KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 - 11/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, về Liên đoàn HTX, nhiều ý kiến đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến liên đoàn HTX tại dự thảo Luật lần này, việc luật hóa sẽ xem xét điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu xây dựng thí điểm một số liên đoàn HTX theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu chủ trương “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Nếu quy định như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thì việc thành lập và hoạt động của liên đoàn HTX sẽ được triển khai thực hiện trên diện rộng, không còn tính chất thí điểm theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Đồng thời, cũng chưa đủ cơ sở thực tiễn để quy định cụ thể tại dự thảo Luật về nội dung liên quan đến liên đoàn HTX.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Do vậy, với quan điểm những nội dung chưa đủ chín, chưa đủ rõ, vẫn còn ý kiến khác nhau thì chưa đưa vào luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn HTX tại dự thảo Luật lần này. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn HTX theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn HTX.
Về Tổ hợp tác (Chương IX), đa số ý kiến nhất trí cần thiết bổ sung tổ hợp tác trong dự thảo Luật, tuy nhiên quy định về tổ hợp tác trong dự thảo Luật còn khá mờ nhạt; đề nghị quy định rõ những nội dung liên quan đến tổ hợp tác bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự để tránh tình trạng phát sinh thêm các thủ tục hành chính. Một số ý kiến đề nghị quy định tổ hợp tác có tư cách pháp nhân vì tổ hợp tác cũng ký kết hợp đồng với các tổ chức có tư cách pháp nhân khác; quy định như tại dự thảo Luật về việc tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân sẽ không đảm bảo sự phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và có thể gây khó khăn cho hoạt động của tổ hợp tác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định về tổ hợp tác tại dự thảo Luật là cần thiết nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác và phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...) trong đó hợp tác xã là nòng cốt”.
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Tuy nhiên, do nhiều nội dung liên quan đến tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự, nên dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về tổ hợp tác không trái với quy định của Bộ luật Dân sự như khái niệm về tổ hợp tác, thành lập và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ hợp tác, thành viên tổ hợp tác, việc chuyển đổi tổ hợp tác thành HTX và chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX. Do tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác nên đây là tổ chức không có tư cách pháp nhân và phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự; khi tổ hợp tác tham gia ký kết với các tổ chức kinh tế khác thì tổ hợp tác sẽ cử người đại diện theo pháp luật tham gia ký kết.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tổ hợp tác phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thống nhất trong quản lý nhà nước. Các đại biểu cũng cho rằng quan hệ giữa các thành viên tổ hợp tác không mang tính bền vững và không có kế hoạch phát triển lâu dài; nếu quy định tổ hợp tác phải đăng ký và đưa ra định hướng chuyển đổi tổ hợp tác thành HTX sẽ gây tâm lý không thuận ở một bộ phận tổ hợp tác không muốn đăng ký và không muốn phát triển thành HTX, dẫn đến tác động giải thể một số tổ hợp tác, gây tâm lý không tốt trong xã hội.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, tổ hợp tác có cùng bản chất hợp tác tương trợ và đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên về kinh tế, văn hóa, xã hội như HTX. Thực tế hiện nay số lượng tổ hợp tác tại các địa phương rất lớn, tại nhiều địa phương có đến hàng nghìn tổ hợp tác; nhiều tổ hợp tác có số thành viên đông lên đến hàng trăm người, có góp vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định nhưng không đăng ký, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong quan hệ kinh tế trong nội bộ thành viên và với các tổ chức khác. Nhiều tổ hợp tác không trực tiếp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước; không có số liệu, không có thông tin đầy đủ về tổ hợp tác dẫn đến khó khăn trong việc thống kê, báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước và khó khăn trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho tổ hợp tác cũng như thiếu các quy định, chính sách mang tính định hướng cho tổ hợp tác phát triển lên các tổ chức cao hơn như HTX.
Toàn cảnh Hội nghị
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý quy định tại Điều 106 theo hướng tổ hợp tác phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi thành viên góp vốn và hợp đồng hợp tác có thời hạn từ 06 tháng trở lên hoặc không có thời hạn; một trong những tiêu chí để tổ hợp tác được xem xét thụ hưởng chính sách của Nhà nước cũng như để tổ hợp tác được chuyển đổi thành HTX là phải có Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác. Quy định về việc đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng cũng cần có sự bảo đảm thống nhất trong quản lý nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện chuyển đổi của tổ hợp tác thành HTX như thời gian hoạt động tối thiểu của tổ hợp tác trước khi chuyển đổi thành HTX nhằm tránh trường hợp trục lợi chính sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung quy định tại Điều 108 (Chuyển đổi tổ hợp tác thành HTX) về việc tổ hợp tác được chuyển đổi thành HTX khi đáp ứng các điều kiện: có Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác; hoạt động liên tục ít nhất trong 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ hợp tác; được tất cả thành viên tán thành. Quy định về thời hạn hoạt động liên tục tối thiểu của tổ hợp tác trước khi chuyển đổi thành HTX nhằm tránh trường hợp tổ hợp tác được thành lập trong thời gian rất ngắn và chuyển đổi thành HTX để được hưởng các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX trong khi việc thành lập mới các HTX không được hưởng các chính sách này.
Cùng với đó, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể cơ quan triển khai các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX như cơ quan tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục chuyển đổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 109 (Chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX) về việc cơ quan đăng ký kinh doanh tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục chuyển đổi thành HTX.