn lúng túng trong thực hiện chính sách giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính, giám sát và đánh giá hoạt động ứng phó với BĐKH do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.
Một số kế hoạch, chương trình, đề án ứng phó với BĐKH được phê duyệt nhưng không gắn với bảo đảm nguồn lực thực hiện, chưa kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá cụ thể mục tiêu, hiệu quả đầu tư các dự án. Đầu tư công cho ứng phó với BĐKH tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc lồng ghép BĐKH vào quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch mặc dù đã được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện, nhưng chưa thực sự gắn kết với nhiệm vụ, giải pháp và bố trí nguồn lực đầu tư, dẫn đến khả năng thực thi nội dung lồng ghép BĐKH chưa cao…
Các đại biểu đặt câu hỏi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng cho rằng, mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng do xuất phát điểm là quốc gia không thuộc Phụ lục 1 của Công ước khí hậu, chưa có nghĩa vụ bắt buộc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trước năm 2020, công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nói chung và kiểm kê khí nhà kính nói riêng còn tồn tại một số hạn chế. Công tác tuyên truyền về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa được thực hiện bài bản, thường xuyên.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, nhiệm vụ trong thời gian tới là triển khai thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về ứng phó với BĐKH; trọng tâm là quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Điều 91); thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ô-dôn (Điều 94); tổ chức và phát triển thị trường các-bon (Điều 139). Tập trung nguồn lực thực hiện một số chương trình/dự án trọng điểm, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề lớn, bức xúc về môi trường, thích ứng với BĐKH. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với BĐKH.
Các đại biểu cũng đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tổ chức thực hiện ứng phó với BĐKH hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật đã ban hành về quản lý phát thải khí nhà kính; Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về biến đổi khí hậu; Rà soát, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá về BĐKH. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý quốc gia về BĐKH, trong đó đặc biệt chú trọng cơ chế, thể chế tài chính có tầm chiến lược để thu hút nguồn lực tài chính và sự hỗ trợ công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm nhất quán, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng. Vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản. Vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cảm ơn những tham vấn, kiến nghị của các đại biểu và cho biết, Ủy ban sẽ nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục bổ sung các căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để hoàn thiện báo cáo giám sát về biến đổi khí hậu trong thời gian tới; đồng thời tham mưu việc rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là các luật, nghị quyết của Quốc hội và tăng cường giám sát của Quốc hội đối với các Bộ, ngành của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về ứng phó với BĐKH./.