PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 10 CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT

22/12/2022

Chiều ngày 22/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức họp Phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN YÊU CẦU CỦA LUẬT CƯ TRÚ VỀ HẠN CHẾ XUẤT TRÌNH GIẤY TỜ, SỬ DỤNG THÔNG TIN NƠI CƯ TRÚ ĐỂ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Toàn cảnh Phiên toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước…

Mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng (đối với cá nhân) và 100 triệu đồng (đối với tổ chức).

Mở đầu phiên họp toàn thể, thừa ủy quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh trình bày Tờ trình về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước nêu rõ sự cần thiết ban hành. Theo đó, Pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở pháp lý gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Về cơ sở thực tiễn, sau 3 năm hoạt động, quy mô, hoạt động của Kiểm toán nhà nước ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Tuy nhiên, trên thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có xu hướng tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay chưa có đầy đủ quy định về cơ chế bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm. Hơn nữa, do chưa có chế tài cụ thể đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước ở cấp độ hành chính nên từ khi Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành, chưa có cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm này…

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh

Nêu quan điểm xây dựng dự án, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, việc xây dựng dự án pháp lệnh nhằm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, trong đó bao gồm cả lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay; việc xử phạt vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để; mọi hậu quả vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định.

Về bố cục của dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước gồm 5 chương, 17 điều, gồm: quy định về vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và các biện pháp khắc phục; Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt; Điều khoản thi hành.

Nêu các nội dung cơ bản của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính không phải tất cả mọi tổ chức, cá nhân, mà chỉ tập trung vào các đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và tổ chức cá nhân khác.

Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục, dự thảo Pháp lệnh quy định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính, gồm: phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền.

Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước cũng nêu biện pháp khắc phục, gồm: Bắt buộc cải chính thông tin, tài liệu, dữ liệu có nội dung sai lệch, không chính xác hoặc không trung thực; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước.

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là 50 triệu đồng (đối với cá nhân) và 100 triệu đồng (đối với tổ chức). Đây là cơ sở để quy định khung tiền phạt đối với các vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh có thẩm quyền xử phạt.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Kiểm toán Nhà nước xây dựng khung phạt theo thứ tự tăng dần từ thấp (nhẹ) đến cao (nặng) dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức độ răn đe cao và tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm tính khả thi, mức độ giáo dục pháp luật và tính hợp lý của việc áp dụng hình thức, mức phạt.

Về thẩm quyền và thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính, dự thảo Pháp lệnh quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, gồm: Kiểm toán viên nhà nước, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng.

Loại trừ xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp.

Thay mặt Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang trình bày báo cáo ý kiến nghiên cứu về thẩm tra dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước như đã nêu trong Tờ trình. Do đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất quan điểm chỉ quy định việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để đảm bảo tính khả thi.

Về đối tượng bị xử phạt, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với dự thảo Pháp lệnh, gồm: đơn vị được kiểm toán; tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước; và tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, loại trừ việc xử phạt trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước nghiên cứu làm rõ có xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp? Bởi các cơ quan, tổ chức này thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao, không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, các cơ quan, tổ chức này cũng cần được loại trừ việc xử phạt.

Thẩm tra các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với 2 hình thức xử phạt (cảnh cáo và phạt tiền) và 2 biện pháp khắc phục hậu quả (buộc cải chính thông tin và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp). Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin, theo đó cần đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về nội dung xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Pháp lệnh quy định: Phạt cảnh cáo đối với với hành vi chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý đến 15 ngày so với thời hạn quy định. Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước làm rõ thẩm quyền quy định thời hạn gửi báo cáo tài chính để bảo đảm tính khả thi của quy định.

Liên quan đến việc báo cáo, cung cấp thông tin, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, hành vi “báo cáo không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan” với hành vi “báo cáo sai lệch, không trung thực” có tính chất, mức độ nghiêm trọng khác nhau, do đó việc xếp chung vào một nhóm hành vi với cùng một mức phạt tiền là chưa thực sự hợp lý. Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm các quy định này, bảo đảm sự phù hợp giữa tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm với mức phạt.

Sau khi nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra, các đại biểu thảo luận về sự cần thiết và các nội dung cụ thể của dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục cập nhật nội dung này.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác