ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI CỦA CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

21/04/2023

Dự án luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu cơ chế, chế tài để đảm bảo tính khả thi của các quy định bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Cần quy định rõ chính sách riêng, cụ thể khi các đối tượng này bị xâm phạm về quyền lợi, cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm hỗ trợ để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự án luật đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 20, để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua.

Toàn cảnh hội nghị

Thảo luận về dự án luật này, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương được quy định tại Điều 7 của dự thảo luật. Theo đó, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, đưa ra các tiêu chí để làm căn cứ xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương (ví dụ: tiêu chí về nhận thức và hiểu biết; về sức khỏe; về kinh tế và về điều kiện kinh tế xã hội nơi sinh sống) vì liên quan đến cơ chế khiếu nại để giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Trường hợp quy định theo hướng này thì cần phải làm rõ những điều, khoản khác trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị sửa lại khái niệm "người tiêu dùng dễ bị tổn thương" như sau: “người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa”; sửa khái niệm "người dân tộc thiểu số" thành “người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật" chứ không đề cập hết những người sống ở vùng miền núi; nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của UBND cấp xã về BVQLNTD dễ bị tổn thương.

Nhiều ý kiến đã được các đại biểu Quốc hội đóng góp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị ghép các điểm a, b, c thành một nhóm, các điểm đ, e, g thành một nhóm và cân nhắc bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại nhóm a,b,c; đề nghị bỏ cụm từ “người dân tộc thiểu số”, “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”, chỉ xác định đối tượng người sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu cơ chế, chế tài để đảm bảo tính khả thi của các quy định bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Cần quy định rõ chính sách riêng, cụ thể khi các đối tượng này bị xâm phạm về quyền lợi, cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm hỗ trợ để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.

Các đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung nhóm người nghèo, nhóm người cận nghèo, hộ nghèo, người lao động nhập cư, người đang được hỗ trợ nhân đạo, người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS, người chưa thành niên, phụ nữ không nơi nương tựa, phụ nữ cô đơn nông thôn và vùng sâu, vùng xa vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại hội nghị

Cùng với đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm và trách nhiệm bồi thường của cá nhân kinh doanh khi thông tin của người tiêu dùng bị lộ lọt. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung tại điểm d cụm từ “theo danh mục bệnh hiểm nghèo” và sửa lại thành “người bị bệnh hiểm nghèo theo danh mục bệnh hiểm nghèo thuộc cơ quan có thẩm quyền quy định” cho thống nhất với quy định của Luật hiện hành.

Về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng (từ Điều 8 đến Điều 13), các đại biểu đề nghị nội dung này cần thiết kế lại chặt chẽ hơn, theo đúng mục đích, yêu cầu quản lý và có thể gộp lại thành một chương riêng để dễ theo dõi như ý kiến thẩm tra. Có ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp thực hiện thu thập thông tin góp ý đối với các nhà sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật những góp ý đó cũng như bảo vệ bí mật người góp ý để không có sự cạnh tranh hoặc những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Thêm vào đó, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định về phạm vi thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp. Cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.

Cho ý kiến về dự thảo luật, các đại biểu đề nghị chỉnh lý lại nội dung theo hướng là tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo trước hoặc được sự đồng ý của người tiêu dùng khi thông tin của họ được thu thập, lưu trữ và sử dụng thông qua bên thứ ba, đồng thời giới hạn phạm vi sử dụng thông tin của người tiêu dùng thông qua bên thứ ba là chỉ nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của tổ chức kinh doanh. Đồng thời, đề nghị trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin thì người tiêu dùng phải được biết về bên thứ ba để đảm bảo có đồng tình, đồng thuận.

Các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Có ý kiến đề nghị sửa lại khoản 2 Điều 9 như sau: “Nội dung quy định tại khoản 1 Điều này phải được công bố công khai ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và trên trang thông tin ứng dụng điện tử nếu có và thông tin rõ ràng, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin”.

Các đại biểu đề nghị cần làm sâu sắc hơn nữa, đặc biệt việc tôn trọng quyền riêng tư, nhân phẩm. Cho rằng quy định tại khoản 1 Điều 8 là không phù hợp với các giao dịch trực tuyến do thông tin của người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để thực hiện được giao dịch và khoản 2 Điều 11 quy định việc sử dụng thông tin của người tiêu dùng bao gồm cả việc chia sẻ, tiết lộ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba, các đại biểu đề nghị có quy định cụ thể và rà soát tránh có sự mâu thuẫn.

Thêm vào đó, các đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin cho người tiêu dùng. Đồng thời, bổ sung quy định xử lý trách nhiệm hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp để thông tin người tiêu dùng bị lộ thuộc 03 hành vi quy định tại khoản 1 Điều 12 của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị làm rõ về “cơ quan chức năng” trong dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi khi triển khai.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc là bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh, nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Minh Hùng