Số lượng các vụ án hành chính có xu hướng tăng
Theo báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cáo, trong 5 năm qua (từ 2018-2022), các Tòa án đã thụ lý 38.783 vụ; đã giải quyết, xét xử được 35.561 vụ. Số liệu thống kê qua các năm cho thấy, số lượng các vụ án hành chính có xu hướng tăng dần qua các năm với tính chất các vụ án ngày càng phức tạp. Quá trình giải quyết, các Tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; khắc phục việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật; tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết để nâng cao tỷ lệ các vụ án được đối thoại thành, góp phần giải quyết triệt để các tranh chấp làm phát sinh kiếu kiện các vụ án hành chính….
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 11.746 vụ; đã giải quyết, xét xử được 8.524 vụ (so với năm 2021, thụ lý tăng 1.018 vụ; đã giải quyết, xét xử tăng 2.831 vụ); đạt tỷ lệ 72,6%; vượt 12,6% so với chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.
Có hay không tâm lý nể nang, né tránh,..
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nêu câu hỏi chất vấn
Đặt vấn đề tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, phải chăng còn có lý do là tâm lý của một bộ phận thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm còn có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong giải quyết? Bởi vì bên bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính, giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này?
Cùng mối quan tâm, từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nêu thực trạng, số vụ án hành chính được đưa ra xét xử là 8.524/11.746 vụ việc, đạt tỷ lệ 72,6%. Tỷ lệ đưa ra xét xử của án hành chính rất thấp so với các loại án khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết nguyên nhân vì sao tỷ lệ án hành chính lại xét xử thấp và giải pháp trong thời gian tới?
Án hành chính còn nhiều tồn tại
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn thừa nhận, án hành chính hiện nay còn rất nhiều tồn tại, tỷ lệ thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội. Năm 2022 tỷ lệ xét xử án hành chính với nỗ lực của tòa án đã đạt so với yêu cầu của Quốc hội, có tăng nhưng không nhiều, vượt 12%.
Cho biết về những tồn tại, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ rõ: (1) Tỷ lệ xử thấp; (2) Tỷ lệ hủy, sửa nhiều hơn các án khác, trong khi Quốc hội cho phép hủy, sửa là 1,5% thì án hành chính lên đến 4%, cao hơn yêu cầu của Quốc hội; (3) Án hành chính không được thực thi, có bản án rồi nhưng Ủy ban nhân dân các cấp không thi hành nghiêm túc, gây bức xúc cho người dân.
Trong lĩnh vực tòa án, trách nhiệm trả lời chính thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình
Việc nể nang không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy, sửa cao
Làm rõ vấn đề đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu “có hay không tâm lý nể nang, né tránh,..”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, khi xét xử các thẩm phán xét xử các vụ án của Ủy ban nhân dân cùng cấp cũng có câu chuyện nể nang, nhưng tỷ lệ không nhiều. Tuyệt đại đa số các thẩm phán đều phát huy bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và xét xử vụ án hành chính nghiêm túc. Tuy nhiên, việc nể nang cũng có chứ không phải không có.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc nể nang không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy, sửa cao. Tỷ lệ hủy, sửa cao có những nguyên nhân chủ yếu như: (1)Việc cung cấp tài liệu của Ủy ban nhân dân các cấp cho người dân không đầy đủ. Đối với án hành chính việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không đủ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử; (2)Sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến án hành chính bị hủy, sửa và chậm được khắc phục;…
Khó khăn, vướng mắc trong thu thập các tài liệu, chứng cứ
Bày tỏ băn khoăn về khó khăn, vướng mắc trong thu thập các tài liệu, chứng cứ đối với vụ án hành chính, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm rõ khó khăn, vướng mắc nêu trên thuộc về cơ quan nào? Ngành tòa án có giải pháp gì để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên?
Đối với vấn đề đại biểu nêu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo quy định Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm phải cung cấp tài liệu cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cung cấp tài liệu của Ủy ban nhân dân các cấp cho người dân lại không đầy đủ. Trong khi đó, đối với án hành chính việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không đủ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Nếu các bên chuẩn bị không đầy đủ thì trên cơ sở các tài liệu như vậy có thể sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.
Về giải pháp, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật, tham gia đối thoại đầy đủ, tham gia cung cấp chứng cứ, tài liệu cho người dân, nhất là những tài liệu về đất đai. Bên cạnh đó, về phía tòa án một mặt nâng cao năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán, mặt khác là có giải pháp đột phá tăng cường xét xử các vụ án hành chính thông qua xét xử trực tuyến. Với việc xét xử trực tuyến các Chủ tịch Ủy ban nhân dân đỡ phải ra tòa, có thể ngồi tại cơ quan. Giải pháp trực tuyến cũng được xem là một kênh để chúng ta nâng cao tỷ lệ xét xử các các vụ án.
Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn
Nêu giải pháp khắc phục tồn tại, nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, vào tháng 02/2023 vừa qua, Tòa án nhân dân đã tổ chức Hội nghị với thành phần tham dự gồm Chánh án Tòa án 04 cấp để tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Trên cơ sở tổng kết 05 năm thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và căn cứ vào nhiệm vụ của các Tòa án trong thời gian tới, Hội nghị đã thống nhất các giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử của các Tòa án trong thời gian tới. Cụ thể đối với các vụ án hành chinh: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; chú trọng đào tạo lại, thường xuyên bồi dưỡng về nghiệp vụ giải quyết án hành chính cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án; Thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, giải đáp vướng mắc trong các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn xét xử các vụ án hành chính.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong Tòa án các cấp; khắc phục triệt để tình trạng Thẩm phán nể nang, ngại va chạm khi giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Tăng cường bố trí, phân công Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký có năng lực, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm thực tiễn xét xử để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết.
Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Tố tụng hành chính có vướng mắc trong thực tiễn áp dụng; tăng cường nghiên cứu, lựa chọn, phát triển án lệ trong lĩnh vực hành chính. Triển khai tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính 2015; qua tổng kết, nếu có đủ cơ sở đề nghị sửa đổi, bổ sung sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh./.