GS.TS TRẦN ĐỨC VIÊN: SỬA ĐỔI LUẬT PHẢI KHUYẾN KHÍCH, TẠO ĐỘNG LỰC VÀ NGUỒN LỰC CHO NGƯỜI NÔNG DÂN THAM GIA HỢP TÁC XÃ
SỬA ĐỔI LUẬT CẦN TẠO RA HÀNH LANG PHÁP LÝ “ĐỦ THÔNG THOÁNG” ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, NÒNG CỐT LÀ CÁC HỢP TÁC XÃ
SỬA ĐỔI LUẬT HỢP TÁC XÃ: ĐƠN GIẢN HÓA CÁC THỦ TỤC THÀNH LẬP CÁC HỢP TÁC XÃ Ở NHIỀU LOẠI HÌNH, LĨNH VỰC
Chưa rõ địa vị pháp lý của Tổ hợp tác.
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong lần sửa đổi Luật Hợp tác xã này quy định các nội dung cơ bản về Tổ hợp tác như: khái niệm, quyền và nghĩa vụ của Tổ hợp tác để thừa nhận địa vị pháp lý của Tổ hợp tác với tư cách là một Tổ chức kinh tế hợp tác theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW đã xác định kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, trong đó có Tổ hợp tác; các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của thành viên, về đăng ký, chấm dứt hoạt động... của Tổ hợp tác sẽ được Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở sửa đổi, bổ sung nội dung của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP về Tổ hợp tác để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.
Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng tăng số lượng thành viên Tổ hợp tác tối thiểu từ 02 lên 03 thành viên. Bổ sung quy định đối với Tổ hợp tác có người đại diện, có thời gian hợp tác từ 06 tháng hoặc có góp vốn, tài sản thì Tổ hợp tác phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để Nhà nước quản lý, hỗ trợ, định hướng phát triển Tổ hợp tác lên tổ chức cao hơn. Dự thảo cũng làm rõ quy định điều kiện thành viên tham gia Tổ hợp tác phải từ 15 tuổi trở lên và bổ sung quy định Tổ hợp tác có thể được phép chuyển đổi thành Hợp tác xã.
Nêu ý kiến về Tổ hợp tác quy định tại dự thảo luật, PGS.TS Trần Quang Tiến - Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho rằng, thực tế tổ hợp tác cũng giống như kinh tế cá thể, đều là những loại hình kinh tế không chính thức, rất khó kiểm soát và xử lý khi có vi phạm. Vì vậy, Tổ hợp tác cần được khuyến khích, tiến tới xây dựng lộ trình để buộc phải chuyển đổi thành các mô hình kinh tế chính thức. Việc quy định về Tổ hợp tác trong Luật là cần thiết nhưng cần có giới hạn rõ hơn, hẹp hơn về phạm vi hợp tác, giá trị hợp tác. Đồng thời, quy định rõ về thời gian sau khi Tổ hợp tác hoạt động buộc phải chuyển đổi sang mô hình Hợp tác xã để được phát triển quy mô, mở rộng phạm vi. Với những thay đổi trong dự thảo Luật, các thủ tục thành lập Hợp tác xã được đơn giản hóa, không quá khó khăn, phức tạp vì vậy cũng cần luật hóa theo hướng khuyến khích chuyển đổi Tổ hợp tác sang mô hình Hợp tác xã hoặc thành mô hình kinh tế chính thức.
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm, không cần thiết đưa Tổ hợp tác vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vì đã có Bộ luật Dân sự quy định. Hơn nữa, nội dung về Tổ hợp tác trong dự thảo Luật rất mờ nhạt, không cụ thể hơn so với quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành.
“Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) chủ yếu yêu cầu các Tổ hợp tác đăng ký, chứ chưa quy định rõ chính sách nào hỗ trợ các Tổ hợp tác phát triển. Nếu chỉ quy định biết thông tin thì có nhiều chính sách, quy định khác. Tổ hợp tác cần sự đơn giản thuận tiện, nếu quy định qua phức tạp về thủ tục đăng ký có thể nông dân sẽ chuyển sang các hình thức khác không phải đăng ký như nhóm sở thích, câu lạc bộ… đã tồn tại từ lâu trong thời gian qua”, GS.TS Trần Đức Viên chia sẻ.
Trước đó, góp ý về Tổ hợp tác tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết bổ sung tổ hợp tác trong dự thảo Luật nhằm xác định địa vị pháp lý của Tổ hợp tác. Tuy nhiên quy định về tổ hợp tác trong dự thảo Luật còn khá mờ nhạt, cần quy định cụ thể hơn về tổ hợp tác, bổ sung làm rõ hơn các điều kiện khác ngoài số lượng thành viên để chuyển đổi từ tổ hợp tác thành Hợp tác xã như các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động, bổ sung điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên tổ hợp tác…
Cũng có ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu chưa đưa Tổ hợp tác vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vì cho rằng nếu đưa tổ hợp tác vào phạm vi điều chỉnh sẽ phát sinh mâu thuẫn, bất cập trong thực tiễn; cần tổ chức điều tra các Tổ hợp tác và nguyện vọng phát triển trong tương lai để có căn cứ thực tiễn đưa vào dự thảo Luật.
Còn ý kiến khác nhau về Liên đoàn Hợp tác xã trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đối với quy định về Liên đoàn Hợp tác xã trong dự thảo luật, Tờ trình của Chính phủ nêu lý bổ sung quy định một số điều cơ bản về Liên đoàn Hợp tác xã để Chính phủ có cơ sở pháp lý thực hiện theo lộ trình hợp lý để vừa triển khai, vừa đúc rút kinh nghiệm và thể chế hóa ngay ở các văn bản quy định chi tiết của Chính phủ về Liên đoàn Hợp tác xã, bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các Tổ chức kinh tế hợp tác. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về thành lập, tổ chức, hoạt động, chấm dứt hoạt động của liên đoàn HTX; thành viên, góp vốn, quyền, nghĩa vụ của thành viên của Liên đoàn HTX trên cơ sở đánh giá thực tiễn, mô hình thí điểm và học tập kinh nghiệm quốc tế...
Về quy định này, GS.TS Trần Đức Viên nêu thực tế, ở các quốc gia có những Hợp tác xã phát triển, quy mô vừa và lớn chiếm tỷ trọng lớn, có Liên đoàn Hợp tác xã chuyên ngành về nông nghiệp, tín dụng, nghề cá, tiêu dùng... với chức năng chủ yếu là liên kết kinh tế và đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của thành viên. Trong khi đó, ở Việt Nam phần lớn Hợp tác xã có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, liên kết kinh tế còn hạn chế. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức hội được Đảng, Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ. Nghị quyết 20-NQ/TW có chủ trương "Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể..."; "Nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn HTX hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực".
GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, quy định như dự thảo Luật Hợp tác xã chưa có cơ sở thực tiễn về mô hình Liên đoàn Hợp tác xã ở trong nước, chưa phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 20-NQ/TW. Thời gian tới, các cơ quan Trung ương và địa phương cần xây dựng đề án thí điểm về Liên đoàn Hợp tác xã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện, sau một thời gian sẽ tổng kết mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thì bổ sung vào Luật Hợp tác xã.
Hơn nữa, dự thảo luật quy định: “Liên đoàn Hợp tác xã vừa là tổ chức kinh tế, vừa đại diện cho các thành viên hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề cấp vùng, cấp quốc gia, với các nội dung chủ yếu như: đăng ký thành lập, tổ chức quản lý, cơ cấu tổ chức, hoạt động làm cơ sở để triển khai thí điểm”. Quy định như vậy chưa rõ về nội dung, phương thức hỗ trợ đối với Liên đoàn hợp tác xã. Các quy định của dự thảo luật cũng chưa làm rõ về tính chất kinh tế của Liên đoàn, tính chất nghề nghiệp, có mang tính chất của một tổ chức xã hội-nghề nghiệp hay không. Vì quy định này chưa có đủ căn cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn để thể chế hóa thành luật, GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị nên tiến hành thí điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi đưa vào luật.
PGS.TS Trần Quang Tiến, Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Quang Tiến khẳng định, việc thành lập các Liên đoàn Hợp tác xã nhằm thúc đẩy hiệu quả kinh tế theo quy mô lớn, tạo ra sự liên kết chuỗi giá trị tốt, chặt chẽ hơn. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết để đảm bảo các Hợp tác xã của Việt Nam lớn mạnh. Tuy nhiên, không nên coi đây là mô hình có gắn với quản lý nhà nước, mà nên quy định đơn thuần đây là mô hình kinh tế, là thỏa thuận hợp tác chặt chẽ và cao nhất giữa các thành viên của Liên đoàn Hợp tác xã.
“Các quy định về thành lập phải gắn với các điều kiện rõ ràng, liên quan đến gia tăng quy mô, hiệu quả kinh tế; đồng thời kiểm soát sự tập trung, sự thống lĩnh thị trường quá cao để không ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trong từng ngành, lĩnh vực. Vì vậy, tôi cho rằng, việc thí điểm mô hình là cần thiết, dự thảo luật chỉ nên quy định mang tính định hướng và có kiểm soát”, PGS.TS Trần Quang Tiến đề xuất.
Quy định về Liên đoàn Hợp tác xã trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này. Việc luật hóa sẽ xem xét điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu xây dựng thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW. Đưa mô hình Liên đoàn Hợp tác xã vào Luật cần xem xét đã đủ cơ sở pháp lý chưa, đã đủ điều kiện để tổ chức hay chưa trong khi chưa tổng kết, đánh giá thực tiễn mà quy định ngay sẽ không lường hết những vấn đề có liên quan.
Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị tiếp tục làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn khi luật hóa các quy định về Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật; đề nghị đánh giá kỹ hơn về sự cần thiết của việc hình thành Liên đoàn Hợp tác xã; làm rõ tính chất, tổ chức, hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong Liên đoàn Hợp tác xã… Cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục giữ quy định một số điều cơ bản về Liên đoàn Hợp tác xã như trong dự thảo Luật để có cơ sở pháp lý thực hiện theo lộ trình hợp lý, để vừa triển khai, vừa đúc rút kinh nghiệm trước khi có các quy định thể chế hóa cụ thể./.