PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, BÁM SÁT MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ

08/03/2023

Chiều 8/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp toàn thể của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội để cho ý kiến về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác về dự án Luật Giá (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường chủ trì phiên họp.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: THẲNG THẮN TRAO ĐỔI, XÁC ĐỊNH RÕ VƯỚNG MẮC VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ THAY ĐỔI THỰC TRẠNG, BẢO ĐẢM ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các cơ quan hữu quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan để thống nhất định hướng giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, các đối tượng tác động của Luật; tiến hành rà soát, chỉnh lý hoàn thiện các điều khoản của dự thảo Luật.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, theo dự kiến chương trình, tại phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Giá (sửa đổi). Để chuẩn bị nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Tài chính – Ngân sách họp phiên toàn thể để cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục thảo luận, rà soát các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau với tinh thần lắng nghe, cầu thị, trao đổi kĩ lưỡng sớm đi đến thống nhất, đồng thuận, bảo đảm chất lượng dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu khai mạc phiên họp

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đã có báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi). Theo đó quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá; Quỹ bình ổn giá; Quỹ bình ổn giá xăng dầu; về định giá; về thẩm định giá, dịch vụ thẩm định giá, thẩm định giá của Nhà nước… là những nhóm vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.

Ngoài ra các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về nguyên tắc áp dụng pháp luật đề nghị quy định rõ ràng, tránh trùng lặp hoặc xung đột pháp luật; về giải thích từ ngữ, các đại biểu đề nghị cần giải thích cụ thể và rõ ràng một số thuật ngữ quan trọng; về các hành vi bị cấm, việc xử lý khi vi phạm quy định cấm trong quản lý giá…

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên họp là quỹ bình ổn giá. Điều 17 Luật Giá hiện hành quy định: Trong trường hợp cần thiết, lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nhằm hỗ trợ bình ổn giá; sử dụng quỹ bình ổn giá khi giả của hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống. Chính phủ quy định chi tiết về mặt hàng được lập quỹ bình ổn giá, việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay, trên thực tế chỉ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động nhằm mục tiêu bình ổn giá.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai báo cáo một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi)

Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất cho rằng cần giữ quy định tại về Quỹ bình ổn giá trong Luật giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh. Ngoài ra, việc giữ quy định về thành lập quỹ như Dự thảo Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động.

Tuy nhiên, về thẩm quyền thành lập còn ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao hơn, đồng thời để tương đồng với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa bình ổn giá, đề nghị quy định: Quốc hội có thẩm quyền thành lập Quỹ, trong thời gian giữa 02 kỳ họp, nếu trường hợp cấp bách, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập quỹ và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất. Trong khi đó, Cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định việc thành lập để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Do đó, Dự thảo Luật thiết kế 2 phương án để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, có ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ này bởi đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại phiên họp

Một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết hiện nay không chỉ người dân, cử tri mà cả các đại biểu Quốc hội đều thiếu thông tin về tình hình hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu để có thể đánh giá hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ này. Do đó, đại biểu đề nghị trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi đề nghị xem xét có nên quy định thành 01 điều trong Luật Giá về quỹ mà chỉ quy định tại điều khoản chuyển tiếp để tiếp tục thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tránh trường hợp tiếp tục thành lập quá nhiều loại quỹ.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chủ động, tích cực cho việc tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi); Ủy ban theo chức năng nhiệm vụ đã, tổ chức Hội thảo, làm việc với các cơ quan liên quan để bảo đảm chất lượng cho việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo

Nhấn mạnh đây là dự án Luật quan trọng có phạm vi rộng, tác động lớn đến đời sống của người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu, quan điểm sửa đổi Luật, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đặc biệt là những điều khoản then chốt nhằm giải quyết được những tồn đọng, vướng mắc hiện nay; không làm phát sinh thêm những tồn đọng, vướng mắc mới; không phát sinh vấn đề phức tạp mới, không tạo ra lỗ hổng gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Lưu ý rà soát kỹ quan điểm đã đặt ra khi sửa Luật để rà soát đặc biệt là trong việc khắc phục vướng mắc hiện nay, xác định rõ sự điều tiết của Nhà nước, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm việc quản lý giá vừa chặt chẽ, hiệu quả, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt trong nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản của nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến tham gia của các cơ quan hữu quan để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo nguyên tắc mọi ý kiến đều phải được tổng hợp để tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ, không đề cập là tiếp thu tối đa hay sẽ nghiên cứu tiếp thu mà phải nêu rõ quan điểm tiếp thu như thế nào; việc tiếp thu hoặc giải trình phải có lý luận, giải thích rõ ràng, thuyết phục.

Toàn cảnh phiên họp

Đối với các nội dung có ý kiến khác nhau (hiện nay có 2 vấn đề là thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá và Quỹ bình ổn giá), cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu nhược điểm, tính phù hợp với đặc thù của Việt Nam đối với của từng loại ý kiến; quan điểm lựa chọn của Ủy ban Tài chính - Ngân sách để tới đây xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị chuyên trách và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội với quan điểm chung là phối hợp tốt, lắng nghe, cầu thị để tạo sự đồng thuận, thống nhất, tốt nhất là chỉ trình Quốc hội một phương án, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý rà soát kỹ trong quá trình hoàn thiện Luật để tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất với các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) Quốc hội mới thông qua, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xem xét sửa đổi….; lưu ý rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Tuấn Anh phát biểu

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi giải trình làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Các đại biểu tại phiên họp

Bùi Hùng - Nghĩa Đức