LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

17/12/2022

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Nguyễn Tuấn Anh cho biết, mục đích của Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt” là để xác định trách nhiệm của các Bộ ngành, cơ quan liên quan và người dân; đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc...

NGÀY 19/12 SẼ DIỄN RA PHIÊN GIẢI TRÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA QUỐC HỘI KHẢO SÁT THỰC TẾ KHU LIÊN HỢP XỬ LÝ CHẤT THẢI ĐA PHƯỚC

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Kế hoạch số 530/KH-UBKHCNMT15 ngày 06/4/2022, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Phiên giải trình diễn ra trong thời gian 01 buổi, từ 8h00 ngày 19/12/2022, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Tại Phiên giải trình, trách nhiệm giải trình chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Đồng thời, tham gia giải trình còn có đại diện lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Tham dự Phiên giải trình có: Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương; một số doanh nghiệp, chuyên gia.

Để hiểu rõ hơn về Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt”, trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết, mục đích của Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt” là để xác định trách nhiệm của các Bộ ngành, cơ quan liên quan và người dân; đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc...

Phóng viên: Thực hiện Chương trình giám sát năm 2022, Đoàn Giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã có những buổi làm việc, giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật và quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương. Thay mặt Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ nhiệm có những đánh giá, nhận xét như thế nào về những kết quả đạt được, khó khăn và vướng mắc của các địa phương trong trong quá trình triển khai?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh: Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành như Luật Bảo vệ môi trường, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ hướng dẫn chi tiết thi hành. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn và Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.

Thực hiện quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, các địa phương đều đã có những nỗ lực nhất định trong việc từng bước thực hiện phân loại, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý; một số địa phương đã có những thành công nhất định thu hút xã hội hóa khâu thu gom, vận chuyển, đầu tư các khu xử lý tập trung, các dự án xử lý rác thải theo định hướng giảm thiểu tỷ lệ chôn lấp trực tiếp. Sự quan tâm của các cấp, các ngành, ý thức của người dân và của xã hội ngày một tăng đối với công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.


Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã khảo sát và làm việc với tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát tại Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, cả 04 địa phương đều gặp những khó khăn, vướng mắc trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể như: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn; tỷ lệ rác thải được chôn lấp trực tiếp còn cao. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển, khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, tiến độ còn chậm; quy hoạch địa điểm, giải phóng mặt bằng để đầu tư các nhà máy xử lý rác thải khó thuyết phục người dân đồng thuận.

Đa số các điểm tập kết, trạm trung chuyển và phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật; việc lựa chọn công nghệ xử lý; việc xử lý các bãi rác tạm; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực vệ sinh môi trường,…

Thực hiện Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2022 và ý kiến chỉ đạo của  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tổ chức Phiên giải trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt vào buổi sáng ngày 19/12/2022. Mục đích của Phiên giải trình này là để làm rõ, xác định trách nhiệm của các Bộ ngành, cơ quan liên quan và người dân; đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Phóng viên: Dự kiến, vào ngày 19/12 tới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tổ chức Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật và quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Phó Chủ nhiệm có thể cho biết những nội dung trọng tâm của Phiên giải trình này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh: Theo kế hoạch của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phiên giải trình về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tham gia giải trình có đại diện Lãnh đạo một số Bộ liên quan để tập trung làm rõ các vấn đề sau: Kết quả đạt được và những khó khăn vướng mắc trong việc ban hành, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; việc thực hiện quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt thuộc thẩm quyền trách nhiệm quản lý của các Bộ, địa phương; việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; trách nhiệm của Bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh đối với những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước và giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm khắc phục bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật thời gian qua.

Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội và nội dung giải trình của các Bộ liên quan, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ ban hành Kết luận và đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện để khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác ban hành, thực hiện pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới, góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm!

Bích Lan