NHIỀU ĐIỂM MỚI VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH TẠI DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

27/12/2022

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 (5/2023). Quan tâm tới dự luật, Ths. Tống Đức Duy, Chuyên viên Vụ I, Văn phòng Chính phủ cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều điểm mới về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

TỔNG THUẬT CHIỀU 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 là bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý cơ bản trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, với nhu cầu thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế.

Ths. Tống Đức Duy cho biết, theo quy định hiện hành, tồn tại các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, như: Thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án và giải quyết bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.

Nghiên cứu dự luật, Ths. Tống Đức Duy nhấn mạnh, tại dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, dự thảo Luật sửa đổi đã quy định bổ sung một số nội dung như: Đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật hoặc tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng; Bổ sung một số quyền của tổ chức xã hội, như: tham gia các hoạt động kiểm tra liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;…

Ngoài ra, bổ sung thẩm quyền của tổ chức xã hội trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tổ chức thương lượng do người tiêu dùng yêu cầu; về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc cung cấp thông tin cho tổ chức xã hội trong quá trình giải quyết tranh chấp; Bổ sung quy định việc tổ chức xã hội đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án;…

Thứ hai, hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh: Dự thảo luật đã bỏ quy định về giải quyết yêu cầu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện. Bổ sung quy định về việc cho phép lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trực tiếp hoặc trực tuyến trong trường hợp pháp luật có quy định.

Đồng thời, bổ sung quy định về hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh nước ngoài; Bổ  sung trách nhiệm cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp của các cơ quan, cá nhân kinh doanh nước ngoài; Bổ sung trách nhiệm cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;…

Bổ sung quy định về việc trình tự, thủ tục hòa giải thực hiện theo quy định pháp luật hòa giải thương mại; bổ sung tổ chức hòa giải thương mại theo quy định pháp luật hòa giải thương mại được tham gia tổ chức hòa giải tranh chấp của người tiêu dùng;….

Hoàn thiện quy định về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng: đề nghị quy định sửa đổi, bổ sung đối với Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự để vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự;…

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công thương, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ban, ngành cũng như mở rộng trách nhiệm tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp giữa các đơn vị.

Ths. Tống Đức Duy, Chuyên viên Vụ I, Văn phòng Chính phủ

Ths. Tống Đức Duy nhấn mạnh, những tồn tại, bất hợp lý theo quy định hiện hành về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cơ bản khắc phục.

Theo Ths. Tống Đức Duy, sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được ban hành, Chính phủ cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn và triển khai Luật. Việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) thay thế Nghị định 99/2011/NĐ-CP phải đúng tiến độ, phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật để bảo đảm phát huy được vai trò của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và các quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh nói riêng.

Đồng thời, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Phát huy vai trò, trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công thương, trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của hệ thống các cơ quan tài phán, bảo đảm tính chính xác, minh bạch, công bằng, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh./.

Lê Anh