LỰA CHỌN 4 CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT CHO NĂM 2024

11/04/2023

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 22, chiều 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Công bố kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát cho năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong năm 2024, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện 4 chuyên đề giám sát.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024 VÀ BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 22, chiều 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, các nhiệm vụ theo chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, các đoàn đại biểu Quốc hội bám sát chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và năm 2023 để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, được nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận.

Toàn cảnh phiên họp

Đối với dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề, tiếp đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề, trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội). Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 5 nội dung chuyên đề giám sát dưới đây:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/Quốc hội15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 4 trong số 5 chuyên đề nêu trên. Với 4 chuyên đề được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các đánh giá về hoạt động giám sát thời gian qua cần có tính khái quát sâu sắc hơn, trong đó nhấn mạnh việc bám sát các chỉ đạo, đề án ngay từ đầu khoá về tăng cường giám sát, coi đổi mới giám sát là khâu trọng tâm. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm xây dựng thể chế, pháp luật liên quan hoạt động giám sát, như đưa vào chương trình việc sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết liên quan công tác giám sát; lần đầu ban hành kế hoạch giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Quốc hội uỷ quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề cương, kế hoạch giám sát chuyên đề...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh các báo cáo thẩm tra chất lượng ngày càng được nâng cao, sắc sảo hơn và tính phản biện cao hơn. Các kết luận, kiến nghị từ giám sát đi vào thực chất hơn. Tiêu biểu như giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kèm theo phụ lục gửi các cơ quan được đánh giá rất cao khi rõ danh mục, địa chỉ, thời gian cụ thể. Hay giám sát về quy hoạch cũng gỡ nhiều chuyện, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu bức xúc hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị thẳng thắn chỉ rõ những mặt chưa được, như có lúc có nơi thực hiện giám sát còn hạn chế, tính phản biện chưa cao. Nhấn mạnh giá trị mang lại của hoạt động giám sát thể hiện rõ nhất ở các kiến nghị của giám sát chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác này có lúc còn thiếu sâu sát, thiếu thực tiễn, còn chung chung. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý trong công tác phối hợp, điều phối thực hiện giám sát, việc tổ chức đi nghiên cứu, làm việc với địa phương là tốt, song phải làm sao bớt phiền hà cho địa phương, đặc biệt, phải phân biệt rõ vai đại biểu Quốc hội và vai thành viên đoàn giám sát thực hiện theo kế hoạch.

Cùng tham gia đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các đại biểu đề nghị cần nhấn mạnh những ưu điểm nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để rút ra bài học kinh nghiệm và trên cơ sở đó làm tốt các nhiệm vụ của những tháng còn lại của năm 2023 và trong năm 2024.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận này, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung mà Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế cũng như những vướng mắc, bất cập thật rõ ràng; giá trị lý luận và giá trị thực tiễn mang lại qua hoạt động giám sát như thế nào; công tác điều phối, công tác chuẩn bị, huy động lực lượng, công tác phối hợp, phương pháp công tác của từng lực lượng…

Công bố kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát cho năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong năm 2024, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện 4 chuyên đề giám sát sau:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/Quốc hội15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với các ủy ban liên quan tiếp tục hoàn thiện nội dung, phạm vi giám sát của từng chuyên đề, đồng thời hoàn thiện Báo cáo, dự kiến chương trình và dự thảo Nghị quyết kèm theo…

Minh Hùng