CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT HOÀNG THANH TÙNG: XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

31/03/2023

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, các đại biểu cơ ban tán thành với các đề xuất của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội về các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đưa vào chương trình.

ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 13: THẨM TRA CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2023

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Pháp luật

Tại phiên họp, các đại biểu nghe Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đề nghị xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); các Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; Tờ trình của Chính phủ về đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năn 2023. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ưu tiên đề xuất vào Chương trình các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác tư pháp, pháp luật; các yêu cầu, đề nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2023 và 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

Theo các tờ trình, các cơ quan đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 là 13 dự án, gồm 11 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 1 dự thảo nghị quyết. Tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đề nghị bổ sung 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh được đề xuất trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Thủ đô (sửa đổi);  Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình 18 dự án luật. 

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ cũng như của các cơ quan Trung ương và đại biểu Quốc hội đã có tờ trình về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023. Các ý kiến cũng cơ bản tán thành với những đánh giá về tình hình triển khai chương trình của năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cơ bản thống nhất với các nguyên tắc lập chương trình mà Chính phủ đề xuất, những giải pháp đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng, kỷ luật, kỷ cương trong việc triển khai thực hiện Chương trình.

Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, xuất phát từ thực tế của địa phương nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất đưa dự án Luật này vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đỗ Thị Việt Hà – đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Đỗ Thị Việt Hà – đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nêu rõ Luật Đấu giá tài sản được ban hành từ năm 2016, đến thời điểm hiện nay đã gần 6 năm thi hành luật. Qua thực tiễn công tác tại địa phương, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho biết,  thực tiễn thi hành luật đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập mà một trong những nguyên nhân chính là từ chính sách, quy định của Luật Đấu giá tài sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành.

Do đó, qua nghiên cứu hồ sơ trình của Chính phủ đối với dự án này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà bày tỏ đồng tình cao với các nội dung đã được thể hiện trong hồ sơ trình, đặc biệt là về sự cần thiết phải sửa đổi luật, các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh thực tiễn hoạt động đấu giá ở các địa phương hiện rất vướng đòi hỏi phải sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, xuất phát từ tính chất của hoạt động đấu giá tài sản nhất là đấu giá tài sản công là một trong những lĩnh vực dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực, tham nhũng và gây thất thoát lớn cho tài sản của Nhà nước. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Cùng quan điểm, dẫn chứng từ việc tổ chức đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cũng đề xuất cần sớm sửa đổi Luật Đấu giá tài sản nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh chỉ rõ, liên quan tới việc đấu giá 4 lô đất của Thủ Thiêm, rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đấu giá tài sản. Các cơ quan, các địa phương đều rất mong đợi sớm sửa đổi Luật này. Việc hoàn thiện các quy định về đấu giá tài sản để khắc phục những bất cập, bảo đảm cho việc đấu giá tài sản chặt chẽ và có được một hành lang pháp lý an toàn bảo vệ những người làm công tác này.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành đối với các đề nghị xây dựng luật của các cơ quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy lưu ý đến yêu cầu bảo đảm cơ cấu hợp lý và tính khả thi của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, cần phải cân đối về số lượng các dự án được trình trong mỗi kỳ họp Quốc hội, tính đến khả năng của các cơ quan của Quốc hội, áp lực đối với đại biểu Quốc hội khi phải xem xét, cho ý kiến thảo luận về số lượng lớn các dự án luật trong thời gian gấp gáp. Do đó, cần cân đối thời gian trình các dự án bảo đảm cho các đại biểu Quốc hội tiếp cận được hồ sơ, tài liệu để có đủ quỹ thời gian nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến một cách chất lượng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy

Giải trình làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Ủy ban Pháp luật tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 như Chính phủ đã đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản hiện nay là rất cần thiết nhằm thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhiều các văn bản tài liệu khác nhau để xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tế nhất là việc bán đấu giá tài sản công.

Hơn nữa, ở một số lĩnh vực đặc thù như bán đấu giá tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản và quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư…cũng cần được quy định trong luật. Hiện nay các dự án luật đang trong quá trình sửa đổi như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi) đặt ra hàng loạt các vấn đề có liên quan, đòi hỏi Luật Đấu giá tài sản cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật.

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội và Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết yêu cầu về công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là rất lớn. Tính đến thời điểm này, trong 137 nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong Đề án định hướng theo Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi đã bổ sung các dự án, nếu theo đề nghị của các cơ quan vào Chương trình năm 2024 và điều chỉnh Chương trình 2023 thì vẫn còn 66 nhiệm vụ lập pháp cần phải tiếp tục xử lý, nghiên cứu, rà soát. Do đó, áp lực về yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn là rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan trình để đẩy nhanh tiến độ trình các dự án, đảm bảo thời hạn và từ phía các cơ quan của Quốc hội cũng phải có đổi mới để có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc xem xét để quyết định bổ sung nội dung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng, khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, tinh thần chung về yêu cầu xây dựng pháp luật là phải cố gắng để phúc đáp yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cần có sự điều chỉnh bằng pháp luật và khắc phục những bất cập, hạn chế./.

Bảo Yến