GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH ĐẢM BẢO NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

28/02/2023

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam, tổ chức Hội thảo Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành; TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam; TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC TỔ CHỨC HỘI THẢO, NGHIÊN CỨU CHUYÊN ĐỀ PHỤC VỤ CÁC DỰ ÁN LUẬT TRÌNH QUỐC HỘI

PGS.TS NGÔ TRÍ LONG: ĐỀ XUẤT 08 GIẢI PHÁP ĐỂ ĐỊNH GIÁ ĐẤT SÁT VỚI GIÁ THỊ TRƯỜNG

Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tham dự Hội thảo có: Đại diện các Chi hội luật gia Bộ, Ban, ngành Trung ương; các cơ quan, tổ chức có ký kết Chương trình phối hợp; các đơn vị trực thuộc Trung ương; các luật gia là chuyên gia, nhà khoa học; Hội Luật gia các tỉnh, thành phố và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Hội thảo được diễn ra trong 02 buổi (sáng 28/02 và sáng 1/03), bàn về cấu trúc Luật Đất đai, các định nghĩa và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi; kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quản lý và sử dụng đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và những vấn đề góp ý cần điều chỉnh trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi...

Cùng với đó là một số nội dung khác như: Bàn về quyền của người dân và cộng đồng dân cư trong quản lý và sử dụng đất đai, những vấn đề cần bổ sung trong Luật Đất đai 2013 sửa đổi; tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và những vấn đề cần bổ sung trong Luật Đất đai 2013 sửa đổi; tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh...

Thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18/NQ-TW

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn phát triển mới của đất nước là nội dung đang được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt.

TS. Nguyễn Văn Quyền nêu quan điểm, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời, cần thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam 

Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, TS. Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai có ý nghĩa rất quan trọng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị hết sức quan tâm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tới tất cả các tổ chức và từ người dân.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", làm rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng về đất đai và sửa đổi Luật Đất đai.

TS. Trần Công Phàn cũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV. Quốc hội dành tới 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng thảo luận, cho ý kiến về Luật này. Mới đây, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã lần đầu thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi. Sau khi hoàn thiện Dự thảo, Quốc hội cũng tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân hoàn thiện dự án Luật.

Gợi mở một số nội dung thảo luận, TS. Trần Công Phàn nêu rõ 10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất;….

Làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch và kế hoạch

Góp ý tại Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật & phát triển cho rằng, nội dung dự thảo về quy hoạch, kế hoạch chưa được quan tâm đúng mức và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển quy hoạch của đất nước.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, các quy định về quy hoạch, kế hoạch của Dự thảo chưa cho thấy sự gắn kết và mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia và quy hoạch đất đai. Cụ thể, quy định chung trong điều 62 không thể áp dụng trong thực tiễn. Theo đó, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phải phù hợp với nhau, trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất và của cơ quan lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ như thế nào khi lập quy hoạch để đảm bảo tính phù hợp.

Bên cạnh đó, thời kỳ quy hoạch cần cụ thể, không thể lấy tầm nhìn để xác định. Trong Điều 62 cũng như các điều tại các chương, mục khác của Dự thảo, dường như đang quá lạm dụng các khái niệm định tính nhưng không mang tính quy phạm như tầm nhìn, hài hòa hóa, ổn định lâu dài. “Điều quan trọng là pháp luật cần chỉ rõ các quyền và nghĩa vụ của các bên để có sự hài hòa hóa, ổn định lâu dài chứ không phải là đưa các tuyên bố chính sách này vào luật…”, GS.TS Lê Hồng Hạnh lưu ý.

Ngoài ra, GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng kiến nghị, cần quy định chi tiết hơn quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia có thể bao hàm luôn căn cứ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Như vậy, cấp tỉnh chỉ cần ban hành kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch đó phải dựa trên Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật & phát triển

Chia sẻ về nội dung này tại Dự thảo, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh, cần được làm rõ là mối quan hệ giữa quy hoạch và kế hoạch. Bởi, thực tế hiện nay chưa phân định rõ giữa khái niệm quy hoạch và quy hoạch.

Trong khi đó, quy hoạch phải có tiêu chí, mục tiêu để đi đến kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch dựa trên việc tổng hợp những kế hoạch hiện có. Vì vậy, GS.TS Phan Trung Lý kiến nghị, cần quy định tại Dự thảo cần làm rõ để thuận lợi cho việc áp dụng bởi quy hoạch không chính xác thì thì rất khó xử, để lại hậu quả lâu dài.

Cần quy định chặt chẽ trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất

Liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, TS. Tống Thị Thanh Nam, Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, kể từ khi có hiệu lực thi hành đến nay, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được thực hiện, đáp ứng yêu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực hạn chế đáng kể việc giao đất, cho thuê đất,...Tuy nhiên, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

Theo TS. Tống Thị Thanh Nam, Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không quy định hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trong khi đó, hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất là hình thức lựa chọn nhà đầu đầu tư trong các trường hợp cho thuê đất, dự án có quy mô diện tích sử dụng đất lớn, một số dự án đặc thù phù hợp hoạt động đấu thầu với quy định pháp luật đấu thầu, là hết sức cần thiết.

“Cần có những quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện về dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư…”, TS. Tống Thị Thanh Nam kiến nghị.

TS. Tống Thị Thanh Nam, Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam

Cũng theo TS. Tống Thị Thanh Nam, quy định về đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh chưa cụ thể, dẫn đến tuỳ tiện trong áp dụng pháp luật, tạo kẽ hở cho việc tiêu cực, vi phạm pháp luật, thậm chí vi phạm hình sự. Do đó, cần quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định.

Ngoài ra, cần quy định cụ thể về tiêu chí khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất ở khu vực bị hạn chế, làm cơ sở cho việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đây cũng là căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất…

Cũng tại Hội thảo, góp ý vào Dự thảo Luật, các chuyên gia còn đề xuất nhiều nội dung cụ thể liên quan tới quy định về: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai; Đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Dự thảo Luật đất đai;…

Kết luận Phiên thứ nhất hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo về hoàn thiện chính sách về đất đai. Khẳng định Luật Đất đai là một dự án luật khó, phức tạp, TS. Nguyễn Văn Quyền cho biết, trong Phiên thứ hai của Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày mai (sáng 01/3) bàn về những vấn đề cần bổ sung trong Luật Đất đai sửa đổi; tich tụ, tập trung đất nông nghiệp; tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh;...

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi)

TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn phát triển mới của đất nước là nội dung đang được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt.

TS. Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV nêu rõ 10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất;….

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý về kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển góp ý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và những vấn đề gớp ý cần điều chỉnh trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi)

PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý về nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong Luật Đất đai 2013 và những vấn đề cần phải được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật sửa đổi lần này.

TS Tống Thị Thanh Nam, Hội Luật gia Việt Nam góp ý về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi)

NCS Phùng Thị Phương Thảo, Học viện Phụ nữ Việt Nam góp ý về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi).

NCS Nguyễn Tú Anh, Đại học Luật tp. Hồ Chí Minh nêu những bấp cập của Luật Đất đai 2013 và các Luật khác có liên quan về thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật đất đai và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi).

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Luật Hà Nội - Hà, cho ý kiến về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật Đất đai 2013 và các Luật khác có liên quan, đồng thời đề xuất nhiều nội dung cụ thể tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Kết luận Phiên thứ nhất Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai. Khẳng định Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật khó, phức tạp, TS. Nguyễn Văn Quyền cho biết, trong Phiên thứ hai của Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày mai (sáng 01/3) bàn về những vấn đề cần bổ sung trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi;  vấn đề tich tụ, tập trung đất nông nghiệp; tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh;..../.

Lê Anh - Ánh Nguyệt

Các bài viết khác