CẦN PHÂN TÍCH, LÀM RÕ VIỆC MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

16/04/2023

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 22 vừa qua. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cùng các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp về vấn đề này trên thế giới, nhất là các quốc gia trong khu vực, phân tích, làm rõ hơn, thuyết phục hơn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

Trên cơ sở đánh giá chi tiết, Quốc hội đã thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) và bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó đưa Luật Viễn thông (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 22 vừa qua. Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số. Huy động các thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Bên cạnh đó, dự án Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa  các thủ tục hành chính.

Tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định rõ, về phạm vi điều chỉnh, luật này quy định về hoạt động viễn thông, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông. Về đối tượng áp dụng, Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.

Tham gia ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về cơ bản, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật  đối với dịch vụ  trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây và ứng dụng Internet trong viễn thông (OTT- Over The Top) vì phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Một số dịch vụ hoạt động trên nền tảng viễn thông tuy mới xuất hiện nhưng cũng cần có pháp luật điều chỉnh ở mức độ nhất định với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Thí dụ, qua nghiên cứu kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới  cho thấy, khái niệm mạng viễn thông và cơ sở hạ tầng viễn thông có nội hàm rộng. Ngoài thiết bị viễn thông, đường truyền dẫn, công trình viễn thông còn có thêm thành phần lưu trữ, thành phần hạ tầng công nghệ thông tin. Do đó, việc đưa trung tâm dữ liệu trở thành một cấu phần của cơ sở hạ tầng viễn thông là phù hợp với xu thế, cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng viễn thông trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo Luật đối với những nội dung mở rộng này, tránh sự trùng lặp, chồng chéo. Đồng thời, cần nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với 03 loại dịch vụ mới nêu trên theo hướng mở, mang tính nguyên tắc để phù hợp với xu thế thay đổi của các dịch vụ mới và thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với các dịch vụ mới này.

Quang cảnh phiên họp

Cụ thể, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 đã quy định khái niệm "Cơ sở hạ tầng thông tin" tại khoản 4 Điều 4 là “hệ thống trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính và cơ sở dữ liệu”; khoản 6 Điều 52 quy định “loại hình dịch vụ công nghệ thông tin là hoạt động cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu và khai thác cơ sở dữ liệu”. Luật Công nghệ thông tin hiện hành có điều chỉnh về lưu trữ, xử lý dữ liệu trong thuật ngữ “công nghệ thông tin” và “cơ sở hạ tầng thông tin” có nội hàm giao thoa với khái niệm hạ tầng viễn thông, có quy định về lưu trữ, xử lý dữ liệu trong hoạt động viễn thông trong dự thảo Luật.

Việc dự thảo Luật bổ sung các quy định về quản lý trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và quản lý ứng dụng Internet trong viễn thông - OTT vào đối tượng điều chỉnh và quản lý như dịch vụ viễn thông có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ mới này. Mặc dù OTT chỉ có thể được cung cấp dựa trên kết nối Internet nhưng OTT có những khác biệt với dịch vụ viễn thông (không có cơ sở hạ tầng, băng tần…). Việc áp dụng các nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các loại hình dịch vụ này có thể sẽ làm tăng chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp liên quan, ảnh hưởng đến những lợi ích mà dịch vụ đó có thể mang lại đối với nền kinh tế và tác động không tốt đến thu hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.

Các đại biểu tại phiên họp

Với những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp về vấn đề này trên thế giới, nhất là các quốc gia trong khu vực, có các đặc điểm tương đồng với Việt Nam; đồng thời phân tích, làm rõ hơn, thuyết phục hơn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Ngoài ra, với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được mở rộng so với Luật Viễn thông hiện hành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần báo cáo rõ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc định hướng thiết kế hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong thời gian tới (như công nghệ thông tin, viễn thông, bưu chính, công nghiệp công nghệ số...) để phát huy tác dụng cộng hưởng, bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là đối với các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Minh Hùng