MỘT SỐ NÉT TƯƠNG ĐỒNG GIỮA HOẠT ĐỘNG "ĐIỀU TRẦN" TẠI NGHỊ VIỆN VÀ "GIẢI TRÌNH" Ở QUỐC HỘI

30/03/2023

Một trong những công cụ hữu hiệu được các ủy ban của nghị viện sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ là tổ chức phiên điều trần. Ở Việt Nam, thuật ngữ “điều trần” chưa được sử dụng chính thức trong các văn bản pháp luật mà thay vào đó là thuật ngữ “giải trình”. Về bản chất, giữa hoạt động “điều trần” tại ủy ban của nghị viện các nước trên thế giới có nhiều điểm tương đồng với hoạt động “giải trình” tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam.

TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

PHÁT HUY HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

Hoạt động điều trần tại ủy ban nghị viện mang lại nhiều lợi ích, góp phần tăng cường chất lượng của quá trình ra quyết định

Điều trần tại Ủy ban nghị viện các nước trên thế giới

 Một trong những công cụ hữu hiệu được các ủy ban của nghị viện sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ là tổ chức phiên điều trần. Đây là cơ chế chính thức để các ủy ban có thể thu thập thông tin về những vấn đề chính sách từ các cơ quan thuộc chính phủ, các chuyên gia từ bên ngoài, các tổ chức dân sự, các đối tượng có liên quan khác… nhằm mục đích tăng cường chất lượng của quá trình ra quyết định.

Nghĩa gốc tiếng Anh của điều trần là “nghe” (hearings). Ủy ban của Quốc hội “nghe” tất cả các bên liên quan cung cấp thông tin, lập luận, chứng cứ về một vấn đề trong giám sát, trong lập pháp, để làm sáng tỏ hơn vấn đề đó. Điều trần là trình bày chính thức trước cơ quan đại diện nhà nước để giải thích, biện bạch … về vấn đề nào đó mà mình chịu trách nhiệm.

Thực tiễn hoạt động của nghị viện ở các nước trên thế giới cho thấy, điều trần là phiên họp của Ủy ban nghị viện (thường là mở công khai) để thu thập thông tin và ý kiến về một dự luật nào đó, hoặc để tiến hành điều tra về một vấn đề thời sự nào đó, hoặc để giám sát, đánh giá hoạt động của Chính phủ hoặc việc thực thi pháp luật. Trong một số trường hợp, điều trần hoàn toàn mang tính chất giải thích, cung cấp những chứng cứ hoặc số liệu về một vấn đề đang diễn ra. Các chuyên gia nghiên cứu đã khái quát thành 4 loại điều trần cơ bản như sau: Điều trần lập pháp; Điều trần giám sát; Điều trần điều tra; Điều trần thông báo.

Phần lớn nghị viện các nước đều quy định việc điều trần là để thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban, nói cách khác, điều trần được xem là một công cụ để thực hiện các nhiệm vụ mà Ủy ban được giao, không giới hạn đó là nhiệm vụ lập pháp hay giám sát. Ví dụ, Điểm d, Khoản 4, Điều 37 Nội quy Hạ nghị viện Cộng hòa Indonesia quy định các Ủy ban có thể tổ chức các cuộc điều trần công khai để thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban. Điều 76, Điều 77, Nội quy của Hạ nghị viện Nhật Bản ghi nhận một Ủy ban có thể tiến hành hoạt động điều trần công khai để xem xét các giải pháp được chuyển tới Ủy ban mình hoặc để thực hiện các nghiên cứu sơ Bộ theo sáng kiến của mình.

Hoạt động điều trần tại ủy ban nghị viện mang lại nhiều lợi ích khác nhau, như: Thu thập thông tin đầy đủ, nhiều chiều về những vấn đề chính sách, phục vụ các hoạt động như thẩm tra các dự án luật, giám sát các chính sách và hoạt động của Chính phủ; Thông qua các phiên điều trần, các ủy ban giúp xoa dịu, dung hòa, giải tỏa tình trạng căng thẳng trong đời sống chính trị. Hoạt động điều trần có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện cho công dân, các tổ chức trong xã hội vốn lâu nay có nhiều điều bức xúc được lên tiếng; Tạo diễn đàn cho các thành viên của cơ quan đại diện và cá nhân có thẩm quyền trong Bộ máy hành pháp trao đổi, thảo luận về những vấn đề mà dư luận quan tâm;…

Bên cạnh đó, điều trần là một hình thức để cơ quan lập pháp thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của hành pháp. Để đánh giá việc chấp hành, thực hiện các kiến nghị giám sát thì trước hết, các Ủy ban – chủ thể tiến hành các hoạt động giám sát đơn lẻ hoặc các cơ quan giúp việc được phân công cần theo dõi sát sao việc triển khai thực hiện các kiến nghị của các đối tượng giám sát. Hoạt động điều trần tại các Ủy ban của nghị viện với tính chất đặc trưng là công khai, minh bạch có ý nghĩa quan trọng, thiết thực là hình thức để cơ quan lập pháp thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành pháp.

Chủ thể của điều trần là tất cả các Ủy ban của Quốc hội, bao gồm: Ủy ban thường trực; Ủy ban lâm thời; Ủy ban điều tra; Ủy ban nghiên cứu. Đối tượng được các ủy ban xác định lắng nghe phụ thuộc vào các nội dung của cuộc điều trần. Nhìn chung, ở các nước có ghi nhận hoạt động điều trần của ủy ban thì đối tượng được lắng nghe chủ yếu là những người có quyền, lợi ích liên quan đến nội dung của dự thảo luật hoặc vấn đề đang được ủy ban xem xét, hoặc những người có kiến thức chuyên môn sâu về vấn đề đó.

Nghị viện ở các nước khác nhau có thể lựa chọn những người được mời tham dự phiên họp điều trần theo các phương thức khác nhau. Một số nghị viện chọn những người đã có kiến nghị gửi đến trước cho nghị viện được tham dự và phát biểu tại các phiên điều trần (như ở Malaysia), trong khi một số nghị viện sử dụng cách thức thông báo và lựa chọn những người dân có quan tâm và đã đăng ký tham dự (như ở Philippines).

Phiên họp điều trần của các Ủy ban thường được tiến hành với các thủ tục tương tự phiên họp chính thức của Ủy ban. Tuy nhiên, do tính chất của phiên họp điều trần chủ yếu là để thu thập thông tin nên thủ tục tiến hành phiên họp cũng được thực hiện một cách linh hoạt và đơn giản hơn.

Các nội dung được tiến hành điều trần rất phong phú, đa dạng và thường liên quan trực tiếp đến các nội dung công việc mà các ủy ban được giao thực hiện và bắt buộc trong một số trường hợp: Liên quan đến ngân sách hoặc có tác động làm giảm nguồn thu ngân sách; Khi đã nhận được các kiến nghị của cử tri.

Hệ quả pháp lý của điều trần không “nặng nề”, bởi từ những tranh luận công khai, ý tưởng lập pháp hoặc các giải pháp quản lý, điều hành của Chính phủ, các Bộ sẽ dần được hoàn thiện, và hệ quả sẽ là một phương án mới được lựa chọn cho tương lai.

Các thông tin thu nhận được trong các cuộc điều trần sẽ phục vụ cho các hoạt động của ủy ban. Chẳng hạn, các thông tin điều trần đối với các bên liên quan trong một dự án luật sẽ được ủy ban sử dụng trong việc thẩm tra dự án luật đó. Vì vậy, có thể nói kết quả của các cuộc điều trần thường được sử dụng trong các báo cáo chính thức của ủy ban trước nghị viện về những vấn đề mà mình được giao xem xét.

Hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam

Ở Việt Nam, thuật ngữ “điều trần” chưa được sử dụng chính thức trong các văn bản pháp luật mà thay vào đó là thuật ngữ “giải trình”. Về bản chất, giữa hoạt động “điều trần” tại ủy ban của nghị viện các nước trên thế giới có nhiều điểm tương đồng với hoạt động “giải trình” tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam đã có những nỗ lực để đổi mới cơ cấu tổ chức, thẩm quyền và phương thức hoạt động của Ủy ban trong thời gian gần đây và thể hiện tập trung nhất là trong Luật tổ chức Quốc hội hiện hành. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều trần chỉ mới được sử dụng dưới góc độ nghiên cứu mà chưa được sử dụng chính thức. Hiến pháp mới năm 2013 đã dành hẳn một điều (Điều 77) để quy định về quyền của Hội đồng dân tộc và các ủy ban trong việc yêu cầu các chủ thể có liên quan báo cáo, giải trình và cung cấp tài liệu: “Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó”.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp mới, Luật tổ chức Quốc hội đã quy định về giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại Điều 82. Theo đó, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và cá nhân hữu quan giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách. Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm báo cáo, giải trình tại phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phải kết luận về vấn đề được giải trình. Kết luận của Hội đồng, Ủy ban được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Thực tế trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam đã tổ chức các phiên giải trình đối với các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và đã nhận được phản hồi tích cực từ phía cử tri cả nước.

Các phiên giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam thời gian qua đã có nhiều nét tương đồng, tiệm cận với các yếu tố cơ bản của một phiên điều trần phổ quát ở nghị viện các nước trên thế giới. Cụ thể, các phiên giải trình được tổ chức nhằm thu thập thông tin nhiều chiều về vấn đề đang xem xét. Các chủ thể và đối tượng tham gia, ngoài lãnh đạo các ủy ban, đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ ngành có liên quan, còn có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp, và đại diện cộng đồng dân cư. Phiên giải trình được tổ chức công khai, để chủ yếu bàn về những vấn đề chính sách, theo thủ tục của một phiên họp ủy ban.

Bên cạnh đó, các vấn đề được lựa chọn để tiến hành giải trình trong thời gian qua cũng chính là những vấn đề được xã hội hết sức quan tâm. Việc lựa chọn đúng vấn đề để giải trình mang lại nhiều ý nghĩa. Một là giải trình sẽ hối thúc các Bộ ngành tích cực, nỗ lực hơn trong việc giải quyết vấn đề đặt ra. Hai là giải trình giúp chính các Bộ ngành có thêm thông tin, giải pháp để tháo gỡ vấn đề đang đặt ra. Ba là giải trình giúp tháo gỡ những bức xúc trong xã hội về vấn đề được giải trình.

Ngoài ra, giải trình giúp tăng hiệu quả hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban. Thông qua giải trình, các cơ quan của Quốc hội nắm thêm được những thông tin cần thiết liên quan đến những vấn đề mà ủy ban đang xem xét để từ đó đề ra những giải pháp nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát hoặc nâng cao chất lượng các giải pháp lập pháp được đề xuất. Mặt khác, thông qua điều trần, các cơ quan của Quốc hội cũng hiểu rõ hơn những vấn đề mà các Bộ, ngành có liên quan gặp phải. Điều này giúp cho  các cơ quan của Quốc hội cùng các Bộ, ngành tìm tiếng nói chung nhằm giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Thông qua các phiên giải trình cho thấy nhu cầu tiến hành nghiên cứu sâu hơn để có cái nhìn toàn diện về vấn đề qua việc trao đổi với các bên liên quan. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng quá trình tìm hiểu công khai một vấn đề là rất cần thiết, nó cho thấy giải trình trở thành một bộ phận không thể tách rời đối với các hoạt động khác của Quốc hội nhằm tìm hiểu vấn đề và đề xuất các giải pháp xử lý.

Với đặc thù riêng, các phiên giải trình tạo diễn đàn phù hợp để tiếp nhận thông tin từ các công dân, các nhà chuyên môn và giới báo chí. Rõ ràng những thông tin này có giá trị cho tất cả các thành viên của Ủy ban trực tiếp tham dự phiên giải trình. Thông qua kết quả của phiên giải trình, các thành viên còn lại cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn với những thông tin nhận được từ những đại biểu Quốc hội có kinh nghiệm về lĩnh vực mà Quốc hội đang xem xét thông qua, các quyết định của Quốc hội sẽ phù hợp hơn với yêu cầu thực tế và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.

Như vậy, từ việc các phiên giải trình thực hiện tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thời gian qua cho thấy, Quốc hội nước ta đã và đang tiến hành đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh./.

Lê Anh