Phiên họp thứ 21 (ngày 15/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 05 điều. Việc sửa đổi luật lần này nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia;…
Theo PGS.TS Hoàng Thu Hương, Viện Khoa học công nghệ và môi trường, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thì tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên môi trường cũng diễn ra phức tạp, có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững. Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước sạch đã giảm đáng kể, tình trạng sử dụng nước không hợp lý mà lý do chủ yếu lại đến từ hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người. Chính vì vậy, việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước đã trở thành nội dung quan trọng nhất trong Quản lý Tài nguyên nước. Do đó, PGS.TS Hoàng Thu Hương cho rằng, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 cần quan tâm tới việc phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Đánh giá Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã đề cập đến việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại (điều 43) tương đối đầy đủ, tuy nhiên để duy trì khai thác nước dưới đất, PGS.TS Hoàng Thu Hương kiến nghị, cần có điều khoản để bảo vệ việc bổ sung tự nhiên nước dưới đất, thu nước mưa trên bề mặt. hạn chế bê tông hóa hoàn toàn bề mặt, dẫn đến việc nước mưa không thể tiếp cận ngấm xuống mặt đất. Ngoài ra, PGS.TS. Hoàng Thu Hương cũng đề xuất vấn đề về tái sử dụng nước trong Luật sửa đổi, có quy định khuyến khích tái sử dụng nước;…
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu
Nhấn mạnh Việt Nam Việt Nam không phải là quốc gia khan hiếm về nước nhưng tài nguyên nước của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức và những thách thức này ngày càng lớn, PGS.TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.
PGS.TS Đào Trọng Tứ đưa ra khuyến nghị: cần có cách tiếp cận tổng hợp và phản ánh được những nguyên tắc Dublin -được thế giới công nhận. Đặc biệt nguyên tắc nước phải được xem là hàng hóa. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có nghĩa vụ tài chính và đóng góp công sức, kinh phí cho việc xây dựng công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Đồng thời, rà soát lại những vấn đề tồn tại trong tổ chức quản lý tài nguyên nước ở các cấp, như giảm sự chồng chéo trong các nhiệm vụ liên quan đến quản lý tài nguyên nước giữa các Bộ.
Bên cạnh đó, PGS.TS Đào Trọng Tứ cũng lưu ý cần: có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước đầu tư vốn vào việc phát triển tài nguyên nước; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để phát triển tài nguyên nước và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ; có chiến lược lâu dài nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên nước cho các bên liên quan bao gồm từ chính quyền các cấp địa phương, các nhà đầu tư, cộng đồng …
Cho rằng, Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước của các quốc gia thượng lưu, vì vậy, các chuyên gia cũng kiến nghị, cần có một chiến lược tăng cường hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong quản lý tài nguyên nước nói chung và các lưu vực sông liên quan quốc tế. Đồng thời, tham gia tích cực và đưa các sáng kiến về hợp tác bảo vệ, phát triển và quản lý tài nguyên nước cho phát triển bền vững tại các diễn đàn hợp tác khu vực (ASIAN, LMC, LMCT, WWF, SEA WWF …).
Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sau khi được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến sẽ được cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây (20/5)./.