TỔNG THUẬT CHIỀU 09/01: QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai
Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội mỗi năm sẽ tiến hành hai kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường chỉ được tổ chức khi cần để xem xét các vấn đề cần thiết, cấp bách.
Trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Kỳ họp bất thường đầu tiên, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội đã khai mạc ngày 4/1/2022 tại Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước. Đáng chú ý đây là Kỳ họp chưa có tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội xưa nay.
Kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội đã thể hiện rõ sự đổi mới, chủ động, năng động, quyết liệt của Quốc hội. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nội dung lớn, đặc biệt quan trọng, cấp bách tới quốc kế dân sinh đã được Quốc hội xem xét, bàn thảo kỹ lưỡng. Kết quả, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua 1 Luật và 3 nghị quyết quan trọng. Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Kết quả này không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn có ý nghĩa quan trọng cho cả nhiệm kỳ 2021 -2025.
Phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng khẳng định: “Với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Tiếp nối thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội Khóa XV.
Kỳ họp bất thường diễn ra ngay trong những ngày đầu năm 2023, tuy nhiên 05 nội dung được trình xem xét, thông qua tại Kỳ họp là những nội dung cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng nguyên tắc mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh “kỳ họp bất thường chỉ xem xét, quyết định vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao. Nội dung nào chưa cấp bách hay chuẩn bị chưa kỹ thì chưa đưa vào xem xét...”
Bên cạnh đó, các công tác chuẩn bị điều kiện bảo đảm, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức chu đáo, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất để Kỳ họp diễn ra an toàn, hiệu quả.
Mặc dù thời gian Kỳ họp rất ngắn từ ngày 5-9/01, nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tập trung cao độ, kịp thời tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Tại các phiên thảo luận tại Tổ và phiên họp toàn thể, các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng cao với gần 350 lượt đại biểu phát biểu Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Các vị đại biểu Quốc hội tiến hành ấn nút biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp bất thường lần thứ hai, tiếp tục thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước, tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo. Cụ thể:
Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 03 nghị quyết gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Về công tác nhân sự, căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 02 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 02 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất rất cao.
Như vậy, việc tăng cường hợp lý số lượng kỳ họp của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn là hoàn toàn phù hợp với mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tiến tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng cao nhất các yêu cầu của đất nước, đồng thời cũng bám sát định hướng về yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.