NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ ĐẢM BẢO AN NINH, TRẬT TỰ TẠI CƠ SỞ
ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 7, THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Toàn cảnh phiên họp.
Chiều 18/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã họp phiên toàn thể lần thứ 7, thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở
Báo cáo tại phiên họp về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an thay mặt Ban soạn thảo báo cáo tại phiên họp.
Theo đại diện Bộ Công an, dự thảo Luật đã điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Đại tá Vũ Huy Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật. Việc ban hành Luật là cơ sở cho việc kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn một số lực lượng bán chuyên trách, tự nguyện, tự quản bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thống nhất bố trí lực lượng và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi đã thực hiện bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã; tiếp tục thể chế hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đại tá Vũ Huy Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị việc sắp xếp, kiện toàn các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần quán triệt nguyên tắc không làm tăng biên chế và nhân sách nhà nước, không phát sinh thủ tục hành chính, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác ở cơ sở hiện nay.
Về vị trí, chức năng (Điều 2), Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với quy định về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như dự thảo Luật, bởi nội dung này, Chính phủ đã tiếp thu ý thu ý kiến đại biểu Quốc hội, có sự điều chỉnh cơ bản so với dự thảo Luật trình Quốc hội Khóa XIV.
Cần có chính sách động viên, khuyến khích, thu hút người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Cơ bản nhất trí với Tờ trình và dự thảo báo cáo thẩm tra, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã cơ bản bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, phù hợp quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan.
Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở là cần thiết.
ĐBQH Hà Đức Minh - Bí thư Huyện uỷ Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
Đồng tình với dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng khẳng định, “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo là “quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” đã khái quát được đầy đủ và thống nhất với nội dung, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật.
Bên cạnh đó, do dự thảo Luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng khác ở cơ sở nên một số đại biểu đề nghị, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các quy định của luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, có đánh giá rõ hơn tác động của dự án Luật liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; cân nhắc một số quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách đối với lực lượng này.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị khi kiện toàn, tổ chức lại lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì cần quan tâm thực hiện chế độ, chính sách để động viên, khuyến khích, thu hút người tham gia và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luân, làm rõ một số vấn đề liên quan đến điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…
Báo cáo làm rõ nội dung của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, đây là lực lượng “tham gia hỗ trợ” cho Công an cấp xã trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời để huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã quy định rõ đây là lực lượng nòng cốt xây dựng mô hình tự quản, bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên họp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, trên cơ sở đánh giá thực trạng hiện nay về tổ chức, hoạt động của các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Chính phủ thấy rằng với việc kế thừa, sử dụng nguyên trạng lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng (khoảng 300.000 người – theo báo cáo của Bộ Công an) sẽ bảo đảm phù hợp, khả thi và là nguồn lực quan trọng để các địa phương tiếp tục sử dụng, kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung để tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức kết luận nội dung phiên họp.
Thay mặt Ủy ban Quốc phòng và An ninh kết luận nội dung phiên họp, Trung tướng Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo tờ trình của Chính phủ và dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất giữa các Luật cũng như tính khả thi của dự án Luật.
Các đại biểu cũng đã góp ý cụ thể về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng như việc tuyển chọn, đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức khẳng định Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ cùng với Ban Soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc Phiên họp.
Dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Thường trực, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo Bộ Công an, đại diện Ban soạn thảo, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật. Việc ban hành Luật là cơ sở cho việc kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn một số lực lượng bán chuyên trách, tự nguyện, tự quản bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thống nhất bố trí lực lượng và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị làm rõ cơ chế tài chính để hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhất trí với tên gọi và phạm vi của dự án Luật.
Phó Bí thứ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho ý kiến tại phiên họp.
ĐBQH Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển phát biểu tại Phiên họp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức kết luận nội dung phiên họp.