CHUYÊN NGHIỆP HÓA CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

30/01/2023

Lập pháp luôn là vấn đề quan trọng nhất của mỗi quốc gia, một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ sẽ đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững và ổn định. Vì vậy, cần tiến tới chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo chính sách đi vào điều luật thực định.


Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội

Chức năng lập pháp của Quốc hội đã được quy định trong các Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và được quy định cụ thể trong các luật Tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong các văn bản pháp luật khác.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v…  Cụ thể: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) đã ban hành 84 luật, bộ luật; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 -2011) đã ban hành 67 luật, bộ luật; Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 -2016) đã ban hành 104 luật, bộ luật;.…; các năm tiếp theo sau đó đến nay, số luật được ban hành liên tục được tăng lên. Điều này đã góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Một trong những nguyên nhân quan trọng mà hoạt động xây dựng pháp luật trong những năm gần đây được tăng cường, đẩy mạnh là được Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác lập pháp, đổi mới tư duy, sáng tạo trong hoạt động lập pháp ở nước ta. Vấn đề này được thể hiện qua việc ban hành và sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm đổi mới tư duy về quy trình lập pháp.

Ông Phan Văn Lâm, Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean cho biết, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân... Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. Những quan điểm mang tính định hướng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt nam trong đó có hoàn thiện hệ thống pháp luật, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để triển khai thực hiện một số vấn đề đặt ra đối với đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 bao gồm: Hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới . Như vậy, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đã đề ra rõ ràng, vấn đề là cần tiếp thu, đổi mới tư duy lập pháp để triển khai thực hiện đúng tinh thần đó, nhằm mang lại sự phát triển mạnh mẽ kinh tế -xã hội cho đất nước và xây dựng, phát triển nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Thực tiễn luôn vận động và thay đổi vì vậy, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, dân sự, lao động,… toàn diện, có chất lượng cao. Một trong những yêu cầu đặt ra là cần chuyên nghiệp hóa công tác xây dựng pháp luật.

Ông Phan Văn Lâm chia sẻ, mỗi quốc gia có quy định riêng về trình tự thủ tục soạn thảo dự luật. Tuy nhiên, ở một số nước, việc soạn thảo luật được thực hiện rất chuyên nghiệp do những người có chuyên môn đảm nhiệm. “Tại Trung Quốc, việc soạn thảo được thực hiện bởi Ủy ban Pháp chế của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc tại Văn phòng Pháp chế của Hội đồng Nhà nước. Trong bất kỳ trường hợp nào thì việc soạn thảo cũng do một ban đặc biệt soạn thảo, ban này được thành lập với thành phần là chuyên gia kỹ thuật, công chức chính phủ hàng đầu và chuyên gia pháp lý cho từng dự luật cụ thể. Như vậy tính chuyên nghiệp trong soạn thảo văn bản lập pháp thể hiện ngay công tác lựa chọn chuyên gia pháp lý hàng đầu có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu phù hợp” .

Trên thực tế, chính sách đúng đắn, nhưng chưa chắc việc quy phạm hoá chính sách đã phản ánh đúng yêu cầu của xã hội, phù hợp với thực tiễn. Từ chủ trương, chính sách đến pháp luật thực định là cả một quá trình người soạn thảo đã tham gia vào mã hóa cụ thể chi tiết của chính sách đó. Giữa chính sách và luật pháp có một khoảng trống, nếu năng lực người soạn thảo không đủ thì quả là một vấn đề tồn tại lớn, dẫn đến chính sách không đi vào điều luật thực định.

Soạn thảo văn bản pháp luật là hoạt động khoa học pháp lý chuyên sâu, đồng thời là một nghề đòi hỏi kỹ năng và trình độ chuyên môn rất cao, ông Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh, chuyên nghiệp hóa trong soạn thảo văn bản là bảo đảm giảm thiểu những sai sót trong kỹ thuật lập pháp và bảo đảm việc chuyển tải chính sách thành ngôn ngữ pháp lý chuyên dùng. Ngoài việc quy trình thủ tục soạn thảo văn bản phải chuẩn hóa chuyên nghiệp thì cần phải đội ngũ được đào tạo, làm việc chuẩn hóa về năng lực pháp lý và vốn sống thực tiễn.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật đòi hỏi không ngừng phải cải tiến, nâng cao hiệu quả. Việc tiếp tục năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế gắn với việc bảo đảm các điều kiện về con người, vật chất, kinh phí để thực hiện tốt các nhiệm vụ pháp chế là cần thiết nhằm tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động xây dựng pháp luật./.

Lan Anh