DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ: QUY ĐỊNH RÕ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI VÀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI NỘI BỘ

16/05/2023

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. Việc xây dựng dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ. Đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ....

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ

Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đường bộ”.

Báo cáo tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Đường bộ” do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức vào chiều 16/5, tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Đến nay, dự án Luật Đường bộ đã được Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị; ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV; ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban pháp luật. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 5 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Về bố cục, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải Trịnh Thị Hằng Nga nêu rõ, Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 02 chương sang Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải Trịnh Thị Hằng Nga báo cáo tại Hội thảo.

Thay đổi phạm vi điều chỉnh

Theo đó, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, về quy định chung, dự thảo Luật có các điểm mới như sau: Thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, cụ thể Luật này quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ; Bổ sung các khái niệm mới như: đường giao thông nông thôn; đường địa phương; phương tiện công nghệ mới; phương tiện đa tính năng (Điều 3); bổ sung quy định về áp dụng Luật Đường bộ và các luật khác (Điều 4); bổ sung các chính sách phát triển giao thông đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước (Điều 6).

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu đường bộ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (Điều 8).

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý đường bộ

Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có các điểm mới như sau: Bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Bổ sung quy định việc phân kỳ đầu tư trong việc cho phép đường địa phương, đường chuyên dùng được quy hoạch thành quốc lộ; Bổ sung quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ; bổ sung quy định đất hành lang an toàn đường bộ đã được Nhà nước thu hồi; quy định về đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi;...

Các đại biểu dự hội thảo.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định công trình hạ tầng khác xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an toàn trong xây dựng và khi khai thác sử dụng; bảo đảm quy định của pháp luật về môi trường. Đồng thời làm rõ hơn trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải hoàn trả công trình đường bộ bị ảnh hưởng, bố trí kinh phí tổ chức di dời công trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thu hồi đất để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, bảo trì công trình đường bộ; khi công trình hạ tầng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ mà không có biện pháp khắc phục, công trình xây dựng trái phép, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định.

Đặc biệt, tại Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý đường bộ, theo đó phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình quốc lộ được phân cấp. Riêng đối với các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt, thì phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý đô thị đặc biệt thực hiện việc tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đoạn tuyến quốc lộ đó và thực hiện việc quản lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong việc quản lý khai thác, bảo trì đường bộ trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong giai đoạn vận hành khai thác, chưa thực hiện phương án xử lý, lựa chọn nhà đầu tư thay thế, trách nhiệm bảo trì trong thời gian thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản chuyển giao cho nhà nước theo hợp đồng dự án theo phương thức đối tác công tư; làm rõ trách nhiệm của nhà nước, chủ sở hữu công trình trong việc bảo đảm vốn quản lý bảo trì các tuyến đường bộ do mình đầu tư, vận hành khai thác...

Xe cơ giới phải đáp ứng mức khí thải theo quy chuẩn kỹ thuật

Liên quan đến quy định về phương tiện giao thông đường bộ, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có các điểm mới như: Bổ sung khung pháp lý cho việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng như phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận về hệ thống, tổng thành, linh kiện, an toàn kỹ thuật chung và khí thải khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và các yêu cầu đặc thù khác khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu để có thể kiểm soát được các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bổ sung quy định xe cơ giới phải đáp ứng mức khí thải theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (Điều 48) kiểm tra, thử nghiệm, khí thải của xe cơ giới, đặc biệt là quy định về xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định về lộ trình của Thủ tướng Chính phủ (Điều 49). Đây là những chính sách cụ thể hơn so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhằm bảo vệ quyền được sống trong môi trường ít phát thải ô nhiễm, giảm thiểu các tác động về môi trường của phương tiện tham gia giao thông.

Bổ sung quy định chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng giữa 02 kỳ kiểm định; tổ chức, doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm tra, chứng nhận, thử nghiệm, triệu hồi, kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa do mình thiết kế, sản xuất, nhập khẩu và phải đảm bảo tổ chức thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng cho xe cơ giới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu....

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông vận tải Trịnh Thị Hằng Nga.

Quy định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ

Về vận tải đường bộ, dự thảo Luật có các điểm mới như: Bổ sung các quy định về hoạt động vận tải đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ trong nước, hoạt động vận tải đường bộ quốc tế. Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ để có những điều tiết phù hợp giữa 02 loại hình này, đảm bảo công bằng, minh bạch, bảo đảm an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ.

Sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian làm việc của người lái xe, ngoài việc đảm bảo thời gian theo quy định của Bộ Luật lao động, thời gian lái xe liên tục, thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục vào ban ngày, ban đêm, theo loại hình kinh doanh vận tải để đảm bảo sức khoẻ của người lái xe trong đó có sức khoẻ người lái xe ban đêm.

Bổ sung quy định về công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu đơn vị vận tải bằng xe ô tô phải bảo đảm công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Đồng thời, dự thảo Luật giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sắp xếp lại các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, dự thảo Luật quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi....

Như vậy, dự thảo Luật đã khắc phục được điểm hạn chế của Luật Giao thông đường bộ 2008 trong việc quy định cụ thể các loại hình kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh của từng loại hình kinh doanh vận tải trong luật. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Chính phủ trong việc điều tiết các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phù hợp với nhu cầu quản lý và nhu cầu phát triển của hoạt động kinh doanh vận tải trong từng thời kỳ phát triển nhất định; điều tiết kịp thời các loại hình kinh doanh vận tải mới phát sinh do tính tất yếu của thị trường, do sự quốc tế hóa đan xen trong quá trình hợp tác, mở cửa.

Cũng tại Dự thảo Luật Đường bộ lần này đã quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh