TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 11/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Theo Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, giá đất là nội dung phức tạp và quan trọng nhất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), vì đây là yếu tố quyết định đến quyền lợi và nghĩa vụ tài chính của các chủ thể liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất đai. Hầu hết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực đất đai đều bắt nguồn từ việc không thống nhất được giá đất.
Hình ảnh tại một phiên họp của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ các nội dung về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật. Cụ thể, đề nghị quy định rõ ràng “các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất” bao gồm những yếu tố nào được sử dụng để làm căn cứ xác định giá đất”; quy định về điều tra, khảo sát cũng không đủ căn cứ và cơ sở xác định; quy định “thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường”, đề nghị làm rõ là thông tin từ thị trường nào, cơ sở pháp lý, mức độ đáng tin cậy và độ chính xác của thông tin này.
Dự thảo Luật đã liệt kê 05 phương pháp định giá đất, tuy nhiên không rõ nội hàm của các phương pháp này, không rõ phương thức áp dụng đối với từng loại đất hoặc thứ tự ưu tiên cần áp dụng. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần bổ sung quy định trong dự thảo Luật về mặt nguyên tắc đối với các phương pháp định giá đất làm cơ sở để giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.
Về bảng giá đất, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị cần làm rõ nội dung của quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất định kỳ hàng năm sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua” thì việc thông qua của Hội đồng nhân dân dưới hình thức nào, thông qua nội dung gì, nếu Hội đồng nhân dân đã ban hành Nghị quyết thông qua bảng giá đất thì Ủy ban nhân dân quyết định ban hành bảng giá đất có khác với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân không. Có ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi và hiệu quả của việc quy định “xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất” tại khoản 2 Điều 155 dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng, việc quy định “bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm” là chưa thực sự phù hợp, làm tăng chi phí và thủ tục khi không có biến động về giá đất, đồng thời đối với những khu vực có giá đất tăng cao không được điều chỉnh kịp thời. Do đó, đề nghị không nên quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ mà chỉ nên quy định điều chỉnh khi giá đất có biến động về chỉ số CPI từ 10% trở lên.
Đề nghị cần làm rõ phạm vi khu vực, vị trí xây dựng bảng giá đất. Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định bảng giá đất đối với đô thị cần xây dựng theo tuyến (đoạn) đường, phố và các vị trí 1-4 theo mức độ thuận tiện trong sinh hoạt, kinh doanh.
Đề nghị làm rõ để bảo đảm tính thống nhất giữa quy định “bảng giá đất được áp dụng tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm” tại Điều 155 dự thảo Luật với quy định trường hợp đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được ổn định trong 5 năm tại Điều 149. Đồng thời, làm rõ việc tính tiền thuê đất tăng thêm đối với những trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng thì có áp dụng bảng giá đất không, nếu không thì áp dụng theo giá nào, mức nào.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp thứ 23
Khoản 4 Điều 155 quy định: “Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường được thuê tổ chức tư vấn định giá đất để xây dựng bảng giá đất, thẩm định bảng giá đất; trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất xem xét trước khi trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh”. Liên quan đến quy định này, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, trên thực tế đang có tình trạng không có tổ chức tư vấn định giá đất tham gia vào việc tư vấn định giá đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường, do đó đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trường hợp không thuê được tổ chức tư vấn định giá đất thì sẽ thực hiện tiếp tục các thủ tục hành chính nào.
Tương tự như với bảng giá đất, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể quy định về giá đất cụ thể đối với trường hợp cơ quan tài nguyên và môi trường không thuê được tổ chức tư vấn định giá đất thì sẽ áp dụng quy trình, thủ tục xác định giá đất cụ thể như thế nào.
Các đại biểu tham dự phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Về Hội đồng thẩm định giá đất, dự thảo Luật đang quy định theo hướng: Uỷ ban nhân dân ban hành Bảng giá đất, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức xây dựng bảng giá đất và giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan tài nguyên và môi trường thuê tổ chức tư vấn định giá đất để xác định Bảng giá đất và giá đất cụ thể, trình Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định trước khi trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định.
Tuy nhiên, Điều 157 lại quy định Hội đồng thẩm định bao gồm: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Chủ tịch Hội đồng,…và tổ chức tư vấn định giá đất. Theo Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc quy định thành phần Hội đồng thẩm định như trên là không hợp lý, không đảm bảo nguyên tắc khách quan, độc lập như đã nêu tại khoản 1 Điều 154 về nguyên tắc định giá đất. Tổ chức tư vấn định giá đất đưa ra bảng giá đất, giá đất cụ thể lại là thành viên của Hội đồng thẩm định giá đất để thẩm định chính kết quả tư vấn định giá đất của mình. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là người quyết định giá đất cụ thể lại làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất sẽ không đảm bảo tính khách quan khi đưa ra quyết định.
Cùng với đó, khoản 6 Điều 157 dự thảo Luật quy định “Kết quả thẩm định giá đất của Hội đồng là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định Bảng giá đất, giá đất cụ thể” sẽ không bảo đảm tính khách quan của cơ quan, người có thẩm quyền quyết định bảng giá đất hoặc quyết định giá đất cụ thể. Đề nghị quy định khi quyết định giá đất có thể sử dụng kết quả thẩm định hoặc sử dụng các thông tin khác để quyết định giá đất cho phù hợp, bảo đảm phân biệt rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong “thẩm định giá” và “định giá”.