14h01: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707. Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải.
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về nội dung này.
14h03: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái được xác định là một trong những dự án quan trọng cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; góp phần phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh.
Đặc biệt, việc đầu tư Dự án sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn và các vùng phụ cận; tạo tiền đề kêu gọi đầu tư; phát triển du lịch; tăng cường an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cơ động trong các tình huống cấp thiết.
Mục tiêu của dự án là nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 02 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa; xóa bỏ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn; tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng; phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp thế mạnh của khu vực; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ, quản lý khai thác rừng.
Đồng thời, tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tuyến đường dự án hoàn thành kết nối với hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện, đường Quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động thông suốt trong mọi tình huống để bảo vệ an ninh, quốc phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối, phát triển các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng của tỉnh Khánh Hòa, cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa đã được xác định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên, có quy mô chỉ tương đương nhóm A, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn. Trong thời gian qua, đã có một số Dự án được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư Dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư Dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Để sớm hoàn thành Dự án, hoàn thiện mạng lưới giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa và kết nối khu vực, Chính phủ kiến nghị Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận và giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
14h15: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án
Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay -Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh về sự cần thiết đầu tư Dự án. Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là một trong những dự án giao thông quan trọng được xác định trong Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
Việc đầu tư Dự án sẽ phá vỡ thế độc đạo về giao thông đường bộ hiện trạng kết nối huyện Khánh Sơn, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ có tính kết nối liên vùng cao, kết nối giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Khi Dự án được đầu tư, hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới đường bộ thông suốt từ phía tây tỉnh Khánh Hòa đến phía tây tỉnh Ninh Thuận và đến tỉnh Lâm Đồng; hình thành tuyến đường giao thương có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giữa các tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Dự án được đầu tư dự kiến giúp tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần ổn định đời sống, rút ngắn khoảng cách thu nhập của người dân trên địa bàn 02 huyện. Đồng thời góp phần tăng cường an ninh, quốc phòng, tạo điều kiện chủ động trong các tình huống cấp thiết; liên kết giao thông, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi xử lý các tình huống phát sinh về đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận và rộng hơn là cả khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Về Hồ sơ Dự án trình Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hồ sơ Dự án đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu trong Hồ sơ Dự án. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công, Quy chế làm việc của UBTVQH thì hồ sơ trình chưa bảo đảm về thời hạn.
Liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình thi công, nhất là quá trình nổ mìn phá đá cần có biện pháp hạn chế tác động xấu đến môi trường, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà và quản lý chặt chẽ việc tận thu lâm sản khi chuyển mục đích sử dụng rừng, tránh thất thoát tài sản công.
Về việc trồng rừng thay thế, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, đề xuất của UBND tỉnh về phương án trồng rừng thay thế cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT đã hết hiệu lực và đã được thay thế bằng Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2023. Theo đó, có thể trồng rừng thay thế cả ở khu vực được quy hoạch cho rừng sản xuất nên đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cập nhật các quy định mới và cân nhắc các phương án trồng rừng tối ưu để tránh phát sinh chi phí trồng rừng, kéo theo tổng chi phí Dự án tăng, có thể dẫn đến kéo dài thời gian triển khai.
Về hướng tuyến, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hướng tuyến mà Chính phủ trình với tổng chiều dài toàn tuyến là 56,9 km, điểm đầu tại vị trí giao giữa QL27C/Km16+900, điểm cuối giao với đường tỉnh ĐT.707 (ranh giới 02 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa) là phù hợp.
Liên quan đến đề xuất cơ chế đặc biệt cho Dự án, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất cơ chế Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, Dự án này là dự án quan trọng quốc gia nên trách nhiệm thực hiện Dự án vẫn thuộc Chính phủ. Theo đó, cần quy định trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo Quốc hội của Chính phủ trong việc thực hiện Dự án để vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật về đầu tư công, vừa tạo độ linh hoạt trong xử lý các vấn đề thực tiễn.
14h27: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án này chỉ là dự án nhóm A, nhưng do phải chuyển đổi hơn 50ha đất rừng phòng hộ đầu nguồn và đất khu bảo tồn thiên nhiên nên dự án đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết, mục tiêu của dự án, tính đầy đủ, phù hợp, thời gian gửi hồ sơ dự án, hồ sơ dự án đã đủ điều kiện trình Quốc hội hay chưa? Phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư có hợp lý không. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về nhu cầu sử dụng đất, phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, sự phù hợp với các quy hoạch sẵn có… cùng các vấn đề các đại biểu quan tâm.
14h32 : Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thống nhất về tính cần thiết chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận như tờ trình của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về sự cần thiết để đảm bảo sự thống nhất cao, bởi lưu lượng giao thông của tuyến đường này không cao sử dụng vốn đầu tư công là phù hợp; đồng thời bổ sung thêm tác động về xã hội, an ninh.
Theo quy hoạch, kế hoạch giai đoạn 2021-2030 về danh mục thứ tự ưu tiên đầu tư của tỉnh Khánh Hòa có tuyến đường này nhưng trong phương án phát triển mạng lưới đường bộ tỉnh Khánh Hòa lại chưa có, vì vậy Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tỉnh Khánh Hòa báo cáo rõ hơn với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến phạm vi nguồn vốn, Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn cho dự án này, bởi vì có yếu tố liên vùng, nhưng trong hồ sơ chỉ đề cập đến hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, do vậy cần bổ sung thêm yếu tố liên vùng nối với tỉnh Ninh Thuận, Đắc Lắk.
Về tên gọi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong Luật Giao thông đường bộ không có tên gọi đường liên vùng, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sử dụng tên phù hợp với pháp luật hiện hành. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình đề nghị giao thẩm quyền cho Ủy ban tỉnh Khánh Hòa để phê duyệt dự án này.
14h38: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã có văn bản gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về chủ trương đầu tư Dự án, nhiều ý kiến đã được tổng hợp trong báo cáo thẩm tra trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Về sự cần thiết, Phó Chủ nhiệm Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, đây là một dự án mang ý nghĩa xã hội, đặc biệt là phát triển hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Về căn cứ chính trị, hiện nay đã có Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn của tỉnh Khánh Hòa. Cùng với đó là Nghị quyết số 55 của Quốc hội về cơ chế đặc thù đối với tỉnh Khánh Hoà. Nghị quyết về cơ chế đặc thù đã nhấn mạnh cần có cơ chế đặc thù với hai huyện này.
Xuất phát từ đặc điểm là vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khi Chính phủ thẩm định dự án này đã thấy đây là dự án mang ý nghĩa kinh tế - xã hội nhiều hơn và gắn với quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đó, Phó Chủ nhiệm Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết phải đầu tư dự án này.
14h48: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí cao với Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707 để mở ra dư địa phát triển, tận dụng nguồn lực đất đai, giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội.
Về hướng tuyến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần xem xét, rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cụ thể hơn, để tránh lãng phí nguồn lực khi vận hành tuyến đường lâu dài. Đặc biệt, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần tính toán, làm rõ chi phí xây dựng đường hầm để đảm bảo cân đối chi phí – lợi ích hợp lý trong dài hạn.
14h49: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Phát biểu về dự án này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái đã có trong quy hoạch của tỉnh từ năm 2016. Năm 2017 cũng đã có kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, tuyến đường này nằm trong vùng khó khăn nên không thể thực hiện xã hội hóa, mà có thể phải cần đến nguồn vốn đầu tư công.
Khẳng định tỉnh Khánh Hòa không thể chỉ dựa vào du lịch để phát triển, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, giai đoạn năm 2019 - 2020, du lịch của tỉnh Khánh Hòa sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do vậy, tỉnh Khánh Hòa xác định trong thời gian tới cần phải có sự phát triển toàn diện, trong đó có công nghiệp, kinh tế biển, thủy sản…
Thống nhất với sự cần thiết và mục tiêu của dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng hồ sợ dự án này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng qua rất nhiều vòng hồ sơ, Hội đồng thẩm định. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ thống nhất với chủ trương đầu tư dự án, để có thể triển khai sớm, góp phần xóa bỏ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn; tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
14h59: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu
Góp ý vào nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Thường trực Uỷ ban Xã hội đã có báo cáo số 1604 để tham gia thẩm tra. Đồng thời tán thành cao Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Về ý kiến chung, Thường trực Uỷ ban Xã hội tán thành Tờ trình của Chính phủ về Dự án này và cho rằng Dự án có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hoà có liên kết, ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Thường trực Uỷ ban Xã hội đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Khánh hoà trong việc cam kết nguồn vốn phân bổ thực hiện Dự án cho cả giai đoạn 2023-2027 và dự kiến phân bổ hàng năm, nhất là nguồn vốn đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công chỉ mới được phê duyệt giai đoạn 2021- 2025. Tỉnh cũng đang tập trung nguồn lực thực hiện nhiều dự án đầu tư quan trọng. Ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Thường trực Uỷ ban Xã hội cũng tán thành đề xuất áp dụng cơ chế đặc biệt cho tỉnh Khánh Hoà.
Qua nghiên cứu Hồ sơ Dự án, Thường trực Uỷ ban Xã hội cho rằng, Dự án được xác định là liên kết tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Lâm Đồng nhưng tính chất liên vùng còn chưa thể hiện rõ, chủ yếu đánh giá trên cơ sở dự báo tiềm năng của tỉnh Khánh Hoà, do vậy cần xác định rõ tiêu chí cụ thể để xác định một dự án liên kết vùng, những tác động cụ thể đến phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận như thế nào và trong báo cáo tiền khả thi và báo cáo của Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước, chưa làm rõ vấn đề này.
Về lấy ý kiến cơ quan địa phương, Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước đã có báo cáo, gửi và nhận ý kiến của các tỉnh lâm Đồng, Ninh thuận. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, trong phụ lục tiếp thu, giải trình, tổng hợp ý kiến của các cơ quan gửi kèm theo Báo cáo của Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước chưa thấy có thông tin phúc đáp ý kiến tiếp thu, giải trình cụ thể của các tỉnh này, mặc dù phạm vi thực hiện Dự án có điều chỉnh. Do đó, đề nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình thêm tính chất liên kết vùng đối với 3 địa phương.
Thường trực Uỷ ban Xã hội cũng đề nghị khi thực hiện các Dự án thành phần cần quan tâm rà soát, lồng ghép các Dự án, tiểu dự án trong các CTMTQG với dự án này để hỗ trợ người dân đạt hiệu quả cao nhất.
Qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị có giải pháp hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, sinh kế ổn định đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, đồng bảo dân tộc thiểu số.
15h07: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu
Tán thành với sự cần thiết của dự án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, dự án có tổng diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng bao gồm rừng phòng hộ đầu nguồn, đất rừng đặc dụng là hơn 59ha, đồng thời Chính phủ cũng đề xuất một số cơ chế đặc biệt để triển khai dự án, do vậy, dự án này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương nhận định hồ sơ Chính phủ trình đã đầy đủ các tài liệu thao Luật Đầu tư công, tuy nhiên, hồ sơ cần làm rõ hơn tính kết nối, liên vùng giữa Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng. Đồng thời, về các phương án lựa chọn, cần phân tích, làm rõ hơn phương án lựa chọn để rút ra được phương án tối ưu.
15h11: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Về hồ sơ dự án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Kiêm toán nhà nước, do đây là dự án quan trọng Quốc gia phải có ý kiến bằng văn bản của Kiểm toán Nhà nước để có cơ sở cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét.
Về tên gọi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại bởi thực chất đây là đường mà nằm trên địa bàn 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa, không đi sang địa phận của tỉnh khác. Do đó, phải nhắc kỹ chỉ trong bản đồ và trong thuyết minh nói rõ điểm đầu, điểm cuối kết nối với những nơi nào. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tên phải thể hiện đúng để khi trình Quốc hội nói rõ đây là đường của tỉnh nhưng tạo ra năng lực kết nối với các địa phương trong vùng có liên quan.
Về kinh phí, Chủ tịch Quốc hội cho biết còn có những băn khoăn, quy mô dự án khiêm tốn nhưng thời kì thực hiện lại quá dài, đến 2027 mới hoàn thành là quá lâu. Dự án chủ yếu sử dụng vốn trung ương. Do đó cơ cấu vốn và phân kì đầu tư cần tính toán thêm cho phù hợp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn để xem xét trong đầu tư công có nội dung nào vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương không?
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thời điểm trình dự án liên quan đến vốn đầu tư công, dự án trình quá thời hạn 31/3 theo Nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể trình nội dung trái với nghị quyết của Quốc hội bởi đây là vấn đề liên quan đến kỉ luật, kỉ cương tài chính, ngân sách cũng là nội dung được Quốc hội cảnh báo nhiều lần. Đồng thời làm rõ vì sao lại chậm, trách nhiệm giải trình về vấn đề này.
Đối với cơ chế đặc thù, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình theo đó, trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án thì giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục thẩm quyền thực hiện như dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật đầu tư công.
Đối với trường hợp có thay đổi chủ trương đầu tư, nguyên tắc là Quốc hội quyết định nhưng quy mô dự án này không lớn, trong trường hợp mà Quốc hội không họp thì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh là phù hợp. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu có về quyết sách về vấn đề vốn thì dự án này sẽ trình được Quốc hội xem xét để quyết định.
15h26: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam tiếp thu ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Giải trình nội dung thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu liên quan đến tính kết nối giữa của tuyến đường với tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết, về quy mô đầu tư theo hướng tuyến, tuyến đường này hoàn toàn nằm trong địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhưng điểm đầu tuyến kết nối với quốc lộ 27C đi Lâm Đồng, điểm cuối tuyến nằm ranh giới tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận; nội dung này đã thể hiện rõ trong hồ sơ trình và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cũng thông tin về nguyên nhân khiến tiến độ hoàn thiện hồ sơ chậm so với kế hoạch; đồng thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về khả năng cân đối vốn của địa phương; việc bố trí ngân sách dự phòng để triển khai dự án.
15h30: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo, giải trình làm rõ một số nội dung của Dự án
Giải trình, làm rõ một số vấn đề các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, hồ sơ Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707 sẽ được xem xét, bổ sung, hoàn chỉnh rõ hơn, đặc biệt là liên quan đến sự cần thiết cũng như tính kết nối vùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là huyện rất khó khăn, là vùng trũng và nghèo nhất của tỉnh Khánh Hoà. Do đó, nếu hoàn thành tuyến đường này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực này. Đặc biệt, tuyến đường này còn kết nối với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chủ trương này.
15h37: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu một số vấn đề về hướng tuyến, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đảm bảo công khai minh bạch trong bố trí bồi thường, tái định cư, bố trí, sử dụng và quản lý kinh phí hợp lý, bổ sung các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc xảy ra trong thi công.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư tuyến đường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại phiên họp sau, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức, trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 5.