DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) SẼ ĐƯỢC TRÌNH QUỐC HỘI TRONG NĂM 2023

08/02/2023

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 19/01/2023 nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: NHỮNG KHAI MỞ PHÁP LÝ QUAN TRỌNG TỪ QUỐC HỘI TẠO ĐÀ CHO HÀ NỘI PHÁT TRIỂN

ĐẢNG ĐOÀN QUỐC HỘI BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐƯỢC BỘ CHÍNH TRỊ GIAO VỀ PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013

Cần thiết sửa đổi, bổ sung

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Luật Thủ đô 2012 có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, sau 9 năm thi hành Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Luật Thủ đô còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng chung, mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, xử lý các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại (như vấn đề ùn tắc giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học, chỉnh trang, tái thiết bộ mặt đô thị...).

Tuy nhiên, hiện nay những vấn đề mới phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển Thủ đô; chưa có những quy định mang tính đặc thù, vượt trội đúng với vị trí, vai trò của Thủ đô nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, một số luật được ban hành sau Luật Thủ đô đã có những tác động, ảnh hưởng lớn, làm hạn chế đến việc thực hiện các quy định liên quan của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nhằm tạo cơ chế hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại; tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực như tài chính - ngân sách, văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác cũng như xây dựng những cơ chế chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững…

Sẽ trình Quốc hội vào cuối 2023

Ngày 05/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu "Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới".

Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị giao “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo sửa đổi Luật Thủ đô và một số luật có liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, trong đó lưu ý đến việc chủ động nguồn thu, nhiệm vụ chi nhằm ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng, Đảng đoàn Quốc hội đã đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, rà soát, tổng kết việc thi hành Luật Thủ đô và các luật, nghị quyết có liên quan, đề xuất nội dung sửa đổi Luật Thủ đô để làm cơ sở xem xét bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12/2023.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 19/01/2023 nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và theo dõi đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo đó, kế hoạch nhằm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan Trung ương và các tỉnh trong Vùng Thủ đô tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, đánh giá thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết kịp thời đề xuất, kiến nghị các nội dung bổ sung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền bảo đảm phù hợp tình hình phát triển của Thủ đô trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi. Rà soát cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Thủ đô và sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh chính trị của Thủ đô, trên cơ sở đó đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, riêng biệt và hoàn thiện quy định pháp luật, tạo tiền đề phục vụ sự nghiệp xây dựng phát triển Thủ đô.

Kế hoạch 36/KH-UBND cũng bảo đảm xác định nội dung công việc, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, bảo đảm sự phối hợp giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong Vùng Thủ đô trong tổ chức các hoạt động.

Đối với nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố sẽ tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan Trung ương, các tỉnh trong Vùng Thủ đô hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đến khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)./.

Thu Phương