THAM KHẢO KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ TỶ LỆ SỞ HỮU CỔ PHẦN TRONG CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

11/05/2023

Dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 23, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao, cơ quan soạn thảo đã chủ động tham khảo nội dung quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong khung khổ pháp luật nhiều nước trên thế giới.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Quang cảnh phiên họp

Dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 23, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Trong quá trình xây dựng luật, việc tham khảo kinh nghiệm phát triển và quản lý các tổ chức tín dụng của một số nước trên thế giới là cần thiết để đảm bảo dự án luật đạt chất lượng cao, đảm bảo tính hài hòa pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế.

Về vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần, Điều 54 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sau đây: Sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 102, khoản 3 Điều 108 của Luật này; Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác. Tỷ lệ sở hữu quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này bao gồm cả số cổ phần do doanh nghiệp mà cổ đông đó sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên nắm giữ. Tỷ lệ sở hữu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.

Để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao, cơ quan soạn thảo đã chủ động tham khảo những góc nhìn từ pháp luật quốc tế về tỷ lệ sở hữu cổ phần. Theo hiệp định EVFTA, các nước EU bảo lưu các hạn chế về tiếp cận thị trường, đối xử quốc gia đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam trên lãnh thổ EU như sau:

Tại Bun-ga-ri, trong các doanh nghiệp mà công chúng (Nhà nước hoặc địa phương) sở hữu trên 30% vốn cổ phần, việc chuyển nhượng các cổ phần này cho bên thứ ba phải được cấp phép. Những hoạt động kinh tế nhất định liên quan đến việc khai thác hoặc sử dụng tài sản Nhà nước hoặc tài sản công phải được nhượng quyền theo Luật Nhượng quyền. Nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia vào tư nhân hóa. Nhà đầu tư nước ngoài và pháp nhân Bun-ga-ri do người Việt Nam nắm quyền kiểm soát phải được cấp phép khi thăm dò, phát triển và khai thác tài nguyên thiên nhiên từ lãnh hải, thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế và mua lại phần vốn ở mức độ kiểm soát trong các công ty tham gia vào bất kỳ hoạt động nào nêu tại điểm (a).

Tại Bun-ga-ri, trong các doanh nghiệp mà công chúng sở hữu trên 30% vốn cổ phần, việc chuyển nhượng các cổ phần này cho bên thứ ba phải được cấp phép

Tại Đan Mạch, việc thành lập chi nhánh công ty nước ngoài ngoài Liên minh Châu Âu phụ thuộc vào việc quốc gia đó đã chấp thuận trong một điều ước quốc tế hay chưa. Quy hoạch bán lẻ ở Đan Mạch được điểu chỉnh bởi Luật Quy hoạch và có các tiêu chí về quy mô và địa điểm cửa hàng bán lẻ. Việc điều chỉnh quy mô và địa điểm chỉ dựa trên các vấn đề môi trường. Do đó cơ sở kinh doanh bán lẻ nước ngoài không cần sự cho phép hoặc giấy phép đặc biệt trước khi đầu tư vào Đan Mạch.

Tại Tây Ban Nha, Chính phủ và thực thể công nước ngoài đầu tư vào Tây Ban Nha, trực tiếp hoặc thông qua các công ty hoặc các thực thể khác do chính phủ nước ngoài kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, cần được chính phủ phê duyệt trước.

Tại Pháp, việc nước ngoài mua trên 33,33% cổ phần hoặc quyền biểu quyết trong một doanh nghiệp Pháp đang tồn tại, hoặc dẫn đến việc kiểm soát công ty của Pháp, và nếu đó là một phần của việc thực thi quyền lực công hoặc liên quan đến một trong các lĩnh vực sau đây, thì phải được Bộ trưởng Bộ Kinh tế chấp thuận, ngay cả khi việc đó xảy ra không thường xuyên: hoạt động có nhiều khả năng ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an toàn công cộng hoặc lợi ích quốc phòng; nghiên cứu và sản xuất hoặc tiếp thị vũ khí, đạn dược, hoặc thuốc nổ hoặc vật liệu nổ. Việc chấp thuận có thể gắn với những điều kiện đặc biệt.

Việc tham gia của nước ngoài vào các công ty mới được tư nhân hóa có thể bị hạn chế ở một lượng nhất định so với lượng cổ phần chào bán ra công chúng do Chính phủ Pháp quyết định trong từng trường hợp cụ thể. Đối với việc thành lập trong một số hoạt động thương mại, công nghiệp hoặc thủ công nhất định, cần phải được sự cho phép cụ thể nếu giám đốc điều hành không có giấy phép thường trú.

Tại Phần Lan, người Việt Nam mua lại cổ phần và có được một phần ba quyền biểu quyết của một công ty lớn của Phần Lan hoặc một cam kết kinh doanh chủ chốt (với trên 1.000 lao động, với doanh thu trên 168 triệu Euro hoặc với tổng bảng cân đối kế toán trên 168 triệu Euro) sẽ phải được cơ quan có thẩm quyền Phần Lan xác nhận. Việc xác nhận này chỉ bị từ chối nếu lợi ích quốc gia quan trọng bị ảnh hưởng. Những hạn chế này không áp dụng đối với dịch vụ viễn thông.

Tại Ý, đặc quyền có thể được dành cho hoặc duy trì liên quan đến công ty mới tư nhân hóa. Quyền biểu quyết trong công ty mới tư nhân hóa có thể bị hạn chế trong một số trường hợp. Trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, việc mua lại một lượng lớn cổ phần của các công ty trong lĩnh vực quốc phòng, dịch vụ vận tải, viễn thông và năng lượng có thể phải được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Minh Hùng