ĐBQH NGUYỄN NGỌC SƠN: ĐẢM BẢO NGUỒN NƯỚC SẠCH SINH HOẠT CHO NGƯỜI DÂN CẦN CÓ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CÔNG TY CẤP NƯỚC
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NƯỚC
Tại Kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là vấn đề quản trị tài nguyên nước nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước và an sinh xã hội. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để quản trị tài nguyên nước hiệu quả, cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Quản trị tài nguyên nước trên nền tảng kết hợp công nghệ số, sử dụng mô hình quản trị nước thông minh và tích hợp các quy định về quản lý nước để kiểm soát chất lượng sẽ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Việc kết hợp này cũng kiểm soát được chất lượng nước, điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội.
Trên thế giới đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả, trong đó, có hai giải pháp là về kỹ thuật và quản lý. Thực chất, việc đưa ra quyết định, phương hướng, chiến lược trong quản trị tài nguyên nước đều được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập được. Vì vậy, quản trị nước thông minh đang trở thành một xu thế lớn trên thế giới.
Một mô hình cung cấp nước sạch cho người dân ở tỉnh Bắc Ninh với hạ tầng, công nghệ thông minh (ảnh: Internet).
Để quản trị nguồn nước được hiệu quả, TS.Lê Thu Thủy - giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu quan điểm: Tại Việt Nam, để thực hiện mô hình quản trị nước thông minh, cơ quan quản lý đã và đang xây dựng quy định về thiết lập hệ thống giám sát online về chỉ số cấp nước và chất lượng nước của hệ thống cấp nước chia sẻ dữ liệu giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cấp nước. Đối với doanh nghiệp cấp nước cần tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, chuyển từ đồng hồ cơ sang đồng hồ điện tử; lắp đặt các thiết bị đo có tính năng truyền dữ liệu, lắp đặt các van giảm áp thông minh; số hóa công tác chi thu, hóa đơn điện tử, kết nối với khách hàng qua Internet, đồng hồ thông minh, kết nối với trung tâm chi phí.
Việt Nam nên ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước; đầu tư và xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra.
Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng; tích trữ nước mưa để sử dụng cũng rất cần thiết. Ngoài ra, cần ưu tiên khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước.
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần bổ sung các quy định hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Để có thể quản trị nguồn nước tốt, theo TS.Lê Thu Thủy, Việt Nam cần học hỏi phương pháp quản trị nước tại các quốc gia có công nghệ cao. Tuy nhiên, nên cân nhắc và áp dụng mô hình quản trị nước thông minh của các nước có kiều kiện tự nhiên tương đồng như Thái Lan, Philippines... để từ đó xem xét áp dụng trong các vấn đề mới của Luật tài nguyên nước sửa đổi. Ngoài ra, cần có quy định rõ trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) về số liệu quan trắc của trạm quan trắc nước mặt, nước thải tự động, liên tục trước khi chia sẻ, công bố và sử dụng phải thực hiện quy trình kiểm duyệt và xử lý số liệu. Bộ số liệu gốc và bộ số liệu đã kiểm duyệt, xử lý đều phải được lưu trữ đầy đủ trong cơ sở dữ liệu.
Đảm bảo an ninh nguồn nước là cốt lõi của các chiến lược quản trị nguồn nước
Để quản trị nguồn nước được hiệu quả, PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế phát triển (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Các tổ chức quốc tế coi đảm bảo an ninh nguồn nước là cốt lõi của các chiến lược quản trị nguồn nước và là một công cụ quản lý hiệu quả. Bởi về thực tiễn, đảm bảo an ninh nguồn nước đã trở thành vấn đề cấp bách ở quy mô toàn cầu và của mỗi khu vực, mỗi quốc gia nói riêng.
An ninh nguồn nước phản ánh sự sẵn sàng đáp ứng của một lượng nước với số lượng và chất lượng chấp nhận được phục vụ các nhu cầu về sức khỏe, sinh kế, hệ sinh thái và sản xuất, kèm theo các rủi ro đối với con người, môi trường và nền kinh tế. Mặt khác, việc đảm bảo an ninh nguồn nước cũng là bảo vệ và cải thiện nước ngọt và hệ sinh thái; đảm bảo phát triển bền vững và ổn định chính trị. Mọi cư dân được tiếp cận với đủ lượng nước an toàn ở mức phí phù hợp với khả năng chi trả để có cuộc sống khỏe mạnh và hữu ích, được bảo vệ trước những những nguy cơ liên quan đến nước.
PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế phát triển (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Theo PGS.TS Nguyễn An Thịnh, mặc dù là một trong số các quốc gia được xem là có trữ lượng nước dồi dào nhưng Việt Nam đang phải đối đầu với thách thức về an ninh nguồn nước do những tác động tổng họp cả về tự nhiên (phân bố nguồn nước không đồng đều, sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn nước các con sông bên ngoài,...) và nhân sinh (các hoạt động phát triển liên quan đến sử dụng nước, chất lượng nguồn nước, chu trình nước, khả năng sinh thủy và phân phối nguồn nước theo không gian và thời gian...).
Mặt khác, Việt Nam cũng chưa có công cụ pháp lý với những chế tài đủ mạnh để bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững, vấn đề an ninh nguồn nước đã được cảnh báo với những phân tích rủi ro có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, cần có những nghiên cứu hệ thống và chuyên sâu về an ninh nguồn nước trên lãnh thổ Việt Nam.
Với những ý kiến, đề xuất trên, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định sự kết hợp công nghệ số, sử dụng mô hình quản trị nước thông minh và tích hợp các quy định về quản lý nước để kiểm soát chất lượng sẽ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước; đồng thời kỳ vọng Quốc hội sẽ chú trọng xem xét khi sửa đổi Luật Tài nguyên nước hiện hành tại Kỳ họp thứ 5 tới./.