SỬA ĐỔI LUẬT HỢP TÁC XÃ: CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH CÓ TÍNH ĐỘT PHÁ TRONG HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

25/04/2023

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại kỳ họp thứ 5, dự kiến Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Nhấn mạnh Hợp tác xã nông nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, một số ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi cần bổ sung quy định mang tính đột phá nhằm thúc đẩy phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trong bối cảnh mới,….

SỬA ĐỔI LUẬT CẦN TẠO RA HÀNH LANG PHÁP LÝ “ĐỦ THÔNG THOÁNG” ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, NÒNG CỐT LÀ CÁC HỢP TÁC XÃ

TỔNG THUẬT SÁNG 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 

Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau tiếp thu, chỉnh lý, gồm 12 chương với 115 điều, tăng 04 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Góp ý nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây (dự kiến khai mạc 22/5), một số ý đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi cần bổ sung quy định mang tính đột phá nhằm thúc đẩy phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trong bối cảnh mới,….

Đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, việc thể chế hóa 8 chính sách từ Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đã được thể hiện tương đối rõ. Tuy nhiên, các chính sách còn dàn trải, phân tán, cào bằng, chưa nhấn mạnh đến tính đặc thù của các loại hình hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp.

Vì vậy, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung thêm điều, khoản quy định cụ thể về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Dù vậy, việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế, khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực quản lý hạn chế, thiếu vốn và nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, lợi ích đem lại cho thành viên thấp, sức thu hút còn kém.

Do đó, để khắc phục những hạn chế này, đại biểu đề nghị, quy định tại dự thảo luật cần tạo điều kiện để Hợp tác xã nông nghiệp thu hút nhiều đông đảo nông dân tham gia, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập. Tránh việc hạn chế tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của Hợp tác xã ra bên ngoài; bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp, khuyến khích Hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh khi tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, cần phải có các quy định hỗ trợ về mặt kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho các Hợp tác xã, đặc biệt là các Hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ chưa/không đủ năng lực; quan tâm hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo các thành viên, đặc biệt là lãnh đạo Hợp tác xã.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, có chính sách hỗ trợ đặc thù để tạo điều kiện cho các Hợp tác xã nông nghiệp khơi thông vốn tín dụng, tích lũy tài sản, huy động vốn nhàn rỗi trong các thành viên để phục vụ sản xuất kinh doanh. Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn việc việc vốn hóa các tài sản của nhà nước, cộng đồng ủy thác cho Hợp tác xã khai thác (trạm bơm, cầu cống, mương máng…); quy định về tín dụng nội bộ và việc huy động vốn trong hợp tác xã….

Quy định về về tổ chức đối với Hợp tác xã nông nghiệp để có thể thu hút đông đạo người dân quan tâm; Quy định các tiêu chí phân loại theo lĩnh vực hoạt động, trong đó, nội dung chi tiết các tiêu chí phân loại và mục đích, mục tiêu áp dụng theo từng tiêu chí cần được nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

“Đề nghị Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu để thiết kế một Chương riêng trong dự án Luật quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển Hợp tác xã nông nghiệp hoặc Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về Hợp tác xã nông nghiệp, làm cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định, …”, Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu đề xuất.

 PGS.TS Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Quan tâm dự luật, dưới góc độ nghiên cứu và thực tiễn, PGS.TS Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhà nước cần có chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ nông dân-những chủ trang trại và nhà quản lý hợp tác xã chuyên nghiệp, có trình độ và kỹ năng kinh doanh theo cơ chế thị trường, chủ động tham gia xây dựng và phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất-tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và đầu ra. Thanh niên nông dân tốt nghiệp trung học cơ sở nếu có nguyện vọng đều được tham gia các khoá đào tạo miễn phí ở các trường cao đẳng và đại học nông nghiệp công lập.        

Nhà nước không đánh thuế đối với hoạt động dịch vụ của hợp tác xã, đáp ứng đầu vào và đầu ra của xã viên. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, như tài trợ kinh phí kiểm toán độc lập hàng năm cho hợp tác xã mới thành lập trong thời gian 3-5 năm, không thu tiền sử dụng đất xây dựng văn phòng, nhà xưởng chế biến nông sản. Mặt khác, nhà nước nên có chính sách tài trợ một phần lãi suất tín dụng cho các Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao, đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị nông sản trong 3-5 năm đầu. 

Khẳng định vấn đề tài chính đóng vai trò đối với Hợp tác xã nông nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách , Trường Đại học kinh tế - ĐHQGHN cho rằng, việc tuân thủ các hiệp định thương mại kiểu mới sẽ làm tăng nhiều khoản chi phí. Do đó, cần có những cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể cho Hợp tác xã nông nghiệp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản, thủy sản như: thiết kế lại có các gói tín dụng phù hợp, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như vay theo chuỗi sản xuất và cung ứng; thành lập và phát triển các quỹ hỗ trợ;…. Các quỹ này cũng giúp hạn chế sự trợ cấp của Chính phủ, đảm bảo thực hiện đúng cam kết trong các hiệp định tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

Ngoài ra, có ý kiến chuyên gia cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng, khắc phục triệt để những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động hiệu quả của Hợp tác xã nông nghiệp; bảo đảm quy định dễ hiểu, dễ áp dụng; quy định hợp lý tỷ lệ vốn góp và sử dụng dịch vụ nội bộ phù hợp đối với từng loại hình Hợp tác xã nông nghiệp; quy định cơ chế quản trị phù hợp đối với từng loại hình Hợp tác xã nông nghiệp;…

Hợp tác xã nông nghiệp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đền sản xuất và xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Thực hiện di huấn của Người, ngành nông nghiệp Việt Nam đã dày công nghiên cứu, chỉ đạo phong trào Hợp tác xã và đạt được nhiều thành công trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện nay có khoảng hơn 29.000 Hợp tác xã. Riêng các hợp tác xã nông nghiệp là khoảng hơn 19.400 hợp tác xã, chiếm khoảng 67% tổng số Hợp tác xã cả nước. Các Hợp tác xã nông nghiệp thu hút được khoảng 3,4 triệu thành viên (trong đó thành viên là hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 84%, số thành viên còn lại là các thành phần khác như các cá nhân, tổ nhóm, doanh nghiệp)..../.

Lê Anh