SỚM HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

04/04/2023

Ngày 04/4, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức hội thảo góp ý kiến hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.

TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO NGƯỜI DÂN HÀ TĨNH VỀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa, Nguyễn Mạnh Cường; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Phụ trách UNODC tại Việt Nam Nguyễn Nguyệt Minh; Giám đốc Ban Phòng, chống buôn bán người và nô lệ hiện đại, Bộ Tổng chưởng lý Australia Sophie Clarkson; đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội, bộ, ngành và chuyên gia. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, sau 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều tội danh, tội phạm mua bán người đã được phát hiện, xử lý; công tác tiếp nhận, xác minh nạn nhân được tiến hành nhanh chóng hơn; quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân ngày càng được bảo vệ, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân được các cấp, các ngành quan tâm, bảo đảm điều kiện tốt nhất hỗ trợ nạn nhân. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được tăng cường, qua đó góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tình hình mua bán người trên bình diện quốc tế và ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, gây bất an, lo lắng cho nhân dân, nhất là tình trạng lợi dụng chính sách đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài, cho - nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để lừa nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp. Việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số nơi còn chưa nghiêm; công tác phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người cũng như giải cứu, tiếp nhận, hồi hương nạn nhân, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, chưa đạt yêu cầu.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Kết quả khảo sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp tiến hành ở một số địa phương cho thấy, một trong những nguyên nhân của hạn chế nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người được ban hành đã lâu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; một số quy định chưa tương thích với pháp luật quốc tế gây khó khăn trong hợp tác quốc tế, xác định nạn nhân bị mua bán để áp dụng các biện pháp giải cứu, tiếp nhận; sự thiếu thống nhất giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống mua bán người gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý.

Các đại biểu tại hội thảo cũng lưu ý, tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã gặp nhiều khó khăn, kể cả đến khi đã có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng. Đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nạn nhân ở nước ngoài rất khó xác minh, chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai và tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân.

Toàn cảnh hội thảo

Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới, các đại biểu cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, một giải pháp trọng tâm, mang tính chiến lược là sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người, sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hỗ trợ vốn, giải quyết lao động, việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số để họ có khả năng tự bảo vệ, cảnh giác trước tội phạm mua bán người. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, lấy mục tiêu con người là trọng tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên các lĩnh vực như cư trú, nhân hộ khẩu, người nước ngoài, hoạt động du lịch, xuất khẩu lao động…

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)