DỰ ÁN ĐƯỜNG LIÊN VÙNG KẾT NỐI KHÁNH HÒA, NINH THUẬN VÀ LÂM ĐỒNG: RÀ SOÁT KỸ VIỆC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG VÀ HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ CHO NGƯỜI DÂN

13/04/2023

Tại Hội nghị Thẩm tra Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, các đại biểu thống nhất cho rằng, để thực hiện dự án, cần rà soát về hiện trạng sử dụng đất cần thu hồi, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM PHÂN CẤP THẨM QUYỀN PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH CỤC BỘ QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ THUỘC TỈNH KHÁNH HÒA

Sáng ngày 13/4, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội nghị Thẩm tra Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình,huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội nghị. Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; các Bộ ngành liên quan.


Toàn cảnh Hội nghị Thẩm tra Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh:  Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 và điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Đầu tư công, Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận thuộc tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; đồng thời thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Quốc hội theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Lâm nghiệp.

Căn cứ Tờ trình số 12074/TTr-UBND ngày 05/12/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Báo cáo kết quả thẩm định số 9170/BC-HĐTĐNN ngày 16/12/2022 của Hội đồng thẩm định nhà nước về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Chính phủ đã lấy ý kiến và thống nhất trình Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án. Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Đề cập về sự cần thiết đầu tư dự án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, dự án được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Dự án được xác định là một trong những dự án quan trọng cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. 

Phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải của Tỉnh (tuyến đường được đầu tư sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường ĐT656 kết nối lên huyện miền núi Khánh Sơn và rút ngắn khoảng 15 km từ huyện Khánh Sơn về Tp Nha Trang, mở ra kết nối mới giữa huyện Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Tỉnh, giúp khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi của các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng). Việc đầu tư Dự án sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn và các vùng phụ cận; tạo tiền đề kêu gọi đầu tư; phát triển du lịch; tăng cường an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cơ động trong các tình huống cấp thiết...


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.

Thay mặt cơ quan Thẩm tra Dự án Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh: Thường trực tán thành cao với sự cần thiết đầu tư Dự án như Tờ trình số 103/TTr-CP, ngày 3/4/2023 của Chính phủ và Hồ sơ Dự án kèm theo nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ. Việc đầu tư Dự án sẽ kết nối trực tiếp 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, từng là căn cứ cách mạng, nhưng hiện nay là 02 huyện nghèo thuộc danh sách 74 huyện nghèo của 26 tỉnh trong cả nước, với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số và tỉ lệ hộ nghèo trên 45%. Dự án sẽ phá vỡ thế độc đạo của tuyến đường ĐT.656, tỉnh lộ 9; kết nối giữa quốc lộ 27C với ĐT.707, ĐT.656; phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa. Đây là tuyến đường thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn và các vùng phụ cận, tăng cường an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cơ động trong các tình huống cấp thiết...

Dự án kết nối giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, với điểm đầu của Dự án kết nối vào Quốc lộ 27C, tỉnh Lâm Đồng; điểm cuối của Dự án kết nối với tuyến Đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Khi được đầu tư hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông theo hướng Bắc – Nam tại khu vực phía Tây của tỉnh Khánh Hòa kết nối với trục giao thông cũng theo hướng Bắc – Nam (đường tỉnh ĐT.707) tại khu vực phía Tây của tỉnh Ninh Thuận, kết nối đồng bộ với mạng lưới quốc lộ theo hướng Đông – Tây hiện hữu (các Quốc lộ 27, 27B, 27C) hình thành mạng lưới đường bộ thông suốt từ phía Tây Khánh Hòa qua đến phía Tây Ninh Thuận đến tỉnh Lâm Đồng, kết nối với sân bay, cảng biển ở Khu kinh tế Vân Phong và hệ thống đường sắt, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn.

Vì những lý do trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án. Tuy nhiên, Tờ trình số 103/TTr-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bảo đảm về thời hạn gửi hồ sơ theo khoản 1, Điều 83 Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Chính phủ cần rút kinh nghiệm về thời gian trình.

Về tiến độ thực hiện Dự án, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2027, trong đó giai đoạn chuẩn bị từ 2022-2024; thi công xây dựng từ 2024-2027. Nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vào kỳ họp giữa năm 2023, thời gian chuẩn bị còn lại của Dự án không nhiều. Do vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị chủ đầu tư cần báo cáo rõ về phương án thời gian hoàn thành Dự án theo cam kết. Có ý kiến đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ, nếu được Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt thì có thể rút ngắn hơn thời gian xây dựng, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài do quy mô dự án không lớn.

Về nguồn vốn thực hiện Dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ tính toán phương án phù hợp để bố trí ngân sách địa phương hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời, Chính phủ cần làm rõ hơn phương án bố trí vốn của địa phương cam kết bố trí cho Dự án và dự phòng các phương án khi chi phí thực hiện Dự án vượt so với dự kiến, nhất là vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; bổ sung chi phí rủi ro về thiên tai, đặc biệt là vấn đề xây cầu trên các sông, suối đầu nguồn; vấn đề tăng chi phí do khan hiếm nguyên, vật liệu xây dựng và do thi công ở địa bàn khó khăn về giao thông, địa hình hiểm trở.

Đảm bảo hỗ trợ, tái định cư và các chính sách khác cho người dân khi thực hiện dự án

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến về phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Đảm bảo không gian văn hóa, đảm bảo đời sống của người dân...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành, quan tâm đánh giá kỹ hơn các tác động về mặt xã hội và văn hóa vì dự án thực hiện trong khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống bằng nông nghiệp, lâm nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu có phương án tạo việc làm, chuyển đổi nghề, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cho người dân bị ảnh hưởng phù hợp, ổn định, lâu dài; quan tâm đến hộ gia đình người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện bồi thưởng, giải phóng mặt bằng, tái định cư.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan.

Dự án đi qua 02 huyện miền núi là Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Đây là 02/74 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị khi thực hiện các dự án thành phần, cần quan tâm rà soát, lồng ghép các dự án, tiểu dự án trong các Chương trình mục tiêu quốc gia với dự án này để hỗ trợ người dân đạt hiệu quả cao nhất.

Đề cập về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân khi thực hiện Dự án, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều tra kỹ về hiện trạng sử dụng đất cần thu hồi, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhất là đối với các hộ bị ảnh hưởng phải bố trí tái định cư để hạn chế những vướng mắc, khiếu kiện phát sinh trong quá trình thực hiện.

Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương nhận thấy, diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án đi qua 05 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Khánh Hòa (theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ trưởng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đối với hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án là người dân tộc thiểu số, đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chính sách dân tộc theo đúng quy định hiện hành. Đối với việc thu hồi đất lâm nghiệp, cần thực hiện đúng chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp (khoản 6 Điều 4) và nguyên tắc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (khoản 8 Điều 14) tại Luật Lâm nghiệp só 16/2017/QH14.


Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương.

Cho ý kiến về việc khi triển khai dự án thì phải đảm bảo phát triển văn hóa giữa các vùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định: Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án và các nội dung được nêu trong Tờ trình.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đây là Dự án có giá trị kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo mục tiêu an ninh – quốc phòng; phù hợp với các chính sách đối với địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với chủ trương khơi thông liên kết vùng (với các huyện miền núi của Ninh Thuận, Lâm Đồng) nhằm khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, giao lưu văn hóa của 2 huyện miền núi Khánh Hòa và các địa bản xung quanh.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại diện lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và các Bộ ngành liên quan cũng đã cho ý kiến về tính khả thi cũng như các yếu tố tác động, liên quan đến Dự án như: Nguồn vốn thực hiện Dự án; Cơ chế đặc biệt cho Dự án; Diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng để thực hiện Dự án...

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, hồ sơ Dự án cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật về trình tự, thủ tục; đáp ứng điều kiện để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận các ý kiến của các vị đại biểu, trong đó tập trung vào các nội dung: Sự cần thiết đầu tư Dự án; Đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; Phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế; Tiến độ thực hiện Dự án, phân chia dự án thành phần; Tổng mức đầu tư, nguồn vốn thực hiện Dự án; Cơ sở lựa chọn đề xuất phương án đầu tư, hướng tuyến; Đề xuất cơ chế đặc biệt cho Dự án. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ nghiên cứu, tổng hợp, hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cũng đề nghị Thường trực các cơ quan hữu quan của Quốc hội kịp thời có báo cáo tham gia thẩm tra gửi Thường trực Ủy ban để tổng hợp, xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Sau phiên họp thẩm tra sơ bộ này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Tiểu ban Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ, gửi xin ý kiến Thường trực Ủy ban kịp thời báo cáo để ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo thời hạn quy định.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu các ý kiến góp ý; chuẩn bị những vấn đề cần báo cáo bổ sung tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14/4/2023./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị thẩm tra: 

Toàn cảnh Hội nghị Thẩm tra Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.


Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham dự Hội nghị.

Đại diện Lãnh đạo tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. 

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đóng góp ý kiến về việc đảm bảo quốc phòng an ninh khi triển khai Dự án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Mai Phương nêu quan điểm phương án tối ưu về liên kết vùng khi thực hiện Dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội nghị với yêu cầu các Bộ ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ, gửi xin ý kiến Thường trực Ủy ban kịp thời báo cáo để ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo thời hạn quy định.

Bích Lan-Trọng Quỳnh