TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa XIV
Chia sẻ về lĩnh vực này, TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, lĩnh vực việc làm được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ngay từ khi nước ta mới giành được độc lập. Có thể kể đến như: Nghị định số 01, ngày 1/10/1945 quy định các điều kiện đảm bảo việc làm, bênh vực quyền lợi của người lao động, quy định thời hạn báo trước khi muốn thải hồi công nhân; Sắc lệnh số 64/SL, ngày 5/8/1946 về thành lập hệ thống cơ quan lao động trong cả nước với chức năng bảo đảm việc làm và bênh vực quyền lợi cho người lao động;...
Tiếp đó, hệ thống chính sách về việc làm có bước đột phá mạnh mẽ khi lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm vào ngày 16/11/2013 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, chính sách việc làm công; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ bảo đảm một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
TS. Bùi Sỹ Lợi khằng định, việc thực thi Luật Việc làm đã góp phần quan trọng hoàn thiện các chính sách và quy định về việc làm, mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội, củng cố các hệ thống quan hệ lao động và tăng cường khung pháp lý về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp… Cụ thể: nguồn cung lao động của cả nước được đảm bảo; Chất lượng lao động ngày càng nâng cao;…
Luật Việc làm được Quốc hội khoá XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào ngày 16/11/2013
Đánh giá cao những thành tựu, kết quả trong quá trình thực thi Luật Việc làm thời gian qua, tuy nhiên TS. Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, luật Việc làm đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cần kịp thời sửa đổi như: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc; các quy định cho vay giải quyết việc làm cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế về Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không còn phù hợp với thực tiễn;…
Ngoài ra, hiện nay cũng thiếu quy định khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm, nhất là việc làm tại chỗ cho lao động ở khu vực nông thôn;…
Nhấn mạnh yêu cầu việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc kịp thời sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý chú trọng tới các chính sách về: Bảo đảm quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực quy định tại Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm, đường lối tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; quan điểm, chủ trương, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (nội dung về bảo hiểm thất nghiệp) và các văn kiện, nghị quyết có liên quan. Bên cạnh đó, tập trung vào 05 nhóm chính sách, bao gồm:
Một là, quản trị nguồn nhân lực quốc gia, bảo đảm kết nối cung - cầu Lao động theo hướng phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập;
Hai là, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng linh hoạt thể hiện "bà đỡ" cho người lao động và người sử dụng lao động chuyển bảo hiểm thất nghiệp lao động, bệnh nghề nghiệp sang Luật An toàn vệ sinh lao động. Tăng cường cơ sở đào tạo giữ chân người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, cải cách hành chính trong thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Ba là, phát triển kỹ năng nghề quốc gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm bền vững.
Bốn là, sửa đổi chính sách phát triển quỹ việc làm quốc gia theo hướng tạo nhiều việc làm mới và chính sách việc làm công.
Năm là, sửa đổi cơ chế quản lý Nhà nước về quản lý nguồn nhân lực, quỹ việc làm quốc gia và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan Trung ương và địa phương./.