TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP TRƯA 10/3: ‘’BÀN TRÒN CHUYÊN GIA’’ VỀ GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

10/03/2023

1456 lượt xem

Ngay sau khi kết thúc Phiên họp thứ V Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 10/3/2023, cũng tại Nhà Quốc hội, Cổng TTĐT Quốc hội đã tổ chức ''Bàn tròn chuyên gia'' nhằm trao đổi, làm rõ hơn một số nội dung trọng tâm được quan tâm thảo luận tại Phiên họp

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 10/3: PHIÊN HỌP THỨ V HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Tham gia “Bàn tròn chuyên gia” có TS.Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và TS.Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung Chương trình:

11h33: MC Nguyên Hương: Trân trọng cảm ơn 2 chuyên gia: TS.Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và TS.Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tham gia trao đổi tại chương trình “Bàn tròn chuyên gia” trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội và trên các nền tảng số của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Thưa TS. Đậu Anh Tuấn, TS.Võ Trí Thành, Phiên họp thứ V của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vừa kết thúc. Trực tiếp tham gia Phiên họp, ông có nhận định như thế nào về nội dung trọng tâm được thảo luận?

TS.Đậu Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI:  Đây là hoạt động rất quan trọng rất quan trọng, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý sôi nổi về dự án luật, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao và cơ quan soạn thảo cũng đã có một số ý kiến giải trình, tiếp thu chi tiết đối với ý kiến các đại biểu.

TS.Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương: Tôi đánh giá dù thời gian không nhiều nhưng việc tổ chức Phiên họp rất nghiêm túc, có sự tham gia của nhiều cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học; những đóng góp rất tâm huyết. TS.Võ Trí Thành mong muốn Luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo động lực cho sự phát triển.

11h39: MC Nguyên Hương: Thưa TS.Đậu Anh Tuấn, TS.Võ Trí Thành, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có đề cập về bỏ khung giá đất ở trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, vấn đề quan tâm và đặt ra đối với cơ quan quản lý Nhà nước là tiêu chí nào để định giá đất sát với thị trường? Và nên giao cho đơn vị, cơ quan nào thực hiện? Ý kiến đóng góp của ông về vấn đề này như thế nào?

TS.Võ Trí Thành, thành viên HĐKH của UBTVQH; nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương;

TS.Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương: Những vấn đề lớn được thể hiện trong Dự luật là những vấn đề nền tảng như quyền tài sản, tài chính đất đai, kích thích doanh nghiệp phát triển, bồi thường, hỗ trợ cho người dân….

Đối với vấn đề giá đất, nhiều ý kiến nêu thế nào là định giá đất theo nguyên tắc thị trường? Vấn đề này cần nhìn nhận theo nhiều góc độ. Làm sao để đền bù hỗ trợ, tái định cư cho người dân được thỏa đáng, kích thích sự lựa chọn để phát triển là câu chuyện chúng ta phải tính đến; các doanh nghiệp nhìn nhận và tiếp cận vấn đề này như thế nào…là vấn đề cần phải bàn kỹ. Đặc biệt, vai trò giám sát của Quốc hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác này.

11h44: MC Nguyên Hương: Thưa TS.Đậu Anh Tuấn, TS.Võ Trí Thành, thực tế cho thấy, trong thời gian qua, việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Các kiến nghị, khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại. Xin ông cho biết ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để có thể giải quyết được những bất cập trên?

TS.Đậu Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ bna Thường vụ Quốc hội Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Tôi cho rằng đây là nội dung yêu cầu quan trọng bảo đảm sử dụng đất hiệu quả bởi tài nguyên đất hữu hạn nên bảo đảm sự công bằng duy trì trật tự xã hội. Thực tế thời gian qua có hiện tượng đầu cơ đất, sử dụng đất không hiệu quả.

Do đó, Luật Đất đai cần có cơ chế phù hợp để đất đến được với người có khả năng sử dụng tốt hơn. Nên dự thảo Luật cần có quy định về điều kiện, về quy hoạch… để lựa chọn được người sử dụng đất hiệu quả. Bên cạnh đó cũng có nhiều nhà đầu tư tâm huyết thực chất nhưng không triển khai được dự án do vướng mắc, chồng chéo do sự thiếu đồng bộ của pháp luật nên cần phân loại, phân biệt các nhà đầu tư này.

TS.Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương: Tôi nhất trí với ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn. Tôi cho rằng, việc lãng phí nguồn lực đất đai đến từ nhiều nguyên nhân, có thể là do điều chỉnh quy hoạch, do lựa chọn, năng lực phát triển dự án, do đấu giá đấu thầu không thật sự lành mạnh… Đằng sau những nguyên nhân này là trách nhiệm từ phía các bên liên quan, đặc biệt là từ phía Nhà nước.

Trong quản lý, cần có cả “cây gậy” và “củ cà rốt”, là những phần thưởng kích thích cho các nhà đầu tư mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội.

11h50: MC Nguyên Hương: Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là một trong những nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm góp ý thời gian qua. Vậy, theo quan điểm của ông, liệu rằng quy định tại Dự thảo đã đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp hay chưa?

TS.Đậu Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Tôi biết rằng việc đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước là một trong những vấn đề ưu tiên khi xây dựng Dự án Luật này. Do đó mà một loạt các nguyên tắc đã được đưa ra.

Vấn đề này nhiều nước cũng quan tâm. Ở Việt Nam, vấn đề này người dân và doanh nghiệp đều rất quan tâm. Có nhiều luồng ý kiến về nội dung này. Nhưng có một điểm rất thống nhất đó là tôn trọng lợi ích của người dân, đảm bảo người dân có lợi ích tốt; quá trình bồi thường, tái định cư phải diễn ra minh bạch, công khai. 

Chắc chắn chúng ta phải hiểu rõ, không có quyết định nào mà tất cả đều hài hòa, tuy nhiên cũng không nên có quyết định cực đoan, đó là chỉ nghiêng về một phía lợi ích nào.

TS.Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương:  Tôi nghĩ khẩu hiệu “hài hòa lợi ích tất cả các bên liên quan” là nội dung rất đẹp, rất hay nhưng thực thi là rất khó. Đề ra chính sách mà trong “cuộc chơi” để tất cả các bên cùng thắng là điều không phải dễ dàng, mà phải đảm bảo công bằng.

Tôi cho rằng vấn đề tư duy cần quy định rõ nguyên tắc phải minh bạch, quyền lựa chọn của doanh nghiệp và người dân được mở rộng, nhà nước chấp nhận nhận phần khó về mình hoặc có sự can thiệp để bảo đảm hài hòa cho các bên chấp nhận được trong những vấn đề như về giá đất, vấn đề tài chính doanh nghiệp, trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm, sự can thiệp của Nhà nước trong thu hồi đất, ưu đãi về thuế. Tôi nghĩ Luật này đã bắt đầu cho các vấn đề nay những cần nghiên cứu cụ thể hơn, cùng với đó là có đánh giá tác động thêm.

11h58: MC Nguyên Hương: Nhiều ý kiến thành viên Hội đồng khoa học cũng như các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Đất đai vẫn là Luật khung, luật ống bởi dự thảo Luật còn giao cho Chính phủ và chính quyền địa phương quy định chi tiết rất nhiều điều luật và những nội dung cụ thể. Thưa TS. Võ Trí Thành, TS. Đậu Anh Tuấn, ông có bình luận gì về quan điểm này?

TS.Đậu Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI : Có ý kiến cho rằng phải nâng lên thành Bộ Luật đất đai cho đúng tầm của nó. Tôi cho rằng đây là Dự án Luật nhận sự quan tâm số 1. Bản thân trong Dự án Luật có nhiều vấn đề rất lớn như vấn đề quản lý nhà nước về đất đai; quản lý không gian ngầm, không gian trên không, nhiều nội dung rộng; các thảo luận cũng rất sâu về các vấn đề như tài chính đất đai… Đây cũng là những vấn đề thách thức khi đi vào áp dụng.

Là một luật quan trọng, nhiều điều luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Nếu một Luật mà có quá nhiều văn hản hướng dẫn thi hành thì cũng rất khó triển khai. Do đó, tôi đề nghị những vấn đề lớn phải được thể hiện rõ ràng, gọn gàng, dễ hiểu để việc áp dụng luật được thuận tiện.

TS.Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương: Tầm vóc của Luật đất đai đã đủ để thành một Bộ luật. Quá trình xây dựng cũng rất phức tạp, không thể đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối. Để sớm đưa luật vào cuộc sống, tạo điều kiện phát triển đất nước, cần đảm bảo luật thực sự minh bạch, rõ ràng.

Trong văn bản dự thảo luật này còn nhiều nội dung chờ nghị định, văn bản pháp luật do Chính phủ, các bộ, ngành ban hành. Bên cạnh việc đảm bảo minh bạch, rõ ràng, hài hòa lợi ích, cần đảm bảo giảm tối đa thời gian đến khi luật được áp dụng. Vì vậy, cần rút ngắn thời gian này, giảm các nội dung cần Chính phủ, các bộ, ngành ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn.

12h02: MC Nguyên Hương: Một lần nữa trân trọng cảm ơn TS. Võ Trí Thành và TS. Đậu Anh Tuấn đã tham gia cuộc trao đổi!

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội