LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
Xem xét kỹ lưỡng việc đổi tên thành Luật Căn cước
Tại hội thảo do Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức sáng nay, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), nhằm đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh hội thảo
Gồm 7 Chương và 46 Điều, so với Luật Căn cước công dân năm 2014, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã mở rộng thêm đối tượng cấp chứng nhận căn cước; tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia; thẻ căn cước; giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử…
Tờ trình của Chính phủ ngày 1.4.2023 nêu rõ, để cụ thể hóa các chính sách trong dự thảo Luật đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhận thấy, tên gọi “Luật Căn cước” là không rõ ràng, không phù hợp, không thể hiện rõ bản chất cũng như nội dung chính của dự thảo Luật là quy định những vấn đề liên quan đến căn cước công dân. Theo phân tích của nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng, trong dự thảo Luật chỉ có một đối tượng áp dụng là “công dân gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam không có quốc tịch” được điều chỉnh thêm, và theo đó đối tượng này được cấp Giấy chứng nhận căn cước mà không phải là căn cước công dân. Còn trên thực tế, đại bộ phận người dân Việt Nam đều sử dụng căn cước công dân. Hơn nữa, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội cũng lấy tên gọi là Luật căn cước công dân (sửa đổi).
Vì vậy, các đại biểu đề nghị, nên giữ tên gọi là Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và nếu đổi tên cần xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm sự chặt chẽ, tính khái quát và đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Chỉ nên giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề đã rõ về nguyên tắc
Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Cụ thể, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi, dự thảo Luật nêu “1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam. 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.”. Theo nguyên Ủy viên Thường trực Nguyễn Hữu Hùng, những quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi theo nhu cầu cần được cân nhắc thêm để tránh lãng phí, phân tán nguồn lực. Bởi, việc chứng minh căn cước của đối tượng này trong các quan hệ giao dịch, từ trước tới nay, chỉ dùng giấy khai sinh cũng không có gì vướng mắc. Mặt khác, dự thảo Luật quy định người đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi. Vì vậy, nếu đã quy định thì cần thực hiện thống nhất, bảo đảm nguyên tắc “không phân biệt đối xử với trẻ em”.
Điều 11 dự thảo Luật quy định về thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó nêu rõ, giao Chính phủ quy định chi tiết việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, sử dụng thông tin và trình tự, thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin để giải quyết thủ tục hành chính.
TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung; việc thu thập, cập nhật các thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là vấn đề liên quan đến quyền của cá nhân, tổ chức. Do đó, chỉ nên giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề đã rõ về nguyên tắc.
Một số ý kiến cũng cho rằng, tên Điều 11 nên lược bỏ cụm từ “kết nối, chia sẻ”, vì đây là một nội dung của khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại khoản 3 của Điều này. Đồng thời tại khoản 2 nên bổ sung, sửa đổi thành “Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”, để phù hợp với quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 126/NĐ-CP ngày 11.12.2008 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Đánh giá cao những ý kiến góp ý trực diện, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, một trong những quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân lần này là cần thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc đổi mới công tác quản lý dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật./.