PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: GIÁM SÁT TẠI ĐỊA PHƯƠNG PHẢI RÕ NỘI DUNG, KẾ HOẠCH CỤ THỂ, THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ

13/02/2023

Phát biểu kết luận buổi làm việc của Thường trực Đoàn giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Đoàn giám sát bám sát và thực hiện đúng kết luận, đề cương chi tiết, kế hoạch chi tiết đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua; cân nhắc lựa chọn các địa phương để đi giám sát sao cho khả thi, hiệu quả, thiết thực, làm rõ vấn đề giám sát.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ BUỔI LÀM VIỆC VỚI THƯỜNG TRỰC ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ DỰ PHÒNG, Y TẾ CƠ SỞ

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” chủ trì buổi làm việc của Thường trực Đoàn giám sát để cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp bước đầu và dự kiến kế hoạch giám sát tại các địa phương

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát, đã nghe trình bày báo cáo và thảo luận về kết quả bước đầu thực hiện chuyên đề giám sát, báo cáo tổng hợp của Tổ giúp việc về những tồn tại, hạn chế và dự thảo kế hoạch giám sát và nội dung làm việc với các địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát cho biết, theo kế hoạch từ ngày 05 - 15/01/2023 các cơ quan được yêu cầu phải gửi báo cáo đến Đoàn giám sát, tuy nhiên tiến độ gửi báo cáo vẫn còn chậm, đến thời điểm làm việc của Thường trực Đoàn giám sát mới nhận được 108/157 báo cáo. Đoàn giám sát vẫn đang tiếp tục tập hợp, gửi báo cáo đến các thành viên Đoàn để nghiên cứu. Đồng thời, tổng hợp, xây dựng báo cáo sơ bộ, kế hoạch giám sát trực tiếp và làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát trình bày báo cáo và dự thảo kế hoạch

Qua bước đầu tập hợp, tổng hợp sơ bộ báo cáo cho thấy, báo cáo kết quả giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố nhìn chung có chất lượng tương đối tốt, cung cấp nhiều thông tin. Nổi bật là báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh phản ánh quá trình giám sát thường xuyên, liên tục trong việc tổ chức thực thi cũng như kiến nghị kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chính sách về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, báo cáo của một số cơ quan, địa phương thuộc đối tượng giám sát hầu hết chưa tuân thủ đúng yêu cầu của Đoàn giám sát, chưa bám sát đề thiếu cương, phụ lục kèm theo; một số báo cáo sơ sài, thiếu hoặc sai nội dung, thể thức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, dự kiến trong thời gian tới, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục đôn đốc Chính phủ, các cơ quan liên quan, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các đối tượng giám sát gửi báo cáo theo đúng quy định; yêu cầu hoàn thiện hoặc báo cáo bổ sung đối với các bộ, ngành, địa phương đã gửi báo cáo nhưng còn sai, thiếu nội dung theo đề cương, làm rõ thông tin liên quan đến nội dung giám sát.

Đoàn giám sát sẽ họp phiên thứ hai để xem xét báo cáo tổng hợp sơ bộ kết quả giám sát; báo cáo về những vấn đề nổi lên qua tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tiến hành làm việc với một số địa phương, bộ, ngành, cơ quan liên quan; tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan và chuyên gia, nhà khoa học về Hoàn thiện chính sách pháp luật trong phòng chống dịch và hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung báo cáo kết quả giám sát; hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, gửi xin ý kiến các cơ quan, đảm bảo chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo đúng tiến độ.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định hoan nghênh và đánh giá cao Tổ giúp việc của Đoàn giám sát đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tập hợp đầy đủ các báo cáo và có tổng hợp bước đầu các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về tình hình, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, kiến nghị làm cơ sở cho Thường trực Đoàn giám sát xem xét và đóng góp ý kiến.

Qua thảo luận cho thấy, vấn đề khó khăn nhất của Đoàn giám sát tính đến thời điểm hiện tại là việc gửi báo cáo của các cơ quan còn chậm, nhiều cơ quan trọng chưa có báo cáo chính thức, nhiều địa phương chưa có báo cáo. Do đó, chưa thể tổng hợp đầy đủ. Một số địa phương, một số cơ quan gửi báo cáo chưa đạt yêu cầu, số liệu đánh giá, nhận định các biểu bảng chưa đáp ứng nhu cầu của Đoàn giám sát đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thời gian tới công việc rất nhiều, yêu cầu đặt ra rất cấp bách, trong bối cảnh các cơ quan Quốc hội và các cơ quan liên quan đều rất bận rộn, các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc đều phải chia sẻ, một lúc làm rất nhiều việc. Do đó, cần phải tiếp tục cố gắng bố trí một cách khoa học, hợp lý công việc để tiến hành các công việc tiếp theo và tập trung vào một số việc cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Thứ nhất là tiếp tục đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan gửi báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát, nhất là Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ, giám sát có hai mặt, một mặt là để thấy được cái tốt để phát huy, mặt khác là để thấy được tồn tại, hạn chế, yếu kém để khắc phục thông qua các cơ chế, chính sách. Hai mặt này luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Giám sát lần này cũng mang ý nghĩa quan trọng đó để từ đó, phát hiện và tôn vinh những điểm tốt, kịp thời có cổ vũ, động viên. Với ý nghĩa đó của giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Mặt trận Tổ quốc cố gắng sớm hoàn chỉnh dự thảo báo cáo để gửi Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận buổi làm việc

Thứ hai, Tổ giúp việc cùng với Thường trực Đoàn giám sát tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo giám sát, hướng dần đến báo cáo trung tâm theo đề cương giám sát đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, trên cơ sở báo cáo tổng hợp bước đầu dần có biên tập, cập nhật thêm. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc xây dựng báo cáo giám sát phải bám sát, chặt chẽ Kế hoạch chi tiết số 331 của Đoàn giám sát theo đúng mục tiêu, yêu cầu, nội dung. Trong đó, tập trung vào nhóm vấn đề chính hiện nay đang thiếu là về quỹ vaccine và huy động, sử dụng nguồn lực ngoài ngân sách; vấn đề y tế cơ sở, y tế dự phòng phải làm rõ khái niệm, phạm vi để từ đó xác định pháp luật điều chỉnh như thế nào, kinh phí, tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp.

Về cách thức triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thống nhất tạm coi chuyên đề giám sát này là 2 chuyên đề giám sát để lập 2 nhóm làm việc độc lập, 2 Tổ giúp việc. Hai bên chủ động làm việc theo nhóm lĩnh vực để hoàn chỉnh báo cáo cáo.

Thứ ba, về dự kiến kế hoạch hoạt động, Phó Chủ tịch Quốc hội cơ bản thống nhất với dự kiến lịch trình các công việc tiếp theo của Đoàn giám sát như sẽ làm việc với các địa phương, sau đó tổng hợp báo cáo, làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, rồi đến tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia và cuối cùng là làm việc với Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các đại biểu khách mời tham dự buổi làm việc

Lưu ý đến vấn đề khảo sát địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, số địa phương đến giám sát trực tiếp là không quá 12; không nhất thiết phải đi cả 12 địa phương, đồng thời lựa chọn các địa chỉ cụ thể để đảm bảo vùng, miền, đảm bảo cho việc giám sát thiết thực, hiệu quả, ngắn gọn, rõ ràng.

Sau khi xác định các địa phương cụ thể, cần có văn bản thông báo gửi đến các địa phương, trong đó phải làm rõ thành phần đoàn công tác, nội dung làm việc xác định cụ thể, thiết thực, bám sát đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là những địa phương nổi bật, tiên tiến, nơi có mô hình mới cần tìm hiểu kỹ hoặc có hạn chế, yếu kém, vấn đề nổi cộm.  Kế hoạch đi địa phương cũng bao gồm làm việc với cấp dưới như xuống huyện, xuống xã. Tinh thần đi địa phương là thiết thực, cụ thể, tiết kiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội một lần nữa lưu ý. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở kế hoạch đề ra, các thành viên Đoàn giám sát chủ động bố trí sắp xếp công việc để tham gia giám sát bảo đảm hiệu quả.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường - Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát nhất trí với đề xuất chia hai nhóm làm việc, một là về nội dung huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; hai là về nội dung y tế cơ sở, y tế dự phòng. Kết quả giám sát của hai nhóm sẽ gắn kết trên cơ sở đề cương đã được thông qua. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Tổ giúp việc, các thành viên Đoàn giám sát tăng tốc triển khai các công việc do thời gian không còn nhiều

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó trưởng Đoàn giám sát, đánh giá cao công việc chuẩn bị của Tổ giúp việc. Góp ý về cách thức giám sát địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị các thành viên Đoàn công tác nghiên cứu trước các báo cáo của các địa phương sẽ đến làm việc để hình dung tình hình tại địa phương, có đề xuất đề cương yêu cầu các địa phương phải báo cáo bổ sung.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị rà soát lựa chọn địa phương giám sát để bảo đảm địa phương thực sự là nơi nổi bật liên quan đến nội dung giám sát. Đồng thời trước khi đến địa phương cần thông báo trước những nội dung làm việc, những yêu cầu cần bổ sung làm rõ.

 Báo cáo làm rõ tiến độ xây dựng báo cáo của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết ngay khi có công văn của Quốc hội, chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và địa phương để xây dựng báo cáo thì Bộ Y tế đã triển khai ngay các kế hoạch, gửi công văn đôn đốc, đề nghị các địa phương, các bộ ngành gửi báo cáo, tổ chức các buổi làm việc cũng như làm việc. Trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo để hoàn thành trước ngày 15/02 để gửi báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Các thành viên Đoàn giám sát tham dự buổi làm việc

Bảo Yến