GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH GIÁ ĐẤT CẦN ĐẢM BẢO TÍNH DÂN CHỦ VÀ ĐỘC LẬP

07/03/2023

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 03/01 - 15/3/2023. Một trong những điểm mới nổi bật được quy định tại Dự thảo là Hội đồng thẩm định giá. Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, cần tăng cường tính dân chủ và độc lập tương đối của Hội đồng thẩm định giá.

PGS.TS NGUYỄN THỊ NGA: GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) – THÁO GỠ NÚT THẮT PHÁP LÝ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC TIẾP CẬN ĐẤT ĐAI

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 03/01 - 15/3/2023

Nhằm huy động trí tuệ Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi khi luật thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 170/NQ-CP về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 09 nội dung trọng tâm, gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến Nhân dân là quy định về Hội đồng thẩm định giá. Đánh giá cao quy định tại Dự thảo, tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, cần tăng cường tính dân chủ và độc lập tương đối của Hội đồng thẩm định giá.

Góp ý vào quy định tại Dự thảo, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất cụ thể, UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể. Thành viên tham gia Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất cụ thể cấp tỉnh và thành viên tham gia Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp huyện đa số là thành viên của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Cho nên không đảm bảo nguyên tắc độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, trung thực, khách quan trong định giá đất.

Vì vậy, để tăng tính dân chủ và độc lập tương đối của Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất cụ thể Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị Ban soạn thảo rà soát giảm bớt thành viên Hội đồng thẩm định bảng giá đất, giá đất cụ thể là đại diện các Sở ở cấp tỉnh và các phòng ở cấp huyện; bổ sung vào Hội đồng thẩm định bảng giá đất và giá đất cụ thể một số thành viên đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân…

Nhận định đây là vấn đề hoàn toàn mới được quy định chính thức trong Dự thảo Luật Đất đai, tuy nhiên TS. Trần Quang Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội, kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một số nội dung để đẩm bảo quy định hiệu quả, khả thi. Cụ thể:

Thành phần của Hội đồng thẩm định Bảng giá đất là thành phần có tính cơ cấu rất rõ nét. Người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh đồng thời cũng là người trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và ban hành quyết định về bảng giá đất. Tham gia trong Hội đồng gồm những lãnh đạo của một số sở ngành quan trọng, UBND cấp huyện, Mặt trận tổ quốc tỉnh và tổ chức có chức năng tư vấn giá đất, các chuyên gia về định giá đất.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Quang Huy đây là Hội đồng có tính hành chính nhiều hơn là Hội đồng có tính chuyên gia về xác định giá đất, trong khi Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, các thành viên chịu trách nhiệm về ý kiến của cá nhân mình. Do đó, kiến nghị trong thành phần này các chuyên gia có phương pháp, kiến thức chuyên sâu về định giá đất sẽ là thiểu số, dù có lập luận khoa học, sự đúng đắn trong áp dụng các phương pháp định giá đất thì cũng không có tiếng nói quyết định trong kết quả thẩm định Bảng giá đất. Sự quyết định ở đây phụ thuộc vào chủ tịch UBND cấp tỉnh và đại diện các sở ngành trực thuộc UBND cấp tỉnh.

Theo đó, đề xuất Hội đồng có tính chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người làm thực tiễn có độ chuyên sâu cao về định giá đất, làm việc một cách trung thực, khách quan, công tâm, có tính chuyên nghiệp cao. Hội đồng không nên là sự cơ cấu hành chính, vừa “đá bóng vừa thổi còi”, không khách quan trong việc quyết định một vấn đề cực kỳ quan trọng là xây dựng Bảng giá đất hằng năm.

Ngoài ra, đối với Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 156 Dự thảo Luật cũng cần nghiên cứu rà soát. Hội đồng cấp tỉnh và hội đồng cấp huyện cũng đều là các công chức hành chính trực thuộc sở ban ngành cấp tỉnh hoặc phòng ban cấp huyện tham gia trong thành phần Hội đồng. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người làm thực tiễn vẫn là thiểu số trong một cơ cấu hành chính, làm việc quyết định theo đa số.

 Vì vậy, đề nghị, sửa đổi các Khoản 1, 2 ,3 Điều 156 về thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất và hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cấp tỉnh, cấp huyện trên tinh thần gắn người đứng đầu cấp tỉnh, cấp huyện với một hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người làm thực tiễn có trình độ cao, hiểu biết sâu sắc về nguyên tắc, phương pháp định giá đất để xây dựng bàng giá đất và giá đất cụ thể./.

Lê Anh

Các bài viết khác