ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI CÒN MỎNG, CHƯA CHUYÊN NGHIỆP

08/05/2023

Sáng 08/5, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9 nhằm chuẩn bị các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách cùng các thành viên Ủy ban Xã hội; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng đại diện các cơ quan hữu quan.

Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn mỏng, chưa chuyên nghiệp

Tại phiên họp, báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, có 9/20 chỉ tiêu đã đạt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 và tiếp tục duy trì, thực hiện tốt hơn. Tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm là 28,45%, giảm 0,18% so với năm 2021 là 28,63%). (Chỉ tiêu đề ra dưới 30% vào năm 2025). Chỉ tiêu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 28,2%  (từ năm 2021). Đạt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là ít nhất 27%.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là 97,07%, vượt chỉ tiêu đề ra là đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Duy trì và đạt 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, có 7/20 chỉ tiêu có kết quả tiến bộ hơn so với năm 2021 và phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025. Tỉ lệ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 60% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương trên tổng số lao động nữ có việc làm đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà báo cáo

Đánh giá về tình hình thực hiện bình đẳng giới, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông vẫn còn một số hạn chế như: chưa đánh giá được tính hiệu quả thực chất của các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về bình đẳng giới; các hoạt động thường tập trung vào các đợt cao điểm, chưa được thực hiện thường xuyên, chưa có nhiều sự phối hợp, tương tác với người dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bình đẳng giới còn hạn chế, phương thức thực hiện chưa đa dạng, phong phú nên chưa phát huy được hiệu quả toàn diện.

Theo các đại biểu, Luật Bình đẳng giới đã tiến hành tổng kết 10 năm và đang tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Luật. Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi), tuy nhiên không nêu rõ thời điểm trình. Theo Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 là chưa hoàn thành việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới và chưa đảm bảo việc khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật; chưa phản ánh kịp thời thực tế cuộc sống và theo như kiến nghị của một số Bộ, ngành.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho biết, mặc dù dịch COVID-19 đã lắng xuống nhưng vẫn còn ảnh hưởng lâu dài tới quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và tới phụ nữ và các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt các tác động về thể chất, tinh thần, làm gia tăng khoảng cách bình đẳng giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược. Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn mỏng; công chức chuyên trách công tác bình đẳng giới cơ bản là phụ nữ (chiếm 71,6%); đội ngũ này thường xuyên luân chuyển, biến động hàng năm; kỹ năng, kiến thức về bình đẳng giới còn hạn chế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm

Theo đại biểu Hà Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, sự quan tâm và nhận thức của một số cán bộ, lãnh đạo còn hạn chế; định kiến giới, bạo lực, xâm hại, mua bán phụ nữ và trẻ em gái ngày một diễn biến phức tạp, tăng về số lượng tiếp tục là những thách thức, khó khăn trong công tác bình đẳng giới trong thời gian tới. Việc thu thập các chỉ tiêu thống kê phát triển giới là minh chứng cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực và việc thực hiện Chiến lược vẫn là vấn đề hạn chế; chưa đánh giá được mức độ thực hiện Chiến lược đến năm 2025. Chưa thực hiện được nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược là xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia.

Các đại biểu cũng đề nghị báo cáo cần làm rõ hơn tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, từ đó có giải pháp đề xuất kiến nghị cụ thể, phù hợp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, gia đình và xã hội về bình đẳng giới, tập trung vào địa phương, lĩnh vực có nhiều bất bình đẳng giới. Thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục, nội dung, chất lượng đánh giá tác động giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới.

Ngoài ra, cần sớm có giải pháp nhằm đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, cán bộ làm công tác bình đẳng giới chuyên trách. Chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; hằng năm có kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại một số bộ, ngành, địa phương, tập trung vào các bộ, ngành, địa phương còn chưa thực hiện tốt chính sách pháp luật về bình đẳng giới, kết quả thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội còn nhiều hạn chế. Quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Chưa có đủ việc làm bền vững, còn tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2023 và dự kiến đến hết năm 2023 cho thấy, tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước; tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 45 nghìn người, đạt khoảng 40% kế hoạch năm, góp phần giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp.

Toàn cảnh phiên họp

Về bảo trợ xã hội, giảm nghèo, ưu đãi người có công với cách mạng, Trong 4 tháng đầu năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung xây dựng đề cương nghiên cứu đề án Luật sửa đổi, bổ sung Luật người cao tuổi và đề án sửa đổi, bổ sung Luật người khuyết tật; xây dựng dự thảo và hồ sơ trình Chính phủ Nghị định về công tác xã hội. Chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt đầu năm 2023.

Về phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể; tổ chức các nghiên cứu, báo cáo đánh giá tác động; các hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia về các vấn đề quản lý phục vụ xây dựng hồ sơ dự án sửa đổi Pháp lệnh phòng, chống mại dâm. Hướng dẫn lồng ghép Chương trình phòng, chống mại dâm với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở. Hướng dẫn triển khai và nhân rộng các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh với các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đánh giá cao báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các đại biểu đánh giá báo cáo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, vấn đề lao động, việc làm còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phân tích, làm rõ như: tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao; cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động.

Quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cùng một số đại biểu Quốc hội phản ánh một số bất cập trong vấn đề lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài, cùng các vấn đề như việc kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề; tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước; cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa được cập nhật thường xuyên, có độ trễ lớn.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu

Về vấn đề phòng, chống tệ nạn xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cùng một số đại biểu cho rằng, một số quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội còn bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Tại hầu hết các địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội còn thiếu. Mức bố trí kinh phí triển khai các nhiệm vụ về phòng, chống tệ nạn xã hội còn thấp, chưa đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu mà chương trình giao.

Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hiệu quả thấp do người nghiện, gia đình người nghiện không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện; các tổ chức, cá nhân, đơn vị sự nghiệp công lập không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Việc xác định tình trạng nghiện tại xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn do cơ sở y tế địa phương không đáp ứng được cơ sở vật chất, khu lưu trú dành riêng cho người nghiện ma túy, trong khi cơ sở cai nghiện ma túy công lập không đủ điều kiện, thẩm quyền xác định tình trạng nghiện theo quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến phát biểu trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc và toàn diện của các đại biểu. Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo, tuy nhiên, nhiều vấn đề về bình đẳng giới, lao động việc làm, xuất khẩu lao động, an sinh xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo cần được phân tích, làm rõ hơn nữa.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 là rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới, đồng thời đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo về bình đẳng giới và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đạt chất lượng cao.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Hà Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả hơn Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và các tháng đầu năm 2023

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về vấn đề phòng, chống ma túy

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo, tuy nhiên, nhiều vấn đề về bình đẳng giới, lao động việc làm, xuất khẩu lao động, an sinh xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo cần được phân tích, làm rõ hơn nữa./.

Hồ Hương - Minh Hùng