TỔNG THUẬT CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021
Quan tâm đến công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, các đại biểu Quốc hội cùng đề cập đến vấn đề lãng phí trong lĩnh vực khoa học công nghệ và trong ứng dụng công nghệ thông tin. Để đẩy lùi tình trạng thất thoát, lãng phí trong các lĩnh vực này, các ý kiến đề nghị cần có giải pháp căn cơ hơn để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành, đồng thời gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ. Đồng thời cần tạo ra được thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Ngoài ra, để tránh lãng phí thời gian và nguồn lực, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tạo ra sự đồng bộ trong việc cung cấp các dịch vụ công bằng hình thức trực tiếp với các tài liệu giấy sang hình thức trực tuyến với các tài liệu điện tử.
Gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xảy ra thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực khoa học, công nghệ
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Mặc dù công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng năm nhưng đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhận thấy, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát nội dung này cả giai đoạn 2016-2021. Thông qua giám sát lần này đã phát hiện sai sót, thất thoát, lãng phí trong nhiều lĩnh vực và qua đó đề nghị các kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả giám sát lần này của Quốc hội cũng có tác động lan tỏa, làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Một trong những mục tiêu của giám sát lần này là tập trung đánh giá kết quả đạt được, xác định nguyên nhân vướng mắc, đặc biệt là chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, báo cáo chỉ nêu quản lý, sử dụng kinh phí, sự nghiệp khoa học, công nghệ chưa triệt để, tiết kiệm chưa hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí mà chưa chỉ ra được cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí như nêu trên.
Đại biểu nêu dẫn chứng 2 ví dụ cụ thể mà cử tri phản ánh là có dấu hiệu thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Thứ nhất, hiệu quả sử dụng Quỹ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2015-2021 đã có 1.392 doanh nghiệp thực hiện trích lập quỹ với tổng số tiền là 24.000 tỷ đồng, trong đó mới chỉ sử dụng được 11.000 tỷ và còn tồn đọng 12.000 tỷ đồng chưa được sử dụng trong thời gian dài, gây lãng phí nguồn lực. Theo phản ánh, mặc dù đã có quy định nhưng việc triển khai hoạt động của Quỹ còn nhiều vướng mắc, cụ thể là quy định về nội dung chi hoạt động khoa học, công nghệ, cơ chế giám sát chi tiêu, quyết toán và chế tài phạt sử dụng nếu không hết 70% số trích lập, quy định Quỹ khoa học, công nghệ tối thiểu và nộp về Quỹ khoa học, công nghệ quốc gia, nghĩa vụ thuế và sử dụng quỹ... Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, trong thời gian qua Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có một số kiến nghị gửi đến các cơ quan có liên quan. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 năm 2022, trong đó có nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến Quỹ.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao việc Bộ Khoa học, Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05 năm 2022 về hướng dẫn sử dụng quỹ, phần nào tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nói trên. Tuy nhiên, những vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ, hạch toán, báo cáo, quyết toán, điều chuyển quỹ trong nội bộ doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác vẫn còn khó khăn, chưa được giải quyết.
Đại biểu nhận thấy, hơn 12.000 tỷ đồng còn nghẽn trong Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Nguồn lực này sẽ còn tiếp tục lãng phí nếu không có những chính sách phù hợp, kịp thời. Cử tri đặt câu hỏi tại sao những vướng mắc như vậy tồn tại suốt trong 5 đến 6 năm qua vẫn không thể giải quyết triệt để và sẽ còn kéo dài đến khi nào.
Thứ hai, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ. Mặc dù, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, song nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về chất lượng nghiên cứu khoa học, hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ. Những băn khoăn này đã được quyết nghị tại điểm o, mục 2.1 Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, báo cáo của Đoàn giám sát tại Bộ Khoa học, Công nghệ cho thấy, trong giai đoạn 2016-2021, riêng Bộ Khoa học, Công nghệ có 86 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia đã được xử lý dừng thực hiện. Trong khi đó, tổng kinh phí giao triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ quốc gia giai đoạn này khoảng gần 19.000 tỷ đồng. Cử tri kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ bị dừng thực hiện và thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước nếu có.
Từ đánh giá thực trạng nêu trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu 2 kiến nghị như sau:
Thứ nhất, về Quỹ khoa học, công nghệ của doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cần rà soát tổng thể chính sách quản lý, sử dụng quỹ để đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng quỹ. Trước mắt, đề nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp khi trích lập và sử dụng Quỹ để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 12 năm 2016.
Thứ hai, về thực hiện quyết nghị của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đo lường hiệu quả đầu tư cho khoa học, công nghệ, từ đó đánh giá đúng mức đóng góp của khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học, công nghệ, trước mắt cần bổ sung phụ lục và chỉ tiêu khoa học, công nghệ trong báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm, sau đó sớm xây dựng chỉ tiêu pháp lệnh để góp phần ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị cần thiết phải có những phương pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Do vậy, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành, đồng thời gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước với các nguồn lực xã hội để khoa học, công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Cần tạo ra được thị trường khoa học công nghệ
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Cùng chỉ ra sự lãng phí trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu rõ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược nêu trong Đại hội XIII, hằng năm đã được dự trù kinh phí rất lớn để thực hiện.
Đại biểu nêu dẫn chứng, trong năm 2022 theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học được Quốc hội thông qua là 16.622 tỷ đồng và đây chưa kể khoản kinh phí trong Quỹ mà đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn Long An đã nói, còn 12.000 tỷ đồng hiện nay vẫn chưa được giải ngân.
“Có thể nói đây là nguồn lực rất lớn, nhưng kết quả chúng ta thực hiện như thế nào và Việt Nam hiện đang ở đâu trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới? Các quỹ chúng ta dành cho nghiên cứu về vaccin, kể cả vaccin COVID-19 hay các loại dịch bệnh khác đạt kết quả đến đâu? Các khu công nghiệp công nghệ cao được hoạt động như thế nào. Hay chúng ta đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khởi nghiệp như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Quang Huân băn khoăn. Do đó, đại biểu đề nghị các vấn đề này cần phải làm sáng tỏ và nên có một báo cáo nghiên cứu cụ thể về vấn đề này.
Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Quang Huân và trong báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu, nguyên nhân là do nhiều bộ, ngành cấp kinh phí cho đề tài chưa cấp thiết, chưa thực tiễn và có lẽ đây cũng là lý do không tạo ra được thị trường khoa học công nghệ. Chính vì khi không tạo ra được thị trường khoa học, công nghệ thì sẽ không tạo năng suất lao động và là điểm nghẽn.
Trong những năm qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam rất lớn nhưng tăng năng suất lao động lại rất thấp so với các nước trong khu vực. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu một phương án, có thể dùng vốn ngân sách nhà nước này làm vốn mồi giống như trong đầu tư công để lôi kéo các doanh nghiệp tư nhân vào cùng nghiên cứu để tạo ra được một thị trường khoa học công nghệ.
Đề xuất giải pháp tránh lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin
Trong khi đó, đề cập đến vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin được xem là một trong những giải pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực tế, trong thời gian vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong nhận thức, chưa bao giờ chuyển đổi số được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay. Tuy nhiên, theo báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu, việc quản lý, sử dụng đầu tư, mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin còn những tồn tại, thất thoát, lãng phí. Nhất trí với nhận định của Đoàn giám sát, đại biểu Hoàng Minh Hiếu quan tâm đến một số vấn đề sau:
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Thứ nhất, về sự trùng lặp trong việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin: Đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu rõ, hiện nay tình trạng một số nội dung nhưng có nhiều ứng dụng khác nhau đang là khá phổ biến. Điển hình như trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19, có thời điểm điện thoại của người dân có đến 4, 5 ứng dụng về khai báo y tế, có thể việc xây dựng các ứng dụng này không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng đó cũng là nguồn lực của xã hội. Chưa tính đến việc còn gây lúng túng, tốn kém thời gian của người dân trong quá trình sử dụng.
Hoặc như trong cơ quan nhà nước, mặc dù tính chất công việc, quy trình giải quyết công việc văn phòng gần tương tự nhau nhưng mỗi cơ quan nhà nước sử dụng những nền tảng giải quyết công việc khác nhau, thậm chí trong cùng một cơ quan, mỗi vụ, mỗi cục, mỗi đơn vị lại sử dụng các phần mềm khác nhau. Đại biểu cho rằng, việc này gây tốn kém cả trong quá trình xây dựng cũng như trong quá trình kết nối dữ liệu.
Thứ hai, về hiệu quả sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin: Đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận thấy, một số dịch vụ công trực tuyến hiện nay còn yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần. Nhiều người dân cho rằng, việc thao tác nộp hồ sơ trực tuyến không thực sự thuận tiện và thông suốt, còn tình trạng phải nhờ công chức hướng dẫn trực tiếp mới thực hiện được việc khai báo hồ sơ.
Đối với đội ngũ công chức, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Có những trường hợp công chức phải xử lý nghiệp vụ trên nhiều phần mềm, làm tăng thêm việc, tăng thêm thời gian xử lý. Dữ liệu điện tử vẫn chưa thay thế hoàn toàn được giấy tờ, gây thêm gánh nặng cho các cơ quan, tổ chức khi phải thực hiện các hoạt động điện tử và thủ công song song.
Thứ ba, việc đầu tư không đồng bộ cũng gây ra tình trạng lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin: Có tình trạng các ứng dụng công nghệ thông tin được xây dựng phù hợp vào nguồn lực của các dự án, không tính đến phương án tổ chức vận hành. Nhưng sau khi dự án kết thúc, các ứng dụng này cũng không được sử dụng hoặc không được cập nhật thường xuyên. Sau đó một thời gian ngắn lại được nâng cấp hoặc xây dựng mới một ứng dụng tương tự.
Thứ tư, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu còn thiếu tầm nhìn và thiếu quy hoạch: Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết, theo thống kê gần đây, mới có khoảng 1/3 số bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục các cơ sở dữ liệu, vì vậy dẫn đến tình trạng trùng lắp, thiếu kết nối trong việc tổ chức các cơ sở dữ liệu. Đáng chú ý trong thời gian gần đây, xu hướng xây dựng các cơ sở dữ liệu của nhiều dự án luật để phục vụ việc thực hiện các đạo luật này.
Đại biểu nêu ví dụ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, trong 11 dự án luật được Quốc hội thảo luận cho ý kiến thì có đến 7 dự án luật đề cập đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, tuy nhiên chưa có các tiêu chí để đánh giá về sự cần thiết xây dựng các cơ sở dữ liệu này, nhất là trong việc đánh giá về sự trùng lắp về chức năng, trùng lắp về dữ liệu với các cơ sở dữ liệu đang tồn tại hoặc đang được xây dựng.
Từ những thực trạng nói trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đã đề xuất 4 kiến nghị sau đây:
Một là, trong dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sắp tới đây, nguồn kinh phí đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số dự kiến còn tăng lên.
Hai là, cần có các công cụ để đánh giá về sự cần thiết và tính hiệu quả trong việc xây dựng hoặc nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phải lấy tính tiện dụng, tính thuận lợi của người dân làm trọng tâm, tránh gây mất thời gian, công sức của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ này.
Ba là, cần sớm hoàn thành việc xây dựng danh mục tổng thể các cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước, phân định rõ trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của Nhà nước và tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để tránh trường hợp nhiều cơ quan nhà nước cùng thu thập; xây dựng cơ sở dữ liệu để vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa không gây phiền hà, mất thời gian đối với người dân và doanh nghiệp.
Bốn là, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tạo ra sự đồng bộ trong việc chuyển đổi từ việc cung cấp các dịch vụ công bằng hình thức trực tiếp với các tài liệu giấy sang hình thức trực tuyến với các tài liệu điện tử, nếu không có sự đồng bộ này thì việc xử lý song song sẽ là một sự lãng phí rất lớn về thời gian và nguồn lực./.