Trước thềm xuân mới Quý Mão 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ, tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” của Quốc hội Khóa XV được “tôi luyện” trong điều kiện khắc nghiệt chưa từng có của đại dịch Covid-19, của những biến chuyển phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế và đã tỏa sáng, đã khẳng định vai trò, vị thế của một Quốc hội thực sự vì nhân dân, vì đất nước. Trên nền tảng đó, dù có bất cứ khó khăn, thử thách nào ở phía trước, chắc chắn chúng ta cũng sẽ vượt qua để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong năm 2022, đại dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi cả nước đã tạo môi trường, điều kiện rất quan trọng để đất nước ta phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dù vậy, sự phục hồi của nền kinh tế nước ta cũng đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng lớn, nhất là những tác động do tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều biến động, bất ổn, phức tạp, khó lường, vượt ra ngoài khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế. Trong bối cảnh đó, với quyết tâm, trách nhiệm cao trước Đảng và Nhà nước, trước cử tri và nhân dân, Quốc hội đã kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường đối ngoại và không ngừng cải tiến cách thức làm việc, hành động quyết liệt, để cùng với Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị giải quyết các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, vì nhân dân, lấy người dân làm trung tâm trong mọi quyết sách, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, nếu năm 2021, Quốc hội đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện vừa chỉ đạo bầu cử, vừa chuyển giao hai nhiệm kỳ Quốc hội, vừa phải thích ứng linh hoạt với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thì khối lượng công việc năm 2022 còn lớn hơn, nhiều hơn trong công tác hoàn thiện thể chế, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, để vừa thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, vừa triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược dài hạn mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Vừa qua, các cơ quan truyền thông đã bình chọn 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022. Dù đó là những dấu ấn nổi bật, nhưng cũng mới phản ánh một phần hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, phần nào cho thấy những kết quả rất toàn diện trong năm 2022, đã đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặc biệt chú trọng việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ những đổi mới trong việc tổ chức thực hiện giám sát trong năm 2021, đến năm 2022, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi quan trọng, căn cơ cả về khung khổ pháp lý, cách thức tổ chức thực hiện cho đến hiệu quả, hiệu lực giám sát. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh Quốc hội phải “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”.
Vì thế, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động giám sát. Nếu năm 2021, đổi mới hoạt động giám sát mới chủ yếu tập trung vào cách thức tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn thì trong năm 2022, chúng ta đã tiến thêm những bước rất căn cơ trong việc hoàn thiện thể chế giám sát và cách thức tổ chức thực hiện giám sát ngày càng đổi mới, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân.
Về thể chế giám sát, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, trên cơ sở đó đã ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 để các cơ quan triển khai. Lần đầu tiên theo chức năng luật định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, quy định về chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều điểm mới đã được sửa đổi trong Nội quy Kỳ họp tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua. Các văn bản này đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ký Quy chế phối hợp công tác với Ban Nội chính Trung ương nhằm phát huy vai trò giám sát, tăng cường tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị về các cơ chế, chính sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về tổ chức giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, trên cơ sở các Đề cương, kế hoạch cụ thể của từng chuyên đề đã được Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng, nhiều vòng, tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc để thống nhất cách làm, các Đoàn giám sát đã triển khai bài bản, đổi mới thực chất trong từng phần việc, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, tạo chuyển biến bước đầu hết sức quan trọng về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương.