GS.TS TỪ THỊ LOAN: THỂ CHẾ - MẤU CHỐT BẢO VỆ, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA DÂN GIAN

28/12/2022

"Hội thảo Văn hoá 2022" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục phối hợp tổ chức đã tạo nên những góc nhìn đa chiều về văn hoá. Trong đó, để bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa dân gian, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, thể chế chính là vấn đề mấu chốt.

KHƠI THÔNG MỌI NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI: TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

Phiên thảo luận bàn tròn tại Hội thảo Văn hóa 2022

Phóng viên: Là chuyên gia trực tiếp tham gia Hội thảo, đặc biệt là phiên thảo luận bàn tròn, bà có đánh giá như thế nào về chất lượng của phiên thảo luận của Hội thảo Văn hóa 2022 năm nay?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tôi thấy phiên thảo luận bàn tròn diễn ra rất chất lượng, khẩn trương, thiết thực. Các ý kiến phát biểu ngắn gọn nhưng đều sâu sắc, tập trung, thẳng thắn, đi vào trọng tâm. Tôi thích bầu không khí trao đổi cởi mở như vậy, bởi nhiều Hội thảo được cho là chỉ có “hội” mà không có “thảo”.

Thoạt nhìn, cuộc Hội thảo này có vẻ mang tính chất quan phương, “nghị trường”, cử tọa là những lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, song các phát biểu không hề “giữ ý”, né tránh, mà đều nói thẳng, nói thật và cũng đều xuất phát từ tâm huyết, trách nhiệm đối với văn hóa nước nhà.

Một phần quan trọng là MC, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh dẫn dắt chương trình rất  khéo léo, chuyên nghiệp, bài bản, nắm bắt tốt các vấn đề cần trao đổi và đặt ra các câu hỏi hay và trúng, kết nối tốt với các diễn giả cũng như tạo được sự tương tác với cử tọa bên dưới.

Do vậy, mặc dù thời gian khá eo hẹp, nhưng phiên thảo luận đã đề cập được  không ít vấn đề căn cốt, những điểm nghẽn, nút thắt trong thể chế, cơ chế và nguồn lực phát triển văn hóa như: công nghiệp văn hóa, văn hóa nông thôn, văn hóa dân gian, bảo tồn di sản, hoàn thiện luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn lực xã hội hóa... Các câu chuyện về “tiền kiểm” hay “hậu kiểm”, hợp tác công tư PPP, “cứng hóa” nhà truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, tác phẩm lớn phải do “người lớn” viết hay một cảnh quay phải xin tới 4 giấy phép... đã góp phần làm nóng lên bầu không khí trong hội trường giữa tiết trời giá lạnh! Tôi cho rằng, đây là phiên thảo luận bàn tròn thành công.

Phóng viên: Liên quan đến nội dung về văn hóa dân gian và phát triển công nghiệp văn hóa được bà đề cập trong phiên bàn tròn, bà có thể chia sẻ thêm về những vấn đề tồn tại và giải pháp để phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, ngoài những ý tôi đã trình bày ở phiên thảo luận, tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm là chúng ta sẽ khó mà thay đổi được gì nếu không có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế, cơ chế, chính sách.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Thể chế là khâu mấu chốt của mọi mấu chốt. Chúng ta đã thấy, chỉ cần thay đổi thể chế, cơ chế quản lý, từ một nước nghèo đói, thiếu ăn Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Từ cơ chế kinh tế tập trung, kế hoạch hóa, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, hiệu suất lao động thay đổi hẳn! Vẫn những con người ấy, công cụ lao động ấy, nguồn lực ấy, nhưng khi sức lao động được giải phóng, năng lực sáng tạo được khơi thông, thì mọi điều đều có thể xảy ra. Cứ nhìn vào chất lượng và hiệu ứng xã hội của các bộ phim đặt hàng theo kiểu “cúng cụ” với các phim hướng tới thị trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội, chúng ta sẽ thấy kết quả khác hẳn nhau.

Ngoài ra, con người cũng là yếu tố quyết định. Chúng ta cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để phát hiện, bồi dưỡng và khuyến khích các tài năng phát lộ và tỏa sáng.

Tôi nhớ một chuyên gia của UNESCO, Tom Fleming, khi sang hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đã phát biểu: “Việt Nam không thiếu các tài năng, mà chỉ thiếu các điều kiện để tài năng phát triển”.

Bản quyền tác giả cũng là vấn đề nhức nhối mà chúng ta phải giải quyết sớm. Khi thấy các phố tranh, ngõ tranh của Việt Nam treo đầy tranh “phố Phái”, một nhà sưu tập nước ngoài đã phải thốt lên hài hước: “Khi sống Phái vẽ nhiều bao nhiêu, thì khi chết Phái vẽ nhiều bấy nhiêu!”. Đó là điều chúng ta rất cần trăn trở và suy ngẫm!

Bên cạnh các loại hình văn hóa, nghệ thuật đương đại, chúng ta thấy văn hóa dân gian cũng hoàn toàn có thể được khai thác như một nguồn lực cho phát triển. Việt Nam là đất nước của hàng nghìn lễ hội, trong đó có hơn 7000 lễ hội dân gian - là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để phục vụ phát triển du lịch văn hóa.

Đơn cử, lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang mỗi năm thu được hơn 90 tỷ đồng. Số tiền này được Ban Quản lý sử dụng rất hiệu quả để nâng cấp đường sá, giao thông, cơ sở hạ tầng, đóng góp vào ngân sách địa phương, hỗ trợ an sinh xã hội. Lễ hội đến Trần ở Nam Định mỗi năm cũng đóng góp hơn 40 tỷ đồng cho ngân sách thành phố. Ngoài ra, còn rất nhiều lễ hội lớn khác trên cả nước như lễ hội Đền Hùng, lễ hội chùa Hương, lễ hội Nguyễn Trung Trực..., ngoài việc góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, cố kết cộng đồng, còn có giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Chúng ta cũng có hệ thống hàng nghìn làng nghề thủ công truyền thống trải dài khắp cả nước có thể khai thác sự tài khéo của các nghệ nhân dân gian, các sáng tạo dân gian để phục vụ cho phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, các làng nghề đang phát triển rất tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm, dẫn chân lên nhau, tự làm khó nhau cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu, dẫn đến phát triển không bền vững, khai thác cạn kiệt vùng nguyên liệu, đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường... Do vậy, chúng ta rất cần xây dựng Luật Làng nghề để quản lý và điều tiết thị trường.

Đất nước ta cũng sở hữu rất nhiều thể loại dân ca, dân vũ, dân nhạc, các hình thức sân khấu dân gian, các phong tục, tập quán có thể khai thác phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng hoặc quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Đơn cử như múa rối nước đã trở thành một thứ “đặc sản” của văn hóa Việt luôn hấp dẫn du khách năm châu. Trên thế giới có nhiều loại rối khác nhau: rối gậy, rối que, rối dây, rối tay, rối ngón, rối bóng..., nhưng đều là rối cạn, chỉ duy nhất Việt Nam có rối nước.

Âm nhạc dân gian, mỹ thuật dân gian, múa dân gian... đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tạo mới trong đời sống nghệ thuật, với những thể loại âm nhạc dân gian đương đại, múa dân gian đương đại, các trình diễn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như xiếc tre “Làng tôi”, À ố show, Teh Dah... rất hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước. Các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam rất độc đáo làm từ các vật liệu gần gũi với thiên nhiên như tre, nứa, gỗ, đá, sừng trâu (đàn bầu, đàn t’rưng, klong pút, sáo, khèn, đàn đá, trống, mõ, phách, tù và...) có âm sắc riêng rất hấp dẫn công chúng nước ngoài.

Các tri thức bản địa, tri thức dân gian vẫn phát huy tác dụng trong lao động sản xuất, lâm, ngư nghiệp, thích nghi với các môi trường sinh thái khác nhau.

Các bài thuốc dân gian, y học dân tộc, dược học cổ truyền vẫn giữ nguyên giá trị, bổ trợ cho các thành tựu của Tây y và y học hiện đại. 

Nhiều món ăn dân dã đã góp phần làm nổi danh nền ẩm thực Việt Nam.  Năm 2019, trang CNN đã đưa ẩm thực Việt Nam vào top 10 nền ẩm thực tốt nhất thế giới, trong đó có nhiều món ăn bình dân, đơn sơ, các loại bánh, chè, “quà quê”, nhưng rất ngon miệng đã trở thành những món ăn đường phố thu hút du khách thế giới đến Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, các làn điệu dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa, y học dân tộc, làng nghề thủ công truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một rất cao trong cơn lốc của hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Các nghệ nhân “báu vật nhân văn sống” đang lần lượt ra đi, dẫn đến nguy cơ thất truyền nếu không có đội ngũ kế cận.

Do vậy, chúng ta rất cần có các cơ chế, chính sách kịp thời để bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa dân gian quý giá này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương

Các bài viết khác