CÂN NHẮC BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ TRƯỜNG HỢP ĐẶC THÙ CẦN CHỈ ĐỊNH THẦU

16/03/2023

Tham gia đóng góp ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 21, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng có thể cân nhắc nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc "về các trường hợp đặc thù cần chỉ định thầu do Quốc hội quyết định" để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 15/3: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 21 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật, bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 100 điều. Trong đó, bỏ 4 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi nội dung 55 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường

Tại Phiên họp thứ 21 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 dự thảo Luật theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với: “gói thầu tái định cư” tại điểm g khoản 1, “gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội”. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu tại điểm k khoản 1 của Điều 23 của dự thảo Luật chỉnh lý và để bảo đảm tính linh hoạt, bổ sung tại điểm này quy định “Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Chính  phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.

Bên cạnh đó, đối với vấn đề lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 31, Điều 32 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét luật hóa Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, các trường hợp quy định tại Quyết định số 17/2019 rất cụ thể, không thể luật hóa vì sẽ không bao quát hết. Do đó, khoản 3 Điều 31 tiếp tục giao Chính phủ quy định cụ thể trên cơ sở căn cứ các điều kiện đã quy định trong dự thảo Luật.

Toàn cảnh phiên họp

Do còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc trường hợp nào thật sự cần thiết thì có thể bổ sung vào hình thức lựa chọn nhà thầu và tiến tới bỏ các quy định về “trường hợp đặc biệt” để bảo đảm sự rõ ràng minh bạch. Trong trường hợp vẫn duy trì quy định về “trường hợp đặc biệt”, đề nghị quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định, hoặc giao trực tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm và bỏ trường hợp “Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương”.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi); đồng thời bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo. Về khái niệm vốn nhà nước liên quan đến nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng bày tỏ nhất trí với phương hướng Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề xuất, coi phần nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập là vốn Nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Quy định này cũng phù hợp với Luật Đầu tư công hiện nay đang điều chỉnh.

Về vấn đề rà soát, thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu tại Điều 23 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng nhất trí với phương án đã tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, dự thảo Luật đã rà soát, thu hẹp phạm vi các trường hợp được chỉ định thầu, luật hóa một số quy định của Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu; bổ sung thêm quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đối với một số trường hợp cần phải điều chỉnh hạn mức theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, trong một số trường hợp đối với các dự án quan trọng quốc gia có những yếu tố đặc thù cần phải có những quy định chỉ định thầu khác luật. Bên cạnh đó, hiện nay, trong một số Nghị quyết của Quốc hội cũng đã cho phép thực hiện khác quy định của Luật Đấu thầu. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng có thể cân nhắc nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về các trường hợp đặc thù cần chỉ định thầu do Quốc hội quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, cần xử lý nội dung này đảm bảo đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đấu thầu chỉ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu đối với các dự án có sử dụng đất. Còn trường hợp nào cần đấu thầu đối với dự án có sử dụng đất và điều kiện áp dụng khu đất cần phải áp dụng đấu thầu sẽ do Luật Đất đai quy định, như vậy sẽ rành mạch phạm vi điều chỉnh. Đối với quy định về đấu thầu trước tại Điều 43 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi sẽ có tác động rất lớn và làm giảm tính chủ động của doanh nghiệp cũng như giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Mặt khác, trong thực tiễn hiện nay, các quá trình tổ chức đấu thầu của gói thầu mua sắm hàng hóa xây lắp hoặc hỗn hợp tại các địa phương có tình trạng đơn vị mời thầu không nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa, bởi đây là điều cấm ở trong Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, mô tả lại rất chi tiết về các yếu tố thông số kỹ thuật của các gói thầu, thông số, đặc điểm hàng hóa. Thực tế, đây là một hình thức chỉ định hàng hóa, mặc dù không nêu tên nhưng với cách miêu tả rất cụ thể như vậy thì chỉ một số rất ít những công ty mới đáp ứng được. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu rõ, đây là một sơ hở, nếu không khắc phục có thể dẫn đến bị lạm dụng để tham nhũng, tiêu cực. Do đó, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã đề nghị cần phải nghiên cứu có quy định phù hợp để xử lý vấn đề này trong Luật Đấu thầu, tuy nhiên, hiện nay vấn đề này chưa được xử lý trong dự thảo Luật. Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đề nghị Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và có quy định phù hợp./.

Minh Thành

Các bài viết khác