LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI): ĐỀ XUẤT BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ THỜI HẠN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

02/03/2023

Theo Ths. Phan Thị Hương Giang, Trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học quốc gia Tp. HCM, Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có nhiều điều chỉnh tích cực từ việc tiếp thu góp ý của ĐBQH cũng như ý kiến các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần có sự xem xét điều chỉnh cho phù hợp hơn…

 

Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, gồm 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.

Hiện nay, Dự thảo luật đang trong quá trình được cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan giúp Ủy ban Thườn vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhằm đảm bảo chặt chẽ, khả thi trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (5/2023) tới đây.

Quan tâm tới dự Luật, Ths. Phan Thị Hương Giang, Trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học quốc gia Tp. HCM cho rằng, Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có nhiều điều chỉnh tích cực từ việc tiếp thu sự góp ý của ĐBQH cũng như từ các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần có sự xem xét điều chỉnh cho phù hợp hơn… Cụ thể:

Thứ nhất, tại khoản 1 điều 5 dự thảo Luật vẫn giữ quy định cũ là một trong các trách nhiệm của người tiêu dùng là phải “Kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật”. Nếu giữ quy định này thì tương ứng, nghĩa vụ (trách nhiệm) của người tiêu dùng là để đáp ứng quyền của bên còn lại trong quan hệ tiêu dùng- tổ chức cá nhân kinh doanh. Hay nói cách khác, tổ chức cá nhân kinh doanh có quyền cho người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm trước khi nhận hoặc là không. Chính quy định này dẫn tới việc người tiêu dùng không được kiểm tra sản phẩm trước khi nhận và điều này tiểm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Tuy đã có quy định liên quan đến việc cung ứng hàng hóa không đúng như như quảng cáo, giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng việc không được kiểm tra hàng là một trong những thiếu sót mà ban soạn thảo luật sửa đổi cần xem xét và chỉnh sửa cho phù hợp. Theo đó, bên cạnh quy định đây là trách nhiệm của người tiêu dùng thì cần bổ sung “quyền kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận, sử dụng” vào Điều 4 của dự thảo luật.

Thứ hai, cũng liên quan đến quyền của người tiêu dùng thì tại khoản 6 điều 4 của dự thảo luật hiện nay đang bao gồm hai quyền: Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại “khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật” và quyền “được trả lại sản phẩm, hàng hóa và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật”. Tuy nhiên, cần phải lưu ý khi chưa có thiệt hại thì sao có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được? Do đó, trong quy định tại khoản 6 điều 4 cần bổ sung thêm yếu tố “thiệt hại” thì mới phù hợp. Theo đó, đề xuất sửa đổi như sau: “yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại phát sinh từ sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, quyền “được trả lại sản phẩm, hàng hóa và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sản phẩm, hàng hóa” cần được áp dụng không chỉ đối với hàng hóa có khuyết tật mà còn phải áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa không đúng như quảng cáo, giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ở đây cũng cần bổ sung thêm yêu cầu được đổi sản phẩm khác (thay vì chỉ trả hàng lấy tiền theo như dự thảo hiện nay). Theo đó, cần sửa đổi quy định trên như sau “được đổi lại sản phẩm, trả lại hàng và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa không đúng như quảng cáo, giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Việc sửa đổi như trên là phù hợp với điểm e khoản 1 điều 10 của dự thảo Luật.

Thứ ba, tại khoản 2 Điều 30 dự thảo luật về “Trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng”, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo đúng quy trình đã công bố. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về thời hạn giải quyết khiếu nại để thấy rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đo, đề xuất đưa vào trong quy định tại khoản 2 Điều 30 nội dung về thời hạn giải quyết khiếu nại. Theo đó, khoản 2 Điều 30 bổ sung như sau “tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng theo đúng quy trình đã công bố”. Cách quy định như trên cũng có sự phù hợp với quy định tại điều 56 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng.  

Thứ tư, đề xuất bỏ điểm đ khoản 2 điều 33 dự thảo luật về “tổ chức, cá nhân trung gian thương mại” ra khỏi nhóm chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra. Bên cạnh đó, bổ sung khoản 6 điều này về trách nhiệm của “tổ chức, cá nhân trung gian thương mại” với chủ thể sản xuất, nhập khẩu hay gắn tên thương mại lên hàng hóa trong trường hợp bồi thường thiệt hại do lỗi của “tổ chức, cá nhân trung gian thương mại” gây ra./.

Lê Anh