ƯU TIÊN GIẢM THUẾ, LÃI SUẤT CHO VAY ĐỂ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH
Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 03/01/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, rất phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2022 là rất đáng trân trọng. Nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Cũng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ ra rằng, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn được chỉ ra. Một trong những hạn chế đó là vấn đề giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Đại biểu Khuất Việt Dũng - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đồng thuận với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 vẫn tăng 12,5%. Điều đó cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với tình hình kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu Khuất Việt Dũng, còn 02/15 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp, chế biến, chế tạo trong GDP (chỉ đạt 24,76% thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5-25,8%). Cả hai chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn hạn chế.
Việc phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết dẫn đến chính sách tài khóa chưa được phát huy. Chính sách, giải ngân các vốn đầu tư công còn chậm. Việc dự báo chưa sát, phản ứng của các Bộ ngành còn lúng túng trong giải ngân nguồn vốn.
Đại biểu Khuất Việt Dũng.
Để khắc phục thực tế trên, đại biểu Khuất Việt Dũng yêu cầu Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Ngoài ra, các Bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các địa phương.
Giải ngân đầu tư công chậm đồng nghĩa với lãng phí thời gian, kinh phí và cơ hội hưởng lợi của nhiều người dân
Đưa ra quan điểm về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội chỉ ra rằng: Năm 2022, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP; nợ Chính phủ là 34,7% GDP; nợ nước ngoài là 36,8% GDP). Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%. Đây là yếu tố rất có lợi để nước ta đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư công. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%).
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, nếu giải ngân đầu tư công chậm thì cũng đồng nghĩa là chúng ta đang làm lãng phí thời gian, kinh phí và cơ hội hưởng lợi của nhiều người dân. Ngoài ra, việc giải ngân chậm cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện được các mục tiêu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội và tạo việc làm cho lao động. Vì vậy, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ thực hiện nhanh việc giải ngân đầu tư công, kịp thời các giải quyết những vướng mắc về thủ tục hành chính...
Đề cập về nguồn lực để triển khai các quy hoạch sau khi được phê duyệt, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu quan điểm: Nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt để khai thông các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, trong nước và quốc tế thì việc triển khai thực hiện là rất khó khăn. Chưa kể đến các thủ tục hành chính, dưới quy hoạch cần có kế hoạch thực hiện, phương án thực hiện. Ví dụ: Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng cần có Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia và Phương án phát triển điện lực tỉnh (được lồng ghép trong Quy hoạch tỉnh), trong khi đó chưa có quy định về trình tự, thủ tục lập Kế hoạch và Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt thì việc triển khai rất khó khăn. Vì vậy, vấn đề trên cần có các biện pháp tập trung tháo gỡ ngay, không sẽ rất khó khăn khi triển khai.
Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, vào ngày 31/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Tình hình thế giới thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Thiết nghĩ, ở trong nước, chúng ta có những cơ hội, thuận lợi nhờ nền tảng chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; một số chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh được triển khai thực hiện; nhiều dự án, công trình lớn được đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội và đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, những vướng mắc trong chậm giải ngân vốn đầu tư cần được xem xét một cách thấu đáo để kịp thời tháo gỡ./.