ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ - TIỂU HỌC VỪ A DÍNH, TỈNH ĐẮK NÔNG

23/03/2023

Sáng 23/3, tiếp tục chương trình giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc.

THẬN TRỌNG ĐỂ ĐẠT THÀNH QUẢ VỮNG CHẮC


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu

Trường Tiểu học Vừ A Dính được thành lập theo Quyết định số 205/QĐ-UB ngày 29.12.2003 của UBND huyện Đắk Nông. Nhà trường đóng tại địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn; học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn với đa số là người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào; đường đi học xa xôi, cách trở và nguy hiểm; cha mẹ ít đầu tư cho con học hành... Do đó, từ đầu năm 2015, nhà trường đã mạnh dạn xây dựng đề án và tham mưu UBND huyện Đắk Glong cho chuyển đổi mô hình trường học bán trú để tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh. Từ ngày 29.12.2015, Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính được thành lập theo quyết định của UBND huyện Đắk Glong. 

Báo cáo với Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính Vũ Tiến Tiệp cho biết, trường có 1.267 học sinh, trong đó 94,08% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện nay là 58 người. Đến thời điểm hiện tại, trường đã tiến hành giảng dạy đúng tiến độ, đáp ứng các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, với đặc thù là trường vùng sâu vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhà trường luôn gặp khó khăn trong công tác giáo dục nói chung và việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng.


Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức phát biểu 

Đa số học sinh gặp khó khăn trong việc đọc, viết môn tiếng Việt lớp 1. Nhờ sự linh hoạt chủ động của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã có những biện pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ như: chọn giáo viên nhiều kinh nghiệm hoặc ở học kỳ I năm lớp 1 có thể chưa học các môn học khác để tăng cường tiếng Việt cho trẻ, sau đó mới dạy các môn học khác khi trẻ đã đọc thông viết thạo... 

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là khối lượng các bộ sách giáo khoa nhiều, cần nhiều thời gian đọc, nghiên cứu kỹ sách để không chọn cảm tính hay chịu tác động bởi các yếu tố khác. Việc để từng giáo viên đọc hết cả bộ sách rồi viết phiếu nhận xét, đánh giá từng cuốn sách sẽ dẫn đến hiệu quả không cao. Đa số các bậc cha mẹ học sinh là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, khả năng sử dụng tiếng phổ thông chưa thành thạo nên chưa có sự hỗ trợ tích cực đối với nhà trường trong công tác lựa chọn sách giáo khoa.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa hướng dẫn các em học sinh học chương trình mới

Học sinh của nhà trường đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số; năng lực sử dụng tiếng phổ thông còn hạn chế, năng lực giao tiếp, tương tác còn chậm so với các trường ở vùng thuận lợi nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đối tượng học sinh của nhà trường.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính kiến nghị, để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần có cơ chế để hạ giá bán sách giáo khoa cho các hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ thời gian học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số ở trong trường Mẫu giáo, Mầm non trước khi vào lớp 1; giảm tỷ lệ học sinh/ lớp đối với các trường vùng miền núi và Tây Nguyên, ở những trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, đề xuất 25 học sinh/lớp.


Đoàn giám sát dự thính tiết học môn Toán tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Vừ A Dính đã tiếp cận, triển khai chương trình mới nhanh chóng và đạt được những kết quả bước đầu. Trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, các thầy cô giáo đã vượt khó vươn lên. Các kiến nghị, đề xuất của các thầy cô về những vước mắc trong quá trình triển khai chương trình giáo dục mới sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác