LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): QUY ĐỊNH VỀ TÁI ĐỊNH CƯ PHẢI ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN HẬU THU HỒI ĐẤT

02/03/2023

Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đánh giá quy định tại Dự thảo đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên một số ý kiến chuyên gia cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, quy định về tái định cư phải được cụ thể hóa, rõ nội hàm nhằm đảm bảo đời sống người dân hậu thu hồi đất,…

LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CHÍNH SÁCH VỀ TÀI CHÍNH ĐẤT ĐAI CHƯA PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 3/1 -15/3/2023

Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá của quốc gia, là một trong những nguồn lực quan trọng bậc nhất để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay Nhà nước phải xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở hạ tầng. Vì vậy Nhà nước phải thu hồi diện tích đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp... Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp về chỗ ở của các hộ gia đình cá nhân sử dụng đất ở bị thu hồi, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều quy định về tái định cư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy các quy định pháp luật về tái định cư còn có những bất cập, hạn chế vướng mắc nhất định. Do đó, Dự thảo Luật Đất đai năm 2023 đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về tái định cư từ Điều 106 - điều 110.

Quy định cụ thể tiêu chí để định lượng

Theo ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật, đây là lần đầu tiên nguyên tắc “phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” được đề xuất ghi nhận trong Đạo luật về đất đai; thể hiện sự nỗ lực của nhà làm luật khi cam kết trách nhiệm đảm bảo quyền và lợi ích cho người có đất bị thu hồi.

Nhấn mạnh nội dung của nguyên tắc hết sức đúng đắn, nhân văn và quán triệt được tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nguyên tắc ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga cho biết, nguyên tắc cũng thể hiện quan điểm sự tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới khi đưa ra chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, điển hình như như Thái Lan, Trung Quốc yêu cầu mức bồi thường phải được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo cho người dân có cuộc sống bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.

Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga cho rằng, muốn đảm bảo đời sống người dân hậu thu hồi (bao gồm cả chỗ ở, sinh hoạt, chuyển đổi sinh kế và tâm lý) phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng đầy đủ và tốt. Theo đó, khu tái định cư không chỉ phải bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật như: đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường; hay hạ tầng xã hội như: đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ... mà đặc biệt còn phải tính toán đến việc tạo sinh kế phù hợp với khả năng của người bị thu hồi đất.

Do đó, Dự thảo cần thể chế hóa và làm rõ nội hàm thế nào là bảo đảm điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quy định cụ thể tiêu chí để định lượng, xác định rõ cơ chế quy định việc hướng dẫn, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm thẩm định, giám sát liên quan đến vấn đề này, nhằm đảm bảo tín hiệu lực hiệu quả và khả thi trong thực tiễn. Tránh tình trạng quyết sách đưa ra trở thành khẩu hiệu chính trị mà không có giá trị pháp lý.

Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga cũng đề nghị cần mở rộng hình thức bồi thường để đảm bảo thống nhất với nguyên tắc bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự năm 2015  cũng như khái niệm bồi thường về đất được nêu tại Khoản 4 Điều 3 của Dự thảo, đáp ứng đúng nhu cầu của người bị thu hồi cũng như phù hợp với xu thế quốc tế.

Theo đó, Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng, bằng tài sản gắn liền với đất, bằng quyền kinh doanh, quyền tài sản hoặc bằng giấy tờ có giá có giá trị tương đương tùy theo sự lựa chọn của người bị thu hồi đất.

Quy định phải khả thi

Nêu kiến nghị liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM Ung Thị Xuân Hương cho rằng, mặc dù đã được quan tâm và chú trọng nhưng hiện trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn một số quy định chưa rõ ràng, hoàn chỉnh, chưa nhận được sự đồng thuận cao.

Để tiếp tục hoàn thiện quy định tại Dự thảo, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM Ung Thị Xuân Hương đề xuất khi quyết định thu hồi đất cần có sẵn phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, từ đó giúp đồng bộ các khâu và tiến trình được trôi chảy. Đồng thời cũng tránh để xảy ra tình trạng thu trước rồi mới lên phương án bồi thường khiến quá trình thu hồi bị kéo dài.

Bên cạnh đó, nơi tái định cư mới cần đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. “Có những trường hợp thu hồi nhà mặt đất nhưng bồi thường chung cư, dù diện tích lớn hơn nhưng lại làm người dân mất đi kế sinh nhai, nơi làm ăn buôn bán khiến người dân không thể duy trì hoạt động thường ngày…”, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM nêu dẫn chứng

Do đó, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp.HCM nhấn mạnh, nơi ở mới không những cần đảm bảo tốt hơn mà còn phải đảm bảo đầy đủ kế sinh nhau cho người dân. Đồng thời, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề để người dân có nghề nghiệp ổn định, để có nơi ở mới tốt hơn.

 PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

Nêu quan điểm về quy định tại Dự thảo, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Quý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, quy định khu tái định cư tại điểm c khoản 2 Điều 106 phải đảm bảo điều kiện: "Phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng, miền" là rất khó thực hiện. Bởi vì, ở Việt Nam có rất nhiều vùng, miền, có rất nhiều dân tộc, mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc lại có những phong tục tập quán riêng, thậm chí có những phong tục tập quán lạc hậu. Vì vậy, để xây dựng được một khu tái định cư đáp ứng được điều kiện này là không khả thi. Quy định này sẽ tạo ra những khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác tái định cư. Có thể một số người dân dựa vào quy định này để khiếu kiện. Do đó, cần phải nghiên cứu lại quy định này hoặc sửa đổi khu tái định cư: "Phải phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền mà pháp luật thừa nhận".

Ngoài ra, về việc chi trả tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư, để chặt chẽ hơn PGS.TS đề nghị cần bổ sung vào quy định này thời gian chậm trả tối đa là bao nhiêu ngày để tránh tình trạng chủ đầu tư dây dưa, không chịu trả tiền bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Đồng thời, phải có biện pháp xử phạt lũy tiến đối với chủ đầu tư khi hết thời hạn chậm trả mà vẫn không chịu trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất.../.

Lê Anh