ĐẢM BẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ

23/05/2023

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Tham gia đóng góp ý kiến thẩm tra dự án luật này, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để những quy định trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Dân sự.

HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên phạm vi cả nước về dự án Luật này. Công tác tổng hợp, tiếp thu thông tin, phản hồi, ý kiến, kiến nghị của nhân dân về dự án luật đang được triển khai tích cực.

Tham gia thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Tòa án nhân dân khi có yêu cầu, khoản 1 Điều 235 của dự thảo Luật (bản lấy ý kiến nhân dân) quy định: “Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã có ý kiến tán thành và đề nghị bổ sung thêm một số quy định để ràng buộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong việc cung cấp tài liệu; biện pháp xử lý trong trường hợp Ủy ban nhân dân không cung cấp tài liệu cho Tòa án nhân dân khi có yêu cầu; đồng thời, đề nghị bổ sung trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (sở, ngành cấp tỉnh; phòng, ban cấp huyện) trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, dự thảo Luật (bản tiếp thu, chỉnh lý) theo Tờ trình số 136/TTr-CP ngày 25/4/2023 của Chính phủ đã bỏ nội dung liên quan đến trách nhiệm cung cấp, hồ sơ tài liệu của Ủy ban nhân dân các cấp. Việc thiếu quy định trên sẽ dẫn đến tình trạng các Ủy ban nhân dân chậm cung cấp, thậm chí không cung cấp chứng cứ, tài liệu (như đã phân tích tại Báo cáo số 1268/BC-UBTP15 ngày 07/10/2022), dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai nói chung, nhất là đối với các vụ án hành chính liên quan đến đất đai nói riêng. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ bổ sung quy định về trách nhiệm cung cấp, hồ sơ tài liệu của Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng đã đề xuất tại Báo cáo số 1268/BC-UBTP15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Tư pháp.

Cùng tham gia đóng góp ý kiến về dự án luật này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần rà soát, nghiên cứu kỹ về mối quan hệ giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với Bộ luật Dân sự. Theo đó, về quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, Điều 31, điểm k khoản 1 Điều 129 của dự thảo Luật quy định về quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cách tiếp cận mới về quyền này so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và quy định rộng hơn là quyền đối với bất động sản liền kề. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp với Bộ luật Dân sự về tên gọi của quyền và việc liệt kê các quyền.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Về xây dựng công trình ngầm, công trình trên không, điểm l khoản 3 Điều 75 của dự thảo Luật quy định “Thu hồi phần diện tích đất trên bề mặt để phục vụ xây dựng công trình ngầm”. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung các quy định về quyền bề mặt, trong đó có khái niệm “Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác” (Điều 267).

Do đó, để bảo đảm khai thác giá trị đất đai, ổn định các quan hệ xã hội, phù hợp với tính chất của quyền bề mặt trong Bộ luật Dân sự, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định theo hướng Nhà nước chỉ thu hồi phần không gian ngầm mà không phải là thu hồi phần diện tích đất trên bề mặt; trường hợp này, người sử dụng đất tiếp tục sử dụng đất trên bề mặt và khoảng không, đồng thời được Nhà nước bồi hoàn, bồi thường hoặc hỗ trợ đối với những thiệt hại, chi phí phát sinh do bị thu hồi không gian. Nhà nước chỉ thu hồi cả bề mặt đất nếu thửa đất được lựa chọn để xây dựng công trình phụ trợ cho khai thác, sử dụng công trình ngầm.

Bên cạnh đó, Điều 210 của dự thảo Luật quy định về đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không, trong đó đã tách biệt được quyền của người sử dụng đất đối với phần không gian ngầm, không gian trên không (khoản 2) và quyền của Nhà nước đối với phạm vi ngoài phần không gian này (khoản 3).

Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa quy định tại Điều 210, đồng thời bảo đảm phù hợp với tính chất của quyền bề mặt trong Bộ luật Dân sự và tính khả thi khi thực hiện quyền, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định tại điểm a khoản 7 Điều 210 theo hướng Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình ngầm được cấp Giấy chứng nhận đối với phần không gian phục vụ xây dựng công trình ngầm và được thực hiện quyền của người sử dụng phần không gian đó theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật này và luật khác có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo khoản 2 Điều 210 thì người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian sử dụng đất. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu có quy định loại trừ tại điểm a khoản 7 Điều này đối với trường hợp cho thuê, cho thuê lại vì người thuê, thuê lại chỉ được xác lập quyền trên cơ sở hợp đồng cho thuê, cho thuê lại mà không phải là xác lập quyền bề mặt.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát bổ sung vào khoản 1, điểm a khoản 7 quy định về đất xây dựng công trình trên không để bảo đảm đầy đủ với nội dung và tên của Điều 210.

Ngoài ra, cần bổ sung các quy định có liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền, như bổ sung giải thích khái niệm không gian ngầm, không gian trên không; quy định về nguyên tắc đăng ký, đăng ký lần đầu, đăng ký biến động đối với trường hợp này; việc thể hiện không gian ngầm, không gian trên không trong thống kê, kiểm kê đất đai, hệ thống bản đồ hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất…

Minh Hùng