QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ ĐỂ TRÁNH BỊ LỘ, LỌT HOẶC BỊ SỬ DỤNG TRÁI PHÉP THÔNG TIN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

15/03/2023

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Trong đó, quy định về bảo vệ thông tin người tiêu dùng nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý. Trong đó, đề nghị quy định cụ thể, chi tiết, cụ thể, để ngăn chặn việc lộ, lọt thông tin cá nhân người tiêu dùng và cần xác định trách nhiệm pháp lý với doanh nghiệp, tổ chức vi phạm quy định về bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI): BỔ SUNG THÊM QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC YÊU CẦU TÒA ÁN CÔNG NHẬN KẾT QUẢ HÒA GIẢI THÀNH

Quy định chặt chẽ để tránh bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng trái phép thông tin của người tiêu dùng.

Quan tâm đến quy định về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng (từ Điều 8 đến Điều 13) dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm, vấn đề bảo vệ thông tin người tiêu dùng rất quan trọng. Trên thực tế, thông tin người tiêu dùng được các doanh nghiệp sử dụng để cập nhật thông tin về mặt hàng, chương trình khuyến mại, chính sách ưu đãi của doanh nghiệp cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thông tin cá nhân của nhiều người tiêu dùng đã bị lộ, lọt ra ngoài, bị một số cá nhân sử dụng vào mục đích khác gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng là vấn đề hết sức quan trọng, cần được quy định chi tiết, cụ thể trong lần sửa đổi luật này, để ngăn chặn việc lộ, lọt thông tin cá nhân người tiêu dùng và xác định trách nhiệm pháp lý với doanh nghiệp, tổ chức vi phạm quy định về bảo vệ thông tin người tiêu dùng.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nên quy định chi tiết, cụ thể việc thu thập thông tin và việc lưu trữ thông tin tại đâu, lưu trữ như thế nào, để đảm bảo thông tin không bị lộ, lọt. Quy định cách thức, hướng dẫn người tiêu dùng khi phát hiện thông tin bị lộ, lọt thông tin cá nhân. Ngoài ra, cũng cần quy định nghiêm cấm việc thu thập, sử dụng thông tin người tiêu dùng vào những mục đích khác với phạm vi, mục đích đã được thỏa thuận với người tiêu dùng.

Cùng quan điểm này, Luật sư Phạm Thanh Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khẳng định, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, dự thảo luật quy định chưa chặt chẽ nội dung này, bởi Điều 8 không quy định về việc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải được sự đồng ý của người tiêu dùng khi thông tin của họ được thu thập, lưu trữ, sử dụng thông qua bên thứ ba. Như vậy, nhiều khả năng người tiêu dùng không biết được thông tin của họ có thể do một bên thứ ba, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh nắm giữ dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm mà lại không có chế tài để giải quyết.

Ngoài ra, phạm vi ủy quyền thuê bên thứ ba, quy định của Điều 8 rất rộng, bao gồm cả việc sử dụng thông tin, nên khó có thể kiểm soát được việc bên thứ ba tiếp tục chia sẻ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho chủ thể khác.

Vì vậy, Luật sư Phạm Thanh Bình đề nghị, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần quy định rõ trường hợp thực hiện thu thập thông tin góp ý đối với các nhà sản xuất kinh doanh và quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng.

Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thông tin của người tiêu dùng dễ bị lộ từ đó gây ra nhiều hệ lụy cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc đưa quy định nêu trên sẽ giúp cho vừa bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng; đồng thời cũng đảm bảo được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, nhưng quan trọng hơn hết là tất cả đều phải thực hiện đúng trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ tốt nhất, Luật sư Trịnh Cẩm Bình cũng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần đảm bảo tính công bằng, bình đẳng như các trường hợp bên cung cấp dịch vụ, hàng hóa là đơn vị độc quyền của Nhà nước. Đối với trường hợp này có vẻ người tiêu dùng cần doanh nghiệp hơn nên việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng dễ xảy ra và người tiêu dùng đôi khi phải chấp nhận vì doanh nghiệp ở thế độc quyền và người tiêu dùng buộc phải sử dụng mà không có sự lựa chọn nào khác.

Trên thực tế, người tiêu dùng khi gặp các trường hợp bị vi phạm nhưng phản ánh không được giải quyết hoặc giải quyết chậm trễ thì cần có chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết xử lý vi phạm nhưng không giải quyết hoặc chậm trễ trong việc giải quyết, Luật sư Trịnh Cẩm Bình kiến nghị.

Kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật sư Trịnh Thanh Bình cũng đánh giá cao ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp như: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án trong dự thảo luật. Tuy nhiên, Luật sư Trịnh Cẩm Bình nêu thực tế, việc áp dụng các hình thức giải quyết tranh chấp chưa có tính khả thi. Nhiều trường hợp vì hành vi vi phạm gây thiệt hại không đáng kể hoặc giá trị sản phẩm hàng hóa nhỏ nên việc xử lý vi phạm cũng chưa được thực hiện. Quy định về quy trình tố tụng trong việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn phức tạp, kéo dài nên thực tế, mặc dù người tiêu dùng biết bị vi phạm nhưng cũng không muốn theo đuổi vụ kiện tụng kéo dài, gây mệt mỏi. Để các quy định có tính khả thi, Luật sư Trịnh Cẩm Bình đề nghị cần quy định áp dụng ngắn gọn như việc hòa giải thực hiện tại đâu, tổ chức hòa giải tiến hành hòa giải trong bao lâu và vụ kiện giải quyết tranh chấp liên quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần rút gọn nhất có thể.

Góp ý về các quy định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật sư Phạm Thanh Bình cho biết, hiện nay, pháp luật có quy định về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Mức phạt này quá thấp so với lợi ích mà phía vi phạm thu lợi và chưa đủ tính răn đe. Vì vậy, cần tăng mức xử phạt cho phù hợp với giá trị mà bên vi phạm thu được. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người có hành vi vi phạm trả lại số tiền thu lợi từ người tiêu dùng; đồng thời phải bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại thực tế xảy ra.

Đối với các hình thức giải quyết tranh chấp trong dự thảo luật: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án đã được quy định từ Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành và tiếp tục được quy định trong dự thảo. Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, quy định này trên là rất cần thiết nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các hình thức giải quyết tranh chấp gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án nêu trong dự thảo luật đã chi tiết, cụ thể so với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể:

Về việc xác định phương thức giải quyết tranh chấp (Điều 53 và Điều 67): Khoản 1, Điều 53 về “Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh” của Dự thảo vẫn tiếp tục quy định 4 phương thức giải quyết tranh chấp là: Thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án.

Khoản 2, Điều 67 về “Hiệu lực của điều khoản trọng tài” quy định “Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung, khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác”. Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, quy định này không rõ ràng bằng quy định tại Điều 17 về “Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng”, Luật Trọng tài thương mại năm 2010: “Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”.

Nếu như Luật hiện hành chỉ quy định: Không được thương lượng, hoà giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc lợi ích của nhiều người, thì Điều 53 của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã mở ra quy định chính xác, hợp lý hơn, đó là “trừ trường hợp xác định được số người cụ thể” trong trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người. Dự thảo cũng ghi nhận ngoài hình thức trực tiếp, còn được giải quyết tranh chấp theo hình thức trực tuyến hoặc các hình thức khác. Luật sư Phạm Thanh Bình nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trên là hợp lý, giải quyết được vướng mắc và đòi hỏi thực tế hiện nay.

Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định giải quyết tranh chấp theo hình thức trực tuyến hoặc các hình thức khác sẽ giải quyết được vướng mắc và đòi hỏi thực tế hiện nay.

Về việc cung cấp và bảo mật thông tin giải quyết tranh, dự thảo đã bổ sung quy định tại Điều 55 về “Trách nhiệm cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Luật sư Phạm Thanh Bình khẳng định, điều này rất cần thiết để bảo đảm việc giải quyết tranh chấp được thực hiện nhanh chóng, chính xác, công bằng, nhất là đối với trường hợp tổ chức xã hội yêu cầu cung cấp và việc yêu cầu cung cấp các thông tin bí mật.

Tại khoản 2, Điều 62 về nguyên tắc thực hiện hòa giải, quy định tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải và các bên tham gia hòa giải phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến việc hoà giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Góp ý về nội dung này, dự thảo luật đã bỏ quy định tại khoản 1, Điều 6 luật hiện hành về “Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng” mà không có giải trình người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Về việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng, Luật sư Phạm Thanh Bình cho biết, khác với 3 phương thức giải quyết tranh chấp còn lại đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng thương lượng gần như chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, việc quy định trong dự thảo luật trong lần sửa đổi lần này là rất cần thiết và đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng, hợp lý.

Về việc quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo luật đưa ra quy định mới đối với các trường hợp giải quyết theo thủ tục rút gọn là rất hợp lý. Bên cạnh đó, quy định về “Án phí, lệ phí Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” của Dự thảo đã đưa ra quy định mới là “Tổ chức xã hội đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án”. Điều này có ý nghĩa rất thiết thực, thúc đẩy mạnh mẽ việc khởi kiện của tổ chức xã hội để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng./.

Lan Hương