TS.BÙI SỸ LỢI: QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA CẦN ĐÁNH GIÁ ĐÚNG ĐẮN, KHÁCH QUAN THỰC TRẠNG VIỆC PHÂN BỐ VÀ TỔ CHỨC KHÔNG GIAN CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ-XÃ HỘI

27/12/2022

Đóng góp ý kiến vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS.Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm: Quy hoạch cần đánh giá đúng đắn, khách quan và khoa học thực trạng việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, thực trạng và dự báo các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước niển dâng, về xã hội là sự bất bình đẵng và giản cách xã hội.

PGS.TS HOÀNG VĨNH HƯNG: TĂNG TÍNH KHẢ THI CỦA QUY HOẠCH QUỐC GIA PHÙ HỢP VỚI CÁC NGUỒN LỰC, HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Theo chương trình, từ ngày 05-09/01/2023, Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Một trong những nội dung trọng tâm được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp này là về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp được coi là một đổi mới trọng đại

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, TS.Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: Việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là yêu cầu cấp thiết, thậm chí còn là yêu cầu sống còn đối với sự phát triển của đất nước sau khi Nghị định Hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch được ban hành.


Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phiên họp thứ 18.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch mang tính chiến lược, là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước… Có nghĩa, khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì việc xây dựng các quy hoạch khác sẽ khó thực hiện. Đồng thời hiện nay, nhiều quy hoạch không còn phù hợp với đều kiện phát triển mới hoặc đã sắp hết hạn, cần nhanh chóng xây dựng để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước, của địa phương, của các ngành…

Theo TS.Bùi Sỹ Lợi, Luật Quy hoạch có hiệu lực sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong công tác quy hoạch. Trong đó, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp được coi là một đổi mới trọng đại, ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của cả đất nước. Đây cũng chính là căn cứ quan trọng để xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng đang chuẩn bị xây dựng các chiến lược, quy hoạch ngành quốc gia, còn các địa phương đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cũng như lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị - nông thôn…Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết cấp bách.

Về tính pháp lý thực tiễn: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta là phù hợp.


TS.Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

TS.Bùi Sỹ Lợi cho rằng, mục tiêu lập quy hoạch là công cụ quản lý của Nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế-xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; là cơ sở để lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm. Xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng.

Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội

Quy hoạch tổng thể quốc gia đã thể hiện được tính nguyên tắc định hướng cao, xác định được việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng cấp quốc gia và có tính liên vùng. Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên. Bên cạnh đó, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch, thực hiện đúng quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia.         

TS.Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: Nội dung chính của quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm: Phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia; dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển; xác định quan điểm và mục tiêu phát triển; định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội; định hướng phát triển không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia... Căn cứ mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, Hội đồng quy hoạch quốc gia đã chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch là bảo đảm tính pháp lý.


Định hướng phát triển hệ thống đô thị Quốc gia.

Về tính khả thi: quy hoạch cơ bản bảo đảm tính tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế. Xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng là có tính khả thi cao.

Cần đánh giá đúng thực trạng và dự báo các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên

Tuy nhiên, theo TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên tắc lập quy hoạch tổng thể quốc gia với tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng cấp quốc gia và có tính liên vùng. Do đó, quy hoạch cần đánh giá đúng đắn khách quan và khoa học thực trạng việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, thực trạng và dự báo các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước niển dâng, về xã hội là sự bất bình đẵng và giản cách xã hội.

Đối với Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, quá trình tổ chức lập và hoàn thiện Quy hoạch đã bảo đảm thực hiện theo đúng phương pháp, cách thức xây dựng bao gồm: Xây dựng Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; Lập quy hoạch và lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch, xin ý kiến hoàn thiện quy hoạch các cơ quan chức năng; Tổ chức thẩm định Quy hoạch bài bản; Tiếp tục tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa XIII về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia (những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia[1]) là bảo đảm đúng quy trình, thủ tục.

Căn cứ pháp lý và các chủ trương, chính sách lớn: Ngoài căn cứ pháp lý dựa trên quy định của Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; cần thiết phải rà soát đến một số điều của các Luật Đất đai, Luật tài nguyên môi trường, Luật Biển… Ngoài thực trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển giai đoạn vừa qua, cũng như tham khảo, ứng dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia, cần thiết phải tính toán đến xu hướng sát nhập một số tỉnh thành phố, huyện, xã, thị trấn, không gian đô thị.. theo chủ trương nghị quyết của Đảng và biến động của quá trình hội nhập, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Nội dung của quy hoạch: Về cơ bản nội dung của quy hoạch đã bảo đảm quan điểm, mục tiêu của Đảng, pháp luật và thực tiễn của đất nước. Tuy nhiên, cần làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển nên tập trung vào quan điểm phát triển quy hoạch (bao gồm phát triển và tổ chức không gian phát triển) không tách riêng dẫn đến có thể trùng lặp và không bảo đảm nguyên tắc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia thống nhất.

Thứ hai, cần làm rõ hơn vấn đề chuyển đổi cơ cấu, xác định thứ tự ưu tiên phát triển theo từng thời kỳ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; xử lý vấn đề di dân không theo kế hoạch như hiện nay, gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý; đặc biệt chú ý nguồn lực con người - cơ hội và thách thức của thời kỳ dân số vàng, xuyên suốt lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất của người Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật cần được định hình là xây dựng luật nào, sửa đổi luật nào để có giải pháp thực hiện.

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, những vấn đề quan trọng có ý nghĩa sâu sắc như là đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực cần được xác định cụ thể như đất cho nông nghiệp 3,5 triệu ha, bảo đảm an ninh lương thực, nhưng vấn đề cần quan tâm là tài nguyên, thiên nhiên khai thác sử dụng phải có hiệu quả để bảo đảm cho sự phát triển lâu dài của đất nước, nhất là tài nguyên không tái tạo; hai vấn đề này hiện nay đang được sử dụng thiếu kế hoạch, lãng phí và không hiệu quả. Nguồn nhân lực là nguồn lực cơ bản cho sự phát triển nhưng quy hoạch đề cập chưa toàn diện và cụ thể, rất cần có quy hoạch phát triển một cách chi tiết để phát huy và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước một cách hiệu quả.

Về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Về cơ bản Nghị quyết bám sát nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, cần được cô đọng và ngắn gọn hơn, rà soát lại các mục tiêu phát triển cho phù hợp với Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; bổ sung quy hoạch phát triển nguồn nhân lực để bảo đảm nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó quan tâm đến vấn đề di cư không theo kế hoạch như hiện nay để giải quyết cả vấn đề kinh tế và xã hội; các mục tiêu cụ thể, chi tiết thành phần nên đưa vào phụ lục; cụ thể như sau:

Điều 1. Quan điểm và mục tiêu phát triển: Chỉ nên nêu quan điểm Quy hoạch tổng thể quốc gia như phân tích ở trên.

Mục tiêu phát triển đến 2030: về mục tiêu tổng quát nên tập trung vào đích cần đạt được của Quy hoạch tổng thể quốc gia, không nên thể hiện lại mục tiêu nghị quyết.

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu tổng hợp còn chi tiết đưa phụ lục; theo đó viết đoạn về kinh tế như sau:

Về kinh tế: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%.

Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; hình thành hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước. Cơ bản hình thành mạng lưới đô thị quốc gia; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Các phần khác về kinh tế nên rà soát lại cho gọn và tổng quát hơn.

Điều 2. Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch: Không quy định Điều 2 sau ngay Điều 1, chuyển về gộp vào Điều 14, thành Điều 14 mới. Nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; vì Điều 14 dự thảo đề cập giải pháp nhưng không có nội dung về giải pháp. Các điều từ 3 đến 13, cần viết tổng quát hơn, không nên quá chi tiết. Điều 15. Tổ chức thực hiện, bổ sung quy định giải quyết những xung đột của quy hoạch đang tồn tại có hiệu lực và Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Bích Lan