HƠN 370 LƯỢT ĐBQH CHẤT VẤN TRỰC TIẾP TẠI CÁC PHIÊN CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI VÀ ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NĂM 2022

16/12/2022

Với hơn 370 lượt ĐBQH chất vấn trực tiếp và 80 lượt ĐBQH tranh luận là con số ấn tượng, cho thấy hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, chất vấn tại phiên họp của UBTVQH ngày càng sôi nổi, chất lượng với nhiều đổi mới, đáp ứng của mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước,…

CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV: CHIA SẺ, ĐỒNG HÀNH, TÌM QUYẾT SÁCH ĐÁP ỨNG MONG MỎI CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV 

Chất vấn – hình thức giám sát tối cao, trực tiếp của Quốc hội

Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp quan trọng của Quốc hội Việt Nam. Đây cũng là một trong những quyền quan trọng và cơ bản của đại biểu Quốc hội được quy định tại Hiến pháp. Thông qua hoạt động này, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được chất vấn và xác định rõ trách nhiệm của chức danh bị chất vấn. Chính vì vậy, chất vấn có vai trò rất quan trọng, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.

Với tầm quan trọng và ý nghĩa như vậy, các phiên chất vấn của Quốc hội luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cử tri, các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, với những đổi mới mạnh mẽ mang tính đột phá, hoạt động chất vấn đã trở thành sinh hoạt thường xuyên, có hiệu quả thiết thực của Quốc hội, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của cử tri.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; Nội quy kỳ họp Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội). Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã thông qua Quy chế làm việc của UBTVQH (ban hành kèm theo Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13 ngày 11/12/2015 của UBTVQH); Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH (ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 ngày 11/01/2017 của UBTVQH). Những văn bản do Quốc hội, UBTVQH ban hành đã bổ sung hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng. Cụ thể: Chất vấn được quy định tại Điều 98 của Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa tại Điều 49 Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 40 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Chương IV Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Theo thông lệ, một nhiệm kỳ có 11 kỳ họp thì kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ 11 không hoạt động chất vấn. Và theo Điều 15 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành có hai loại hoạt động chất vấn. Đó là, hoạt động chất vấn theo nhóm vấn đề và hoạt động chất vấn tổng thể.

Sổi nổi, mang lại hiệu quả thiết thực

Trong năm 2022, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các Kỳ họp của Quốc hội và Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có những đổi mới rõ nét, tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Kết quả của các phiên chất vấn đã mang lại hiệu quả thiết thực, đa số kết luận sau chất vấn được thực thi, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên thực tế.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trong 2,5 ngày với 266 đại biểu Quốc hội đăng ký, 131 lượt đại biểu chất vấn và 28 lượt đại biểu tranh luận liên quan đến 4 lĩnh vực (nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải). Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn.

Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trong 2,5 ngày với 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn, 22 lượt đại biểu đã tiến hành tranh luận liên quan đến 4 lĩnh vực (Nội vụ, Xây dựng, Thanh tra, Thông tin và truyền thông). Thủ tướng Chính phủ, 4/4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 4 vị trưởng ngành và 7 Bộ trưởng khác tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan. Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi chất vấn đối với Bộ t rưởng Bộ Thông tin và truyền thông tại Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Cùng với hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH cũng được tổ chức thường xuyên, trở thành hoạt động định kỳ. Cụ thể: Tại phiên họp thứ 9 (tháng 3/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn trong 01 ngày với 80 đại biểu Quốc hội đăng ký, 48 lượt đại biểu chất vấn và 10 lượt đại biểu tranh luận liên quan đến 2 lĩnh vực (công thương; tài nguyên và môi trường).

Kế tiếp, tại phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn trong 01 ngày với 85 đại biểu Quốc hội đăng ký, 45 lượt đại biểu chất vấn và 20 lượt đại biểu tranh luận liên quan đến 2 lĩnh vực (an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; văn hóa, thể thao và du lịch).

Có thể thấy, trong thời gian giữa hai kỳ họp, các phiên chất vấn của UBTVQH đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tễ - xã hội; giảm bớt những vấn đề cần chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Những kết luận sau chất vấn đối với từng lĩnh vực là cơ sở quan trọng để điều chỉnh, khắc phục những bất cập, hạn chế trong chính sách pháp luật và tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý điều hành của các cơ quan, lĩnh vực liên quan.

Phát huy hơn nữa hiệu quả các phiên chất vấn

Nhận định về hoạt động này, TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, ở tất cả các khóa Quốc hội gần đây, trong 7 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội thì hình thức chất vấn thường có hiệu lực lớn và mang lại hiệu quả cao (chỉ sau hình  thức giám sát lấy phiếu tín nhiệm). Vì trách nhiệm ở mỗi lĩnh vực chất vấn được cột chặt với trách nhiệm cá nhân từng chức danh bị chất vấn. Đánh giá kết quả của chất vấn cũng là đánh giá đối với cá nhân từng người bị chất vấn. Các khiếm khuyết tồn tại ở mỗi lĩnh vực không thể “đổ thừa ” cho ai được, không có chuyện tập thể chịu trách nhiệm chung. Bản thân mỗi chức danh phải tự giác phấn đấu vươn lên trên vị trí công tác của mình. Vì vậy, cần phát huy mạnh mẽ hình thức giám sát thông qua hoạt động chất vấn.

TS.Bùi Ngọc Thanh cũng cho biết, theo đánh giá của chủ tọa, các kỳ chất vấn thì nhìn chung nhiều đại biểu chất vấn ngắn gọn, cụ thể, rõ địa chỉ: tranh luận với tinh thần trách nhiệm, xây dựng .... Nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành bao quát được phạm vi lãnh đạo, quản lý, làm rõ dược nhiều vấn đề và dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri.

Để tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn, TS.Bùi Ngọc Thanh cho rằng, cần đổi mới lựa chọn vấn đề và nhóm vấn đề chất vấn. Theo đó, cần phải quy định một số nguyên tắc, ví dụ: Số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh bị chất vấn; các vấn đề được lựa chọn chất  vấn có mối quan hệ trực tiếp với nhau; Là những vấn đề bức xúc nhất hiện tại, hoặc tồn dộng lâu ngày không giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm;.... Đồng thời, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất vấn.

TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Đánh giá cao những đổi mới cũng như hiệu quả đưa lại từ hoạt động chất vấn thời gian qua, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, công tác điều hành của Chủ tọa phiên chất vấn là nhân tố cơ bản giúp hoạt động chất vấn chuyển sang tăng cường tranh luận.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, với cách điều hành khoa học, quyết đoán nhưng cũng rất linh hoạt của Chủ tọa các phiên chất vấn đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt, góp phần quan trọng. Công tác điều hành phiên chất vấn đã kịp thời làm rõ nội dung chất vấn, định hướng thành viên Chính phủ và ĐBQH đi vào đúng trọng tâm vấn đề chất vấn. Qua đó, chỉ rõ và đưa ra được giải pháp thiết thực, hiệu quả gắn liền với nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian thực hiện.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung kỳ vọng với những đổi mới mạnh mẽ và kết quả tích cực đạt được, hoạt động chất vấn sẽ được diễn ra thường xuyên hơn, trở thành phiên đối thoại sâu hơn giữa các ĐBQH và thành viên của Chính phủ theo chuyên đề để có thể đi đến cùng, làm rõ và giải quyết được những vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống…/.

Lê Anh