PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 6 ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH
Toàn cảnh phiên họp.
Sáng ngày 08/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thượng tướng Lương Tam Quang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Qua nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ thấy rằng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu của tình hình thực tiễn cần thiết phải sửa đổi, bổ sung như: quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử; về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử; cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới...
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày tờ trình của Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, việc sửa đổi, bổ sung góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.
Về bố cục và nội dung của dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 03 điều với 4 Nhóm nội dung: cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; sửa đổi các quy định của Luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam và sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đại tá Vũ Huy Khánh - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra dự án Luật, Đại tá Vũ Huy Khánh trình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật với những căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn như Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, tiếp tục hoàn thiện, ban hành chính sách tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời việc ban hành Luật còn nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí với giải pháp sửa đổi, bổ sung các chính sách do Chính phủ trình; khẳng định, các phương án, chính sách mà cơ quan soạn thảo lựa chọn để xây dựng Luật đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng; phù hợp với chính sách của Nhà nước trong cải cách hành chính, chủ trương khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản thống nhất với sự cần xây dựng dự án Luật.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản thống nhất với sự cần xây dựng dự án Luật, hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5; khẳng định đây là chính sách tiến bộ, tạo thuận lợi cho người Việt Nam ra nước ngoài và thu hút khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện tối đa cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục cấp, đổi hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử. Hồ sơ đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông.
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cũng bày tỏ thống nhất với tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời nhất trí đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, người nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư.
Đồng tình với ý kiến này, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho rằng, việc xây dựng luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa phù hợp với tình hình hiện nay, tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam ra nước ngoài và công dân nước ngoài đến Việt Nam; đề nghị nghiên cứu lại mức lệ phí sao cho phù hợp với các nước trong khu vực; tăng tính cạnh tranh; tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Các ý kiến tham gia cũng đã tập trung làm rõ các nội dung quan trọng của dự án Luật, những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tham gia cụ thể đối với việc bổ sung loại giấy tờ xuất nhập cảnh; về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trong việc ký kết các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú; về giá trị, thời hạn của thị thực điện tử; thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý Ban soạn thảo tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh; hoàn thiện hồ sơ về mặt kỹ thuật văn bản, kỹ thuật lập pháp; đối chiếu, hợp nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung với quy định của Luật hiện hành để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới kết luận nội dung phiên họp.
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật; thực hiện yêu cầu về đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh.
Đồng thời, các đại biểu đã tập trung làm rõ các nội dung quan trọng của dự án Luật, những nội dung còn có ý kiến khác nhau và đồng tình với nhiều nội dung dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; một số ý kiến tham gia cụ thể đối với việc bổ sung loại giấy tờ xuất nhập cảnh…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, có báo cáo giải trình, đánh giá tác động những nội dung còn có ý kiến khác nhau; hoàn thiện Dự án Luật, Báo cáo thẩm tra trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 23 tới đây./.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự phiên họp.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nam Định Nguyễn Hải Dũng phát biểu tại phiên họp
Giám đốc công an Đồng Nai Nguyễn Sỹ Quang, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường nêu ý kiến tại phiên họp.
Đại diện Bộ Ngoại giao phát biểu tại phiên họp.
Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới kết luận nội dung phiên họp.