GS.TS NGÔ THẮNG LỢI: CÁC Ý KIẾN CỦA NHÂN DÂN ĐÓNG GÓP CHO DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) CẦN ĐƯỢC NGHIÊN CỨU THẬN TRỌNG

20/12/2022

Để những đóng góp, tiếng nói của người dân thực sự hữu ích trong việc sửa đổi Luật Đất đai, GS.TS Ngô Thắng Lợi cho rằng, các ý kiến của nhân dân cần được nghiên cứu nhằm đảm bảo tính nghiêm túc, thận trọng khi các cơ quan tiếp nhận thông tin và có sử dụng.

UBTVQH NHẤT TRÍ TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐẾN HẾT NGÀY 15/3/2023

ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI XEM XÉT TỔ CHỨC MỘT KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4. Tại Phiên họp thứ 18 diễn ra vào tháng 12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, quy định lấy ý kiến Nhân dân từ tháng 1/2023 đến 15/3/20203.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án trọng tâm trong nhiệm vụ lập pháp của toàn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây là công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viêc cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để những đóng góp, tiếng nói của người dân thực sự hữu ích trong việc sửa đổi Luật Đất đai thì các ý kiến của nhân dân cần được nghiên cứu nhằm đảm bảo tính nghiêm túc khi các cơ quan tiếp nhận thông tin và có sử dụng. Ngoài ra, cần tăng cường trang bị nâng cao năng lực cho người dân về dự án Luật Đất đai trước khi xin ý kiến của họ.

Phóng viên: Thưa ông, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4. Tại Phiên họp thứ 18 diễn ra vào tháng 12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật này. Quan điểm của ông về quyết định này như thế nào?

GS.TS Ngô Thắng Lợi: Thứ nhất, Luật Đất đai vừa là một đạo luật quan trọng, vừa là một đạo luật khó. Đây là lý do quan trọng nhất cần xin ý kiến nhân dân về dự án Luật đất đai. Điều này là quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến việc sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai – một loại tài sản đặc biệt. Đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất đặc biệt, là lãnh thổ quốc gia mà còn là nơi cư trú của con người và là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống. Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp vì tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội.  

Thứ hai, đây là thể hiện của việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân cũng như huy động trí tuệ của Nhân dân để tham gia đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.


GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viêc cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thứ ba, việc xin ý kiến của nhân dân góp phần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi, luật sau khi được ban hành thì đi vào cuộc sống, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Để những đóng góp, tiếng nói của người dân thực sự hữu ích trong việc sửa đổi Luật Đất đai thì các cơ quan chức năng cần:  

Một là, cần nhấn mạnh đến tính thực chất, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của việc hoàn thiện dự án luật dựa trên ý kiến của nhân dân, tránh hình thức, qua quýt, gây tâm ý mất lòng tin. Các ý kiến của nhân dân cần được nghiên cứu đảm bảo tính nghiêm túc của các các cơ quan tiếp nhận thông tin và có sử dụng. Các ý kiến nhân dân cần xem xét lại hoặc có vấn đề trái chiều cần có thông tin phản hồi đến nhân dân hay có các buổi trao đổi trực tiếp thông qua đại diện công đồng dân cư, người dân cụ thể.

Thứ hai, tăng cường trang bị nâng cao năng lực cho người dân về dự án Luật Đất đai trước khi xin ý kiến của họ. Trong quá trình nâng cao năng lực cho người dân đối với Luật Đất đai, cần tập trung vào các mục tiêu chủ yếu của dự án sửa đổi Luật Đất đại, những vấn đề có liên quan trực tiếp đến người dân, những điểm lâu nay người dân còn vướng mắc, thắc mắc và tranh chấp, liên quan đến quyền lợi hay mâu thuẫn quyền lợi giữa nhân dân với các nhà doanh nghiệp, nhà nước, chính quyền địa phương.

Thứ ba, phân nhóm dân cư để thực hiện xin ý kiến dân cư, việc xác định rõ đối tượng trọng điểm mới có được đến cách tổ chức thực hiện không nếu cứ quy định chung sẽ rất khó xác định. Đối với từng lĩnh vực cũng cần theo các nội dung trọng tâm và các vấn đề thiết thực đối với từng đối tượng. Vì thế, với mỗi nhóm đối tượng cần xác định nội dung trọng tâm lấy ý kiến và có gợi ý ở lĩnh vực cần xin ý kiến. Sau khi có nhóm đối tượng cụ thể, tiến hành phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đầu mối lấy ý kiến đối với các nhóm đối tượng cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực.

Chỉ nên xác định quy hoạch đất đến ngành, lĩnh vực

Phóng viên: Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông quan tâm nhất là nội dung, vấn đề nào và có ý kiến, đề xuất sửa đổi, bổ sung ra sao?

GS.TS Ngô Thắng Lợi: Là giảng viên ngành kế hoạch và Kinh tế phát triển, có tham gia tư vấn các dự án quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, theo Luật Quy hoạch mới, tôi quan tâm đến việc bổ sung, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; hệ thống quy hoạch sử dụng đất bảo đảm đồng bộ ba cấp, trong đó quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chi tiết đến từng thửa đất. Đây là điều có nhiều khó khăn trở ngại nhất trong thực hiện quy hoạch tích hợp thời gian qua. Trong quy hoạch tích hợp thì tích hợp sử dụng đất là khó khăn nhất, thường bị chồng chéo nhiều nhất và gây tranh chấp, mâu thuẫn nhiều nhất. Lý do của sự tranh chấp này là do các bên đều đứng trên lợi ích riêng của mình, đề xuất nhu cầu đất thiếu căn cứ, trong khi yêu cầu quy hoạch lại đòi hỏi quá chi tiết theo từng mục đích cụ thể (theo kiểu trồng cây gì nuôi con gì).


Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, chỉ nên xác định quy hoạch đất đến ngành, lĩnh vực (ảnh minh họa: Internet).

Theo quan điểm cá nhân, sửa đổi Luật Đất đai đối với nội dung trên, trừ các loại đất đai cần thiết sử dụng cho các nhu cầu đặc thù như: An ninh, quốc phòng, đất lúa bảo đảm an ninh lương thực, hay các cơ sở hạ tầng khu chức năng liên quan đến ưu tiên mang tính quốc gia, liên ngành, liên vùng. Cần coi trọng nguyên tắc thị trường trong quy hoạch sử dụng đất đối với đất sử dụng làm kinh tế. Chỉ nên xác định quy hoạch đất đến ngành, lĩnh vực chứ không nên đến tận đất để trồng cây gì nuôi con gì (nông nghiệp) hay đất cụm công nghiệp, khu công nghiệp (trong công nghiệp), đất làm siêu thị, chợ (ngành thương mại dịch vụ), đất cho xây dựng bổ sung mới bao nhiều trường học, lớp học, nhà văn hóa, sân vận động, câu lạc bộ (lĩnh vực xã hội), hay như trong luật nói đối với cấp huyện cần chi tiết “đến từng thửa đất”. Vì những nội dung đó cần phải để thị trường quyết định đối với người sản xuất. Nếu quy hoạch quá chi tiết như vậy thì trên thực tế rất khó thực hiện, mang tính tập trung mệnh lệnh như cơ chế cũ và dẫn đến quy hoạch “treo”. Vì không thể thực hiện được do bối cảnh thị trường chi phối. Chỉ cần xác định đất làm công nghiệp đất nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ… Cần có tư duy “mở” trong Luật Đất đai khi nói đến quy hoạch sử dụng đất.

Cần xác định lại giá trị thị trường của đất một cách khoa học

Phóng viên: Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Các kiến nghị, khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại. Xin ông cho biết quan điểm của mình đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để có thể giải quyết được những bất cập trên?

GS.TS Ngô Thắng Lợi: Đứng trên góc độ kinh tế, tôi quan tâm đến 2 vấn đề sau đây cần hoàn thiện bổ sung trong Luật Đất đai.

Thứ nhất, vấn đề tích tụ tập trung đất nông nghiệp theo xu hướng phát triển nông nghiệp sang giai đoạn cao. Về lý thuyết cũng như thực tế, tích tụ đất nông nghiệp là một trong những cách thức để phát triển những cánh đồng công nghệ mới và thu hút donh nghiệp, nhà đầu tư (kể cả đầu tư nước ngoài) vào nông nghiệp. Đây cũng là chủ trương của Nhà nước ta trong nhiều năm nay, nhưng thực tế quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp diễn ra còn rất chậm.

Nguyên nhân chủ yếu là: (i) Do một số quy định của Luật Đất đai đã hạn chế việc tiếp cận đất đai với quy mô lớn như: hạn điền chỉ từ 2ha đến 3ha, nếu tập trung quá 10 lần sẽ chuyển sang thuê của Nhà nước; quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa, chính sự giới hạn này đã dẫn đến các chủ thể tập trung ruộng đất gặp khó khăn trong việc tạo lập, tìm kiếm nguồn đầu tư kinh doanh cũng như hạn chế sự tiếp cận đất nông nghiệp của các nhà đầu tư; (ii) Một số vấn đề phát sinh trong tập trung đất chưa được xác định trong luật như: việc tập trung ruộng đất còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết như trình tự thu hồi đất và giao đất có sự tham gia của Nhà nước hay không tự các bên thỏa thuận, thống nhất hay khi doanh nghiệp không tiếp tục đầu tư nông nghiệp nữa thì việc trao trả lại đất cho các chủ sử dụng đất được thực hiện như thế nào.


Vấn đề định giá đất sát với giá thị trường là một trong những điểm mới của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - ảnh minh họa: Internet

Vì vậy, để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp theo yêu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, Luật Đất đai cần có cơ chế linh hoạt để mở rộng hạn điền, mở rộng đối tượng được tiếp cận đất nông nghiệp; xây dựng những chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng đất, tạo hành lang pháp lý về đất đai cho các đối tượng mua bán thuận lợi, thủ tục đơn giản… Riêng đối với người nông dân, cần có xin ý kiến kỹ về vấn đề này để giải tỏa tư duy sản xuất nhỏ vốn ăn sâu trong bản thân họ để có thể tùy thuộc vào mức độ nhận thức của người dân để tiến hành linh hoạt quá trình tích tụ tập trung đất đai.

Thứ hai, về khung giá đất. Một trong những nguyên tắc định giá đất là phải phù hợp với giá thị trường của đất. Hiện nay, khung giá đất của Việt Nam trong tình trạng thấp hơn giá thị trường rất nhiều lần do khung giá đất đã được xác định từ lâu. Do sự lạc hậu của khung gia đất dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi mà giá đền bù chênh lệch quá nhiều so với giá thị trường, khiến cho người bị thu hồi đất thiệt thòi và không có sự đồng thuận, nhất là những dự án đền bù bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; (ii) Dẫn đến tình trạng người bị thu hồi đất thỏa thuận ngầm với nhà đầu tư gây hiện tượng trục lợi trong bồi thường giải tỏa đất và khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án luôn gặp khó khăn, khiến cho các công trình bị chậm tiến độ; Dẫn đến các “lựa chọn nghịch” của các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất, giao đất, họ đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở thực hiện dự án kinh doanh bất động sản  nhằm thu lợi nhuận siêu cao.

Như vậy, khung giá đất hiện nay hoàn toàn không có khả năng điều tiết các yếu tố về giá trị đất đai. Theo tôi, Luật đất đai cần xác định lại quy định khung giá đất và thời hạn để thay đổi khung giá đất, bảo đảm phù hợp với giá thị trường. Để xác định lại khung giá đất, cần xác định lại giá trị thị trường của đất một cách khoa học. Bản dự thảo Luật Đất đai có ý định bỏ quy định về khung giá đất, đồng thời giao quyền cho HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và xác định giá đất cụ thể đối với từng trường hợp, trên cơ sở giá đất thị trường.

Có 2 vấn đề đặt ra: (i) Cơ sở giá đất thị trường được xác định từ đâu? trong khi đây là một yếu tố rất phức tạp, mang tính khoa học cao, đòi hỏi cần có sự thống nhất; (ii) Trong trường hợp người dân có trình độ hiểu biết chưa cao, việc bỏ khung giá đất có thể lại gây cho họ những thiệt thòi lớn hơn, nhất là khu thực hiện thỏa thuận giá với nhà đầu tư, họ sẽ không có cơ sở để tham chiếu. Vì thế, theo quan điểm của tôi, trước mắt không nên bỏ khung gia đất mà nên xác định lại khung giá đất sao cho tiếp cận được với giá thị trường và xem như đây là “ khung” để thỏa thuận trong quá trình giao dịch đất, có thể cao hơn tùy theo mức độ chấp nhận của nhà đầu tư tại thời điểm cụ thể. Để cho người dân có thể không thiệt thòi khi đất được bồi thường bằng nguồn vốn ngân sách (đúng khung giá) có thể xác định trong luật đối với trường hợp đó, có thể bồi thường cho họ cao hơn (ví dụ ở Trung Quốc) có thể gấp 2 lần so với khung. Việc quy định bỏ khung gia đất có thể là hướng trong thời gian xa hơn mới có thể phù hợp với Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan