SỬA ĐỔI LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN: ĐỘT PHÁ LỚN ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ SỐ
Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Hội nghị do Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam chủ trì. Đoàn công tác của Bộ Công an, đại diện một số cục nghiệp vụ của Bộ, phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Hà Nam tham dự hội nghị và trình bày tham luận xoay quanh nội dung dự thảo các dự án luật: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Căn cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Tô Anh Dũng cho biết, các dự án Luật được Bộ Công an soạn thảo xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Ngay sau khi kết thúc hội nghị, Công an tỉnh Hà Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ có buổi khảo sát việc thi hành Luật Căn cước công dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tạo thuận lợi hơn cho người dân sử dụng thẻ căn cước
Về dự án Luật Căn cước, Đại tá Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, Luật được xây dựng, ban hành do yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ.
Theo đó, dự thảo Luật Căn cước quy định, lược bỏ vân tay, thay đổi thông tin quê quán, nơi thường trú để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.
Dự thảo bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số; đảm bảo yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý Nhà nước, để trẻ em dưới 14 tuổi cũng phải được giao dịch trong môi trường điện tử. Tuy đây là quy định không bắt buộc, nhưng trên thực tế lại rất cần vì đã xảy ra bất cập (như giấy khai sinh không chứng minh được người được khai sinh và người sử dụng).
Dự thảo cũng bổ sung quy định về sử dụng căn cước điện tử thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử. Theo đó, mỗi công dân chỉ có 1 căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng căn cước điện tử. Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người dân, có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Nâng thời hạn visa điện tử để hút khách du lịch nước ngoài
Tại Hội nghị, Đại tá Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam trình bày tham luận về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cùng những yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Theo Đại tá Hà, năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Hai luật này được ban hành, sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho cho công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh và cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, hoạt động tại Việt Nam; từ đó phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy du lịch, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và nhiệm vụ xây dựng Chính phủ số, công dân số, yêu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, theo Đại tá Hà, việc triển khai chính sách visa điện tử là một chủ trương hết sức đúng đắn, đồng thời đảm bảo thuận tiện, công khai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, theo quy định của luật, Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp visa điện tử nếu đáp ứng các điều kiện như có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, quá trình thực hiện, quy định trên lại ràng buộc việc mở rộng đối tượng được cấp visa điện tử, do đó ảnh hưởng đến việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Chính vì vậy cần nghiên cứu sửa đổi để có thể mở rộng áp dụng nhiều hơn nữa đối với công dân các nước, vùng lãnh thổ khi bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển của nước ta.
Ngoài ra, thời hạn visa điện tử hiện nay cũng tương đối ngắn, không quá 30 ngày và chỉ có giá trị nhập cảnh một lần, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường dài ngày hoặc có nhu cầu nhập, xuất cảnh nhiều lần; do đó cần nghiên cứu sửa đổi, nâng thời hạn, giá trị của visa điện tử.
Theo Đại tá Hà, dự kiến trong thời gian tới, lượng người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta sẽ tăng cao, đặc biệt là người nhập cảnh bằng visa điện tử ngày càng nhiều. Do vậy, công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải tăng cường hơn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập, xuất cảnh của Việt Nam.