DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) THỂ CHẾ HÓA ĐƯỢC TINH THẦN CỐT LÕI CỦA CÁC NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW, 19-NQ/TW, 20-NQ/TW

03/04/2023

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi), GS.TS Trần Đức Viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hy vọng những bất cập, vướng mắc và tồn tại trong luật hiện hành sẽ được giải quyết căn bản, tạo nền tảng cho công tác quản lý đất đai hiệu quả, bền vững. Muốn vậy, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần thể hóa hóa các tinh thần cốt lõi của các Nghị quyết số: 18-NQ/TW, 19-NQ/TW, 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, ban hành ngày 16/6/2022, nhất là Nghị quyết số Nghị quyết số 18-NQ/TW.

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: LÀM RÕ TIÊU CHÍ NGƯỜI CÓ ĐẤT BỊ THU HỒI CÓ CUỘC SỐNG BẰNG HOẶC TỐT HƠN NƠI Ở CŨ

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): ĐẢM BẢO QUYỀN THỪA KẾ VÀ QUYỀN KHIẾU NẠI CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ “…tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh…, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”; trong các nguồn lực để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, đất đai là một trong các nguồn lực quan trọng bậc nhất.

 GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần thể hóa hóa cho được các tinh thần cốt lõi của các Nghị quyết số: 18-NQ/TW, 19-NQ/TW, 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.

Theo GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với các quốc gia phát triển lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ nông nghiệp, nhất là từ một nền kinh tế tiểu nông là căn bản, thì nguồn lực đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng, vì đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất ra nông sản hàng hóa, mà còn là nguồn lực tài chính, là “nguồn lực kép”. Vì thế, chính sách về đất đai luôn là nền tảng trong việc hoạch định chính sách phát triển của các quốc gia, đồng thời cũng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các tầng lớp dân cư, có vai trò rất quan trọng đến sự hưng thịnh hay sự suy tàn của một thể chế.  

Thực tiễn quản lý nhà nước những năm qua cho thấy, có đến 80% khiếu nại, tố cáo của công dân, tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà đất, trong đó về đất đai chiếm đến 70%; 75% các vụ án đã được xét xử có liên quan đến đất đai. Những con số này cho thấy các bức xúc xã hội không thuộc về nhận thức của người sử dụng đất (nông dân, doanh nghiệp…), các vướng mắc chính trong công tác quản lý đất đai ở nước ta hiện nay chủ yếu là do nhận thức trong chính sách quản lý nhà nước về đất đai chưa được đồng nhất; lý lẽ thiết chế quyền sở hữu đất đai chưa đủ sức thuyết phục; chế độ giao quyền sử dụng đất chưa được hoàn chỉnh; giá trị kinh tế đất đai chưa được xác định đúng; phân loại đất đai còn bất cập; quản lý đất đai còn lỏng lẻo, lãng phí…

GS.TS Trần Đức Viên hy vọng, những bất cập, vướng mắc và tồn tại trong thi hành Luật Đất đai năm 2013 sẽ được giải quyết căn bản trong lần sửa đổi này để tạo nền tảng cho công cuộc quản lý đất đai hiệu quả và bền vững, tạo lập nên sức mạnh vật chất to lớn, mang lại giàu có cho đất nước, yên bình cho xã hội, ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân. Muốn vậy, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần thể hóa hóa cho được các tinh thần cốt lõi của các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, ban hành ngày 16/6/2022, nhất là Nghị quyết số Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Luật Đất đai cần mang lại yên bình và giàu có cho người nông dân cùng nguồn lực tài chính to lớn cho nhà nước.

Ở góc độ ‘người hưởng lợi’ là nông dân, GS.TS Trần Đức Viên đề xuất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần Mang lại yên bình và giàu có cho người nông dân. Đất đai là vấn đề hệ trọng, khó và phức tạp, nên bất kỳ chính sách hay chủ trương, đường lối nào có liên quan đến đất đai đều phải là chính sách vì người nông dân, từ người nông dân, lấy dân làm gốc, nông dân là trung tâm, nông dân là chủ thể, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; đồng thời, củng cố và tăng cường khối liên minh công – nông.

Hiện nay, chính sách đất đai đang là trung tâm của các vấn đề trong xã hội nông thôn như sinh kế, các mâu thuẫn trong việc nông dân mất đất, nông dân chán ruộng (bỏ hoang đất, ly nông); và gia đình, làng xóm ly tán bất đắc dĩ vì nghèo khó và khốn cùng, không phải do nhu cầu tự thân của quá trinh phân công lại lao động xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Khi chuyển đổi đất, sinh kế của nông dân bị mất đi trước khi họ kịp chuẩn bị chuyển đổi nghề nghiệp mới. Đa số nông dân mất nghề nông khi mất đất, họ di chuyển đến các thành phố làm gia tăng áp lực về các vấn đề xã hội ở đô thị.

Vì thế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được soạn thảo với tâm thế vì quyền lợi của nông dân, số cử tri lớn nhất của đất nước, phản ánh tâm nguyện và mong mỏi của Nhân dân, trao quyền thực sự cho người dân, theo tinh thần “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” (Bác Hồ). Đồng thời, nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải phù hợp với quy luật, cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo khung pháp lý chi phối sự vận động của đất đai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Muốn có chính sách đúng về nông dân thì phải hiểu nông dân, muốn hiểu thì phải tìm hiểu và đối thoại. Chân lý sinh ra từ đối thoại, không đối thoại thì hoặc không tìm thấy chân lý, hoặc chân lý trở nên vô ích. Đây là những vấn đề quan trọng, mang tính cốt tử để có một chính sách đúng về đất đai với người nông dân, được nông dân và các tầng lớp khác trong xã hội đón nhận, GS.TS Trần Đức Viên nêu rõ.

Trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cũng cần mang lại nguồn lực tài chính to lớn cho nhà nước. Thế nhưng với các quy định hiện hành, nguồn lợi đất đai cũng chưa mang lại nguồn lực tài chính to lớn cho nhà nước. Việc vốn hóa đất đai chưa thành công nên nguồn thu từ đất rất ít, còn người bị thu hồi đất bị thiệt thòi.

Bên cạnh đó, GS.TS Trần Đức Viên nêu quan điểm, một chính sách không làm cho người dân, cho dù ít hiểu biết pháp luật nhất có được cảm nhận công lý thì chính sách đó khó được thực tiễn chấp nhận. Luật Đất đai (sửa đổi) phải là một căn cứ pháp lý quan trọng để góp phần hoàn thiện nhân cách con người, góp phần nhân văn hóa xã hội, và là một công cụ quan trọng cho sự hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và toàn diện hơn của đất nước. Đồng thời, các quy định của Luật cần giảm đến mức thấp nhất việc áp dụng các công cụ hành chính trong quản lý đất đai.

Cần một cách nhìn mới, cách tiếp cận mới về quy hoạch nông nghiệp, nông thôn.

Để thể chế hóa quan điểm trong Nghị quyết của Trung ương trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Trần Đức Viên cho rằng cần có một cách nhìn mới, cách tiếp cận mới về quy hoạch nông nghiệp, nông thôn. Không nên quy định cứng nhắc diện tích trồng lúa hay diện tích đất trồng lúa chất lượng cao để xuất khẩu.

Việc đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm bao gồm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm quốc gia không chỉ phụ thuộc vào diện tích đất trồng lúa mà phụ thuộc vào sự đa dạng hoá của các hệ thống sản xuất. Chỉ quy hoạch các vùng trồng lúa ở những nơi có ưu thế nhất về điều kiện tự nhiên và được đầu tư thoả đáng để trồng lúa có hiệu quả tương đương với các cây trồng khác, khuyến khích trồng lúa theo các thực hành sinh thái như lúa- cá, lúa-tôm, lúa -rươi, thậm chí VAC trên đất trồng lúa như Nông trường Sông Hậu trước đây. Đó chính là kinh tế tuần hoàn, đa giá trị trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường. 

Sản xuất lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn vệ an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc trước hết phục vụ tiêu dùng của gần 100 triệu dân Việt. Việc xuất khẩu gạo không phải là mục tiêu phát triển. Vì xuất khẩu gạo là xuất khẩu tài nguyên nước vốn đã rất có hạn; tăng sản xuất lúa gạo là gia tăng ô nhiễm môi trường. Việt Nam không có nghĩa vụ bảo đảm an ninh lương thực thế giới.

Ngoài ra, để nông thôn mang cảnh sắc nông thôn, GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị có thể quy hoạch phát triển nông thôn thành 3 khu vực chính:

Thứ nhất, các làng nông nghiệp cổ truyền phục vụ phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa, đa dạng sinh học; các làng này có thể ở ngay gần các khu đô thị (như Đường Lâm của Hà Nội) hay ở các vùng sâu vùng xa. Nguồn sống ở đây là kinh tế nông nghiệp và kinh tế du lịch.

Thứ hai, vùng chuyên canh nông nghiệp lớn với các thị trấn thị tứ, đây là các đô thị lõi trong vùng nguyên liệu, cung cấp nông sản cho các nhà máy chế biến và chế biến sâu.

Thứ ba, vùng đô thị nông thôn, phải là các đô thị xanh ở các vùng đông dân, với các kiểu nhà vườn kết hợp truyền thống và hiện đại, lao động phi nông nghiệp là chính.

Cả 3 vùng này đều mở rộng các không gian sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng, văn hóa, đậm nét vùng miền của các dân tộc anh em, đẩy mạnh hoạt động du lịch. Dân làng nào trong 3 khu vực ấy cũng có một vài sản phẩm nào đó để mà tự hào. Nếu có thể, thì sắp xếp lại các làng theo từng cụm với các nét tương đồng về văn hóa, phong tục, cảnh quan, nông sản… có hệ thống giao thông thuận tiện kết nối các làng lại với nhau tạo thành từng cụm làng, đây cũng là các cụm kinh tế, vùng nguyên liệu, cụm văn hóa, với xương sống là nông nghiệp và du lịch, có thị tứ thị trấn là “đô thị” của làng quê.

Quy định tường minh về điều kiện thu hồi đất.

GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị việc sửa đổi luật Đất đai cần quy định tường minh về điều kiện thu hồi đất và bộ nguyên tắc của việc giải tỏa, đền bù đất thu hồi, tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường. Trong đó, việc xác định giá đất khi giải toả, đền bù cần được quy định lại và làm rõ theo hướng: Nếu nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hàng năm và giá này phải sát với giá thị trường.

Nếu thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án, kể cả xây dựng các cơ sở sự nghiệp tư và trụ sở cơ quan nhà nước, hay cấp đất cho cán bộ xây nhà ở, hay các tổ chức kinh tế của quân đội, thì ngoài việc phải phù hợp quy hoạch và được cấp phép của cấp có thẩm quyền, phải bồi thường theo giá thị trường và thoả thuận với dân. Việc đền bù do chủ đầu tư trực tiếp làm, chính quyền tuyệt đối không được làm rồi giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư như từ trước đến nay chúng ta đã làm, gây ra nhiều hệ luỵ.

Thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất vì hiện nay có không ít trường hợp bị lạm dụng. Chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng (không phải kinh doanh của công ty quân đội) và phúc lợi công cộng (đường, kênh, cầu cống, công viên...). Bỏ giao đất cho khu kinh tế vì kinh doanh thì phải tính hết các chi phí theo giá thị trường. Bất bình trong dân vừa qua chủ yếu là giao đất vì lý do kinh tế, dễ bị tư bản thân hữu lợi dụng.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Trần Đức Viên cũng kiến nghị, để thể chế hóa tinh thần cốt lõi của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Trong đó, bên cạnh xây dựng thị trường “quyền sử dụng đất”, phải xây dựng và phát triển lao động và tín dụng nông nghiệp; Quy định về đánh thuế lũy tiến đối với đất phi nông nghiệp và bất động sản; Công nhận sự tồn tại và khuyến khích sự phát triển của thị trường mua bán “quyền sử dụng đất”; Không giới hạn quy mô tích tụ ruông đất Tạo điều kiện cho người dân có quyền tự do chuyển đổi mục đích sử dụng đất (theo mục đích chính/lớn); Kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp đủ dài, trên 90 năm, để khuyến khích chủ thể có quyền sử dụng đất đầu tư thâm canh, cải tạo đất, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng; đồng thời quy định rõ đất rừng tự nhiên cần được bảo vệ nghiêm ngặt và phải được khôi phục, tái sinh rừng tự nhiên.../.

Lan Hương