CHIA SẺ KINH NGHIỆM CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM TRONG PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, VĂN HÓA, DU LỊCH
PHÁT HUY VAI TRÒ CƠ QUAN LẬP PHÁP TRONG ĐẨY MẠNH QUAN HỆ SONG PHƯƠNG GIỮA VIỆT NAM VÀ CAMPUCHIA
Bàn về việc xây dựng Quốc hội điện tử tại Hội thảo Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Campuchia, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, công nghệ thông tin đã và đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, kiểm soát, điều hành trong các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến xã hội luôn là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức nói chung và Quốc hội nói riêng là một tất yếu.
Ở Việt Nam, Quốc hội là một trong những cơ quan đầu tiên trong hệ thống chính trị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ các hoạt động với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ, tập trung; các dịch vụ đa dạng, phong phú; đảm bảo an toàn thông tin để phục vụ tốt các hoạt động của Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.
Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được môi trường làm việc điện tử và hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Nhiều cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng đã được xây dựng phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan của Quốc hội. Để đảm bảo cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động hiệu quả, Quốc hội đã xây dựng được một hạ tầng thông tin đảm bảo về kỹ thuật, an ninh và được kết nối với nhau bằng đường cáp quang chuyên dụng và kết nối với mạng Internet tốc độ cao phục vụ hơn 1.700 người dùng qua Internet.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Văn phòng Quốc hội đã đưa vào sử dụng một số ứng dụng để phục vụ Đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng tiếng nói thành văn bản tại từng tổ để thực hiện nhiệm vụ ghi biên bản các cuộc họp một cách nhanh chóng và chính xác tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Văn phòng Quốc hội cũng đã xây dựng, vận hành 02 hệ thống họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 63 tỉnh, thành phố. Phần mềm họp trực tuyến cài đặt trên nhiều loại thiết bị, nhiều hệ điều hành khác nhau như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay … để truyền âm thanh và hình ảnh hai chiều giữa nhiều địa điểm kết nối qua Internet.
Hiện nay, Văn phòng Quốc hội đang triển khai vận hành thử nghiệm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử V-Office thay thế hệ thống điều hành điện tử Quốc hội e-PAS với các tính năng quản lý văn bản đến, văn bản đi, đơn thư, giao việc, lịch làm việc, hồ sơ công việc phù hợp với các yêu cầu quản lý phức tạp của Văn phòng Quốc hội. Ngoài ra, Hệ thống công nghệ thông tin của Quốc hội còn sẵn sàng kết nối với các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch nước, các Bộ, ngành và địa phương; tạo điều kiện để các cơ quan và cử tri trong và ngoài nước có thể thông qua hệ thống công nghệ thông tin để có mối liên hệ với các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về công tác xây dựng Quốc hội điện tử
Cho biết xây dựng Quốc hội điện tử là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư thời gian, nhân lực và kinh phí. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ Văn phòng Quốc hội đã triển khai thực hiện theo các mục tiêu ưu tiên, bảo đảm lộ trình, kế hoạch, quy chế, phân định trách nhiệm rõ ràng. Trong đó, tập trung vừa tổ chức nghiên cứu, đánh giá, đề xuất phát triển, hoàn thiện đồng thời vừa tiếp tục tổ chức vận hành phần mềm ứng dụng hiện có. Ưu tiên xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm cho việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, các ứng dụng được vận hành một cách thông suốt và an toàn; kết nối với hệ thống liên thông văn bản Quốc gia để bảo đảm việc chuyển đổi hình thức làm việc, gửi, nhận từ văn bản giấy sang văn bản điện tử. Xây dựng các cơ sở dữ liệu tập trung, có giá trị thiết thực, làm nền tảng cho việc khai thác, vận hành các ứng dụng đáp ứng yêu cầu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội như xây dựng, kiểm soát chương trình công tác, hoạt động thẩm tra các dự án luật, nghị quyết và giám sát. Ưu tiên phát triển các nền tảng dùng chung, ứng dụng các công nghệ số hiện đại, phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Ở phạm vi quốc tế, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Liên minh Nghị viện Thế giới, Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á tổ chức hội nghị, diễn đàn để Quốc hội các nước cùng nhau chia sẻ về quá trình xây dựng, triển khai Quốc hội điện tử. Đây là cơ hội để tiếp thu những kinh nghiệm quý của các nước vào việc xây dựng Quốc hội điện tử. Bên cạnh đó cần phát huy cơ chế hợp tác song phương trong việc xây dựng Quốc hội điện tử, nhất là một số nước có công nghệ tiên tiến, có mối quan hệ song phương chặt chẽ với nhau.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam nhiệm vụ xây dựng, thực hiện Quốc hội điện tử có ý nghĩa quan trọng, cần thiết và cấp bách; góp phần đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để có cơ sở vững chắc cho việc triển khai Quốc hội điện tử, cần sớm tổ chức xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển Quốc hội điện tử hướng tới Quốc hội số trong đó xác định tầm nhìn, mục tiêu, yêu cầu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo lộ trình, đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn trong thời gian tới Quốc hội Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục trao đổi thêm kinh nghiệm xây dựng Quốc hội điện tử./.